Tăng mạnh theo quy định mới
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 7/2014, tổng nợ xấu nội bảng là 162,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ (cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu là 3,61%).
Nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014 được người đứng đầu ngành ngân hàng lý giải là do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Mặt khác, các tổ chức tín dụng áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn để phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu.
Nợ xấu của các NHTM đã tăng lên đáng kể từ tháng 6/2014 khi áp dụng các quy định phân loại nợ mới tại Thông tư 09. Bởi theo quy định của Thông tư 09, các ngân hàng phải khai báo đầy đủ nợ xấu, tức phải gọi đúng tên nợ xấu. Đồng thời, việc áp dụng các quy định mới khiến các NHTM phải trích lập dự phòng lớn hơn.
Cụ thể, phân loại nợ xấu từ nhóm 1 đến 5: nhóm 1 không bị trễ trong thanh toán; nhóm 2 trễ 90 ngày; nhóm 3 trễ 180 ngày; nhóm 4 trễ 360 ngày và nhóm 5 kể như mất vốn.
Đi cùng với phân loại nợ, các NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro cao hơn. Nếu trễ 90 ngày phải dự phòng 5%, trễ 180 ngày 20%, trễ 360 ngày 50% và kể như mất vốn thì phải dự phòng 100%.
Vì thế, sau một thời gian thực hiện Thông tư 09, nợ xấu của ngân hàng đã tăng lên. Riêng trong tháng 6/2014 (thời điểm áp dụng Thông tư 09), nợ xấu ngành tăng mạnh 21,5%.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho hay, nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn có dấu hiệu tăng lên kể từ khi áp dụng các quy định phân loại nợ và trích dự phòng rủi ro theo Thông tư 09. Cụ thể, chỉ riêng trong tháng 6/2014, nợ xấu của các NHTM trên địa bàn đã tăng đến 13.000 tỷ đồng.
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho hay, để hạn chế nợ xấu phát sinh và kiểm soát được rủi ro tín dụng, Ngân hàng đã củng cố chất lượng tín dụng, triệt để xử lý vấn đề nợ xấu, ngăn chặn nợ quá hạn, đẩy nhanh việc bán nợ cho VAMC.
Thế nhưng, trước tình hình thị trường hiện nay, nợ xấu không chỉ của Eximbank và các ngân hàng khác vẫn trong xu thế tăng. Do đó, khoản trích lập dự phòng rủi ro của các nhà băng cũng tăng lên đáng kể. Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, quỹ dự phòng rủi ro tín dụng của Ngân hàng hiện đã lên đến 7.000 tỷ đồng và chủ yếu được trích lập và tăng nhiều trong khoảng thời gian từ đầu năm đến nay, do nợ xấu gia tăng đáng kể.
Kỳ vọng kiểm soát nợ xấu 3%
Theo báo cáo của NHNN, tổng nợ xấu toàn ngành đã được xử lý đến nay là 249.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 464.000 tỷ đồng vào tháng 9/2012, thời điểm bắt đầu triển khai đề án xử lý nợ xấu. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, với tốc độ xử lý hiện nay và quyết tâm của các tổ chức tín dụng, đến cuối năm, nợ xấu theo báo cáo của các ngân hàng sẽ chỉ hơn 3%, còn số liệu giám sát của NHNN sẽ về 6%. Trong khi, vào thời điểm bắt đầu tiến hành xử lý, tỷ lệ nợ xấu theo số liệu của NHNN là 8%.
Sau hơn 1 năm hoạt động, VAMC đã mua được gần 60.000 tỷ đồng nợ xấu từ 35 TCTD, tính đến cuối tháng 8. Tính cả phần các ngân hàng báo cáo đã tự xử lý khoảng 20.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái, tổng số nợ xấu được xử lý từ đầu năm đến nay vào khoảng 105.000 tỷ đồng, tăng đáng kể so với hai năm trước (năm 2012 là 69.000 tỷ đồng, 2013 là 98.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, để xử lý được triệt để nợ xấu, VAMC cũng chưa có đủ quyền, lực để giải quyết. Vì thế, ngoài việc hình thành thị trường mua - bán nợ để thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, TS. Cấn Văn Lực, hàm Phó tổng giám đốc BIDV cho rằng, cần thiết tăng vốn điều lệ cho VAMC gấp 4 lần hiện nay lên 2.000 tỷ đồng, đồng thời đề xuất xây dựng một hành lang pháp lý cùng với các công cụ, cơ chế hiệu lực lớn cho VAMC.
Vì một trong những vấn đề nan giải đối với quá trình lý nợ xấu hiện nay nằm ở khâu phát mãi tài sản đảm bảo bằng bất động sản, quá nhiêu khê.
Tuy nhiên, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, tổng nợ xấu trên 162 nghìn tỷ đồng của ngành ngân hàng, trong đó gồm cả nợ xấu mới phát sinh, là con số còn rất lớn, nên nguy cơ đối với ngành ngân hàng vẫn tồn tại.
“Theo mục tiêu của NHNN, đến năm 2015 sẽ kéo nợ xấu xuống dưới 3%, nhưng muốn làm được điều này phải tập hợp các giải pháp đồng bộ như kích tổng cầu kinh tế, giảm lãi suất cho doanh nghiệp có dự án kinh doanh tốt. Ngân hàng tiếp tục hy sinh lợi nhuận để tăng trích dự phòng rủi ro; giảm bớt thủ tục hành chính để phát mãi tài sản nhanh”, TS Lịch cho biết thêm.
Qua số liệu báo cáo của các TCTD lên NHNN cho thấy, con số cụ thể liên quan đến 40,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu mà các TCTD đã xử lý được trong 7 tháng đầu năm bao gồm: khách hàng trả nợ 14,3 nghìn tỷ đồng; bán, phát mại tài sản bảo đảm chỉ thu hồi nợ được 1,56 nghìn tỷ đồng; bán cho các tổ chức, cá nhân 14,49 nghìn tỷ đồng… Như vậy, việc xử lý nợ xấu bằng phát mãi tài sản để thu hồi nợ vẫn rất khó với ngân hàng.