Nợ xấu tăng mạnh, cổ phiếu vua có còn hấp dẫn?

0:00 / 0:00
0:00
Chất lượng tài sản ngân hàng suy yếu, nguy cơ truyền dẫn nợ xấu bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sang hệ thống ngân hàng đang khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng về triển vọng tăng trưởng của ngành ngân hàng năm nay.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nợ xấu trái phiếu, bất động sản sẽ “truyền dẫn” sang hệ thống ngân hàng?

Nợ xấu tăng nhanh đang là nỗi lo lớn nhất của các ngân hàng hiện nay. Ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank cho hay, nếu như năm 2022, rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng là thanh khoản, lãi suất…, thì năm 2023, rủi ro lớn nhất của các ngân hàng là rủi ro tín dụng, rủi ro nợ xấu, buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy, tính tới cuối tháng 2/2023, nợ xấu toàn hệ thống đã ngấp nghé mức 3%, cao gấp đôi cuối năm 2021. Nợ xấu gộp toàn hệ thống đã lên tới mức 5%.

Rủi ro nợ xấu ngân hàng sẽ còn tăng lên khi thị trường bất động sản và TPDN vẫn chưa thể phục hồi, nợ xấu hai lĩnh vực này tăng nhanh. TS. Cấn Văn Lực cho hay, tính tới cuối quý I/2023, tỷ lệ nợ xấu bất động sản đang cao hơn tỷ lệ nợ xấu chung toàn hệ thống. Chưa có tỷ lệ nợ xấu TPDN của hệ thống ngân hàng, song theo thống kê của FiinRatings, nợ xấu TPDN phi tài chính tính tới đầu tháng 5/2023 cũng đã lên tới 16,3%.

Mặc dù nợ xấu đang tăng nhanh, song giới chuyên gia vẫn cho rằng, với nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay chưa đến mức lo ngại.

Mặc dù nợ xấu bất động sản và TPDN đang tăng lên, song theo ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích, CTCP Chứng khoán MayBank Kim Eng, với tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản (khoảng 7% tổng dư nợ), đầu tư TPDN (khoảng 2,5% - trong đó chỉ 30% là TPDN bất động sản) trên tổng dư nợ hiện nay, ngay cả khi nợ xấu các lĩnh vực này tăng 50%, thì cũng không thể đẩy nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam trở lại như 10 năm trước đây. Chưa kể, thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã tăng cường trích lập dự phòng. Hiện nay, bộ đệm dự phòng của các ngân hàng có khả năng xử lý nợ xấu trong vòng 1-1,5 năm. Hơn thế, Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ cũng giúp các ngân hàng giảm áp lực nợ xấu và dự phòng nợ xấu.

“Áp lực nợ xấu là có, song tỷ lệ nợ xấu hiện nay không gây ra rủi ro hệ thống, cũng không gây áp lực khiến ngân hàng phải tăng chi phí trích lập dự phòng đột ngột”, ông Thành nhận định.

Thứ nhất, khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay rất khác giai đoạn 10 năm trước đây. Theo đó, thị trường bất động sản hiện nay tuy khó khăn, song vẫn thiếu cung, nhu cầu nhà ở thực vẫn rất lớn, khác khó khăn giai đoạn trước đây là thừa cung. Khó khăn thị trường giai đoạn hiện nay là do pháp lý, do nguồn vốn đứt đoạn. Nếu tháo gỡ được khó khăn này, thị trường sẽ phục hồi nhanh hơn giai đoạn trước.

Thứ hai, tổng dư nợ cho vay bất động sản hiện nay chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế, song cơ cấu cho vay lại “khá êm” so với nhiều nước: 68% là cho vay gắn với nhà ở (cho vay mua nhà). Còn cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 32%.

Thứ ba, các ngân hàng Việt Nam đã dày dạn kinh nghiệm để trong phòng, chống, quản trị rủi ro, xử lý nợ xấu, M&A… Rất nhiều bài học trong 10 năm qua đã giúp các ngân gia tăng kinh nghiệm đối phó với rủi ro cũng như độ bao phủ nợ xấu ngân hàng cũng đã tăng lên đáng kể.

Lợi nhuận không còn cao chót vót, song ngân hàng vẫn sinh lời tốt

Theo tôi, giai đoạn hiện nay không còn là lúc sợ hãi nữa. Nhiều nhà đầu tư vẫn đứng ngoài do lo lắng nợ xấu, kinh tế vĩ mô bất ổn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, tích sản trong giai đoạn có nhiều yếu tố chưa rõ ràng hiện nay mới là hấp dẫn. Đương nhiên, khi lựa chọn bất kỳ cổ phiếu ngành nào, nhà đầu tư cũng phải am hiểu nhất định về lĩnh vực đó, phân tích xem doanh nghiệp mình dự định đầu tư có lợi thế cạnh tranh nào, có đội ngũ lãnh đạo tốt hay không...

Ông Phạm Thiên Quang

Quý I/20923, tín dụng tăng chậm, chi phí trả lãi cao, trích lập dự phòng lớn… đã ăn mòn lợi nhuận nhiều ngân hàng. Nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng, năm nay, tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng sẽ không còn hấp dẫn.

Tuy vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, trong năm 2021 và 2022, ngành ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận rất tốt. Riêng năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận trung bình của 29 ngân hàng ở mức 34%. Năm 2023, dư nợ tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng chỉ còn 13-15%.

Về triển vọng lợi nhuận, năm nay, dư địa tăng trưởng của các ngân hàng vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng khi các kênh đầu tư ngoài lãi khác khó có khả năng đột biến.

Tán thành với nhận định này, ông Quản Trọng Thành cho rằng, tỷ suất sinh lời của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn tốt. Đây là mức sinh lời giúp ngành ngân hàng có thể “xóa sạch” nợ xấu bất động sản, TPDN nếu nợ xấu hai lĩnh vực này tăng đột biến.

“Hai năm qua, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận hệ thống ngân hàng trên 30%. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trên toàn cầu và không thể duy trì mãi. Với ngân hàng nhiều quốc gia, mức tăng trưởng 18-20% đã là quá lý tưởng”, ông Thành nhận định.

Với triển vọng này của ngành ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, cổ phiếu ngân hàng vẫn rất tiềm năng.

Theo ông Phạm Thiên Quang, Giám đốc Dịch vụ Đầu tư, Khối quản lý tài sản (VNDirect), ngân hàng là ngành có nhiều lợi thế, đáng để đầu tư dài hạn. Thực tế, ở Việt Nam, có rất ít ngành liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng 2 con số nhiều năm liền như ngành ngân hàng. Hơn nữa, thời điểm hiện nay cũng rất thích hợp với tích sản cổ phiếu ngân hàng.

Tin bài liên quan