Về thi hành án đối với các khoản nợ của TCTD và thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42), tổng số phải thi hành đối với các khoản nợ của TCTD là 24.907 việc, với số tiền là gần 109.000 tỷ đồng, tương ứng 2,72% về số việc và 62,1% về số tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành của toàn quốc.
Kết quả, đã thi hành xong 4.251 việc, thu được số tiền là 24.576 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 17,07% về số việc và 22,55% về số tiền.
Đại diện đến từ Bộ Tư pháp thừa nhận, mặc dù các cơ quan thi hành án dân sự có nhiều nỗ lực, nhưng kết quả đạt được vẫn còn hạn chế do các khó khăn cơ bản trong công tác thi hành án dân sự.
Đơn cử, hoạt động tín dụng, cho vay tại một số ngân hàng không chặt chẽ trong việc kiểm tra thực địa, xác định ranh giới và tình trạng pháp lý của tài sản thế chấp, dẫn đến khi phát mãi tài sản phát sinh nhiều khiếu nại, tranh chấp, hoặc đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua…
Đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42, theo đại diện Bộ Tư pháp, các cơ quan thi hành án gặp nhiều vướng mắc liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế khi bán đấu giá tài sản, nghĩa vụ nộp án phí theo bản án…
Trong bối cảnh thi hành án dân sự đối với các khoản nợ của TCTD diễn tiến còn chậm, dẫn đến tiến độ xử lý nợ xấu cũng chậm theo, thì nợ xấu đang tăng nhanh tại các ngân hàng, đặc biệt là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).
Chẳng hạn, tại VietinBank, trong 9 tháng qua, nợ nhóm 5 chiếm tỷ trọng lớn nhất 72% trong cơ cấu nợ xấu và cũng là nhóm nợ tăng mạnh nhất với mức tăng 68% so với thời điểm đầu năm, lên 8.739 tỷ đồng. Với MB, nợ xấu 9 tháng tăng 45% so với đầu năm, trong đó nợ nghi ngờ tăng 67% và nợ có khả năng mất vốn tăng 62%, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,57% so với mức 1,2% đầu năm.
Tại BIDV, số dư nợ xấu hiện ở mức 17.000 tỷ đồng, tăng 21,1% so với đầu năm, trong đó nợ nhóm 5 tăng 47%. Còn tại Techcombank, nợ nhóm 5 tăng thêm 474 tỷ đồng lên 2.027 tỷ đồng, kéo số dư dự phòng rủi ro cuối kỳ tăng lên 2.657 tỷ đồng...
Không chỉ các ngân hàng lớn, nợ xấu ở nhiều ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng tăng cao. Chẳng hạn, tại VIB, do nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nhóm 4) đều tăng, nâng số dư nợ xấu 9 tháng lên 2.273 tỷ đồng, tăng 14,45% so với đầu năm.
Tương tự, dư nợ xấu 9 tháng của LienVietPostBank tăng lên 1.524 tỷ đồng cũng vì nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 cùng tăng. Với BAC A BANK, nợ nhóm 5 ở mức 419,6 tỷ đồng, tăng 24,4%, khiến dư nợ xấu luỹ kế 9 tháng tăng 22,15% lên 431 tỷ đồng. Tại SeABank, mặc dù nợ nhóm 4 và nợ nhóm 5 giảm, nhưng nợ nhóm 3 tăng tới 77%, khiến số dư nợ xấu tăng 20%…
Thông tin về tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm trước Quốc hội, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã giảm, từ mức hơn 2,5% đầu năm xuống khoảng 2% hiện nay. Tuy nhiên, nếu tính cả nợ xấu nội bảng, nợ xấu ngoại bảng, nợ xấu tiềm ẩn thì tổng nợ xấu của hệ thống khoảng 6,7%.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận: “Tỷ lệ nợ xấu một số ngân hàng đang có xu hướng tăng hơn. Để nhắc nhở các TCTD thực hiện kế hoạch xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, Quyết định số 1058, tại văn bản số 8425/NHNN-TTGSNH ngày 7/11/2018, Thống đốc đã yêu cầu các TCTD tiếp tục thực hiện một số nội dung nhằm đẩy mạnh xử lý nợ xấu”.
Cụ thể, các TCTD triển khai nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 17/9/2018 của Thống đốc NHNN về tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu; rà soát, cập nhật Kế hoạch xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 chi tiết từng năm cho giai đoạn từ 14/8/2017 đến 15/8/2022 và triển khai các phương án, giải pháp xử lý nợ xấu, đảm bảo kết quả xử lý nợ xấu theo đúng lộ trình, kế hoạch đã đề ra.
Tiếp tục quán triệt chỉ đạo các bộ phận liên quan thực hiện rà soát, đánh giá cụ thể từng khoản nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42… Cùng với đó, chủ động phối hợp tích cực với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan công an, tòa án, thi hành án các cấp để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất khi thực hiện các thủ tục hành chính tại địa phương…
“Nợ xấu của các ngân hàng thương mại thường tăng dần theo thời gian và giảm khi sử dụng biện pháp dự phòng, thường vào cuối quý hoặc 6 tháng hay cuối năm tùy vào từng ngân hàng. Tóm lại, xu hướng nợ xấu tăng hiện nay chỉ mang tính thời điểm”, vị lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết thêm.