Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Nợ xấu ngân hàng không đáng ngại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nợ xấu ngân hàng và những thông tin đề xuất tới việc kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, khi đây đều là những thông tin chi phối tới diễn biến giá “cổ phiếu vua”.

Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT có những chia sẻ về vấn đề này. Thành Nguyễn thực hiện.

Bà Trần Khánh Hiền
Bà Trần Khánh Hiền

Nhiều nhà đầu tư đang rất quan tâm đến tình hình nợ xấu của các ngân hàng, nhất là với quy định của Thông tư 14/2021/TT-NHNN, các ngân hàng sẽ phải trở lại cách phân loại nợ bình thường sau tháng 6/2022 này. Bà có bình luận gì về tình hình nợ xấu của các ngân hàng ở thời điểm hiện tại?

Có thể thấy rõ rằng, dưới tác động của dịch bệnh, tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên từ cuối quý III/2021. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn ngành là 1,9% (tăng 0,21 điểm % so với cuối năm 2020). Nếu tính thêm nợ bán cho VAMC và nợ tái cơ cấu thì tổng nợ xấu toàn ngành ở mức 7,3% cuối năm 2021, cao hơn nhiều so với từ mức 3,8% cuối năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu này vẫn thấp hơn con số 10,6% cuối năm 2016, thời điểm trước khi Nghị định 42 được ban hành.

Vậy đâu là những điểm tích cực trong bức tranh nợ xấu của ngành?

Bước sang năm 2022, mặc xuất hiện những yếu tố mới như căng thẳng địa chính trị hay giá dầu và nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh cản trở đà phục hồi của một vài ngành nghề, song nhìn chung nền kinh tế đang khởi động cỗ máy tăng trưởng mạnh mẽ. Vì vậy tôi cho rằng, khả năng trả nợ của doanh nghiệp sẽ phục hồi, nhất là vào nửa cuối năm 2022. Đây là điểm tích cực thứ nhất.

Điểm thứ hai là khác với giai đoạn 2016 - 2017, khả năng chống chịu và chất lượng tài sản của các Ngân hàng Việt Nam đã được nâng cao đáng kể, thể hiện qua tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Nhiều ngân hàng đã quyết liệt trích lập dự phòng để đưa tỷ lệ bao nợ xấu lên mức trên 200%, thậm chí là hơn 400%.

Điểm thứ ba là diễn biến tích cực của thị trường bất động sản trong năm 2022 sẽ góp phần giảm nguy cơ tăng tỷ lệ nợ xấu. Tuy nhiên, nếu thị trường bất động sản tăng quá “nóng”, hình thành nên “bong bóng bất động sản” thì nguy cơ nợ xấu trong giai đoạn 2023 - 2024 lại xuất hiện.

Quay trở lại năm 2022, tôi cho rằng, nếu không xuất hiện thêm các yếu tố không thể dự báo trước, như dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị leo thang… ảnh hưởng đến bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế, thì diễn biến nợ xấu trong năm nay sẽ không quá căng thẳng.

Nợ xấu sẽ sớm lộ diện trên báo cáo tài chính các ngân hàng và do không còn đợt giãn nợ nào khác nên sau thời hạn này, các ngân hàng sẽ công bố nợ xấu thực tế. Bà dự báo gì về thời điểm công bố nợ xấu của các ngân hàng?

Khi Thông tư 14 hết hiệu lực vào 30/6/2022, thì rất có thể tỷ lệ nợ xấu nội bảng của một số ngân hàng sẽ tăng lên. Nhưng trong thời gian vừa qua, đa số các ngân hàng đã công bố thông tin khá rõ ràng về tình hình nợ xấu bán cho VAMC cũng như nợ tái cơ cấu. Thị trường đã cũng nắm được bức tranh toàn cảnh về tỷ lệ nợ xấu như tôi đã nói ở trên.

Giá cổ phiếu ngành ngân hàng điều chỉnh từ giữa năm 2021 do e ngại của nhà đầu tư về khả năng nợ xấu tăng và lợi nhuận của ngành tăng trưởng chậm lại vào năm 2022. Ở thời điểm này, tôi cho rằng những lo ngại này đã được phản ánh hoàn toàn vào giá cổ phiếu.

Vậy tác động của việc công bố thông tin nợ xấu đến tâm lý nhà đầu tư, diễn biến cổ phiếu ngân hàng sẽ ra sao?

Nếu không xuất hiện thêm các yếu tố bất ngờ ảnh hưởng tiêu cực đến nợ xấu như tôi đã nói ở trên, thì các thông tin về tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng lên (nếu có) sẽ tác động không lớn đến giá cổ phiếu.

Thay vào đó, thị trường sẽ chờ đợi các câu chuyện hấp dẫn hơn từ trong mùa đại hội cổ đông như: M&A, tìm kiếm đối tác chiến lược, tăng vốn, tăng trưởng lợi nhuận… để lựa chọn cơ hội đầu tư.

Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã đề xuất kéo dài thời gian áp dụng thêm 3 năm Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu, đến ngày 15/8/2025. Theo bà, nếu đề xuất được thông qua sẽ tác động thế nào đến tình hình hoạt động của các ngân hàng, tới cổ phiếu nhóm ngân hàng?

Kể từ khi ban hành vào năm 2017 thì Nghị quyết 42 đã lại hiệu quả rõ nét cho ngành ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng số nợ xấu được xử lý trong thời gian áp dụng Nghị quyết 42 đạt trung bình khoảng 5.660 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2.140 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực từ 15/8/2022 tới thì sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý, làm chậm lại quá trình thu hồi và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước đề xuất kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42 đến năm 2025 là cần thiết, trong thời gian chờ đợi xây dựng và ban hành Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Vì vậy, có thể nói, nếu đề xuất được thông qua thì tác động tích cực không quá lớn vì các ngân hàng vẫn sẽ thu hồi nợ theo khung pháp lý như trước đây. Tuy nhiên, nếu không được thông qua thì sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động thu hồi và xử lý nợ xấu của các ngân hàng, cụ thể khoản thu nhập từ thu hồi nợ xấu của các ngân hàng sẽ giảm đi đáng kể.

Tin bài liên quan