Chi phí dự phòng quý đầu năm nay của LienVietPostBank giảm 73,71% so với cùng kỳ năm trước, xuống 61,16 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng quý đầu năm nay của LienVietPostBank giảm 73,71% so với cùng kỳ năm trước, xuống 61,16 tỷ đồng.

Nợ xấu đang dần… đẹp

Nợ xấu đã dần… đẹp khi những khó khăn trong công tác xử lý nợ xấu đã dần được tháo gỡ, kể từ khi có Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42).

Rốt ráo xử lý tài sản nợ

Là một trong các ngân hàng được thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, trong năm 2017, Sacombank đã xử lý được 20.000 tỷ đồng nợ xấu.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho hay, mục tiêu năm nay của Ngân hàng là xử lý và thu hồi nợ khoảng 15.000 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, Sacombank đẩy mạnh việc đấu giá tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu. Song do khối nợ xấu lớn để lại từ sau sáp nhập thêm SouthenBank, nên hiện nợ xấu tại Sacombank vẫn trên 50.000 tỷ đồng.  

Trong số các ngân hàng niêm yết, ACB là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu sau xử lý không đổi, ở mức 0,71% tính đến hết quý I/2018. Tuy Ngân hàng có tỷ lệ nợ nhóm 4 và nợ nhóm 5 tăng mạnh trong quý đầu năm nay, nhưng chi phí dự phòng của ACB giảm mạnh so với cùng kỳ, còn 134 tỷ đồng.  

Lý do là ACB đã xử lý toàn bộ trái phiếu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong năm 2017 và không cần phải trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt này kể từ năm 2018.

Bên cạnh đó, ACB đã trích lập xong toàn bộ các tài sản tồn đọng liên quan đến nhóm 6 công ty liên quan đến “bầu” Kiên. 

LienVietPostBank cũng công bố chi phí dự phòng quý đầu năm nay giảm 73,71% so với cùng kỳ năm trước, xuống 61,16 tỷ đồng (toàn bộ là trích lập cho trái phiếu VAMC). Năm 2018, SCB đặt mục tiêu xử lý nợ xấu triệt để và kỳ vọng thu nợ quá hạn, nợ xấu và nợ vay đã bán cho VAMC là 4.300 tỷ đồng…      

Tính đến cuối tháng 3/2018, tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng chiếm 2,18% tổng dư nợ. 
Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2018, toàn hệ thống đã xử lý được 100.500 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho hay,  Nghị quyết 42 có tác động rất tích cực trong việc xử lý nợ xấu.

Tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM hiện chỉ còn 3,2%, giảm 0,3% (tầm 18.000 tỷ đồng) so với đầu năm 2018. Nếu trừ số nợ xấu của 3 ngân hàng được mua lại bắt buộc (CBBank, OceanBank, GPBank), nợ xấu trên địa bàn chỉ còn 1,9%. 

Cũng theo ông Minh, Nghị quyết 42 tạo ra 3 yếu tố quan trọng: tạo điều kiện cho ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo (tài sản không thuộc diện đang tranh chấp, thi hành án); tạo điều kiện hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ; góp phần kiểm soát và ngăn chặn nợ xấu mới phát sinh. 

“Thời gian đầu triển khai Nghị quyết 42, các tổ chức tín dụng có một số vướng mắc như khách hàng cố tình tạo ra tài sản thế chấp có tranh chấp để không bị thu hồi, xử lý.

Hiện vấn đề này đã được khắc phục bằng quy định là các tranh chấp xảy ra sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực sẽ không được chấp nhận”, ông Minh nói thêm. 

Có vay phải có trả 

Theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2018, hoạt động xử lý nợ xấu diễn ra tích cực và thực chất hơn do các yếu tố vĩ mô ổn định, kinh tế tiếp nối đà tăng trưởng; tình hình doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, bất động sản cải thiện; khuôn khổ pháp lý cho việc xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo dần được hoàn thiện. 

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính đánh giá, sau một thời gian dài ngành ngân hàng đối diện với khó khăn trong quá trình thực hiện xử lý nợ xấu khiến “cục máu đông” khó tan, Nghị quyết 42 chính là đòn bẩy giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, ổn định thị trường tiền tệ trong nước, góp phần đưa quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế của chủ thể là đối tượng đi vay và người đi vay trở về đúng bản chất của giao dịch dân sự kinh tế, có vay phải có trả.

Có thể nói, Nghị quyết 42 tuy chưa được Quốc hội ban hành như một bộ luật riêng về xử lý nợ xấu, nhưng là văn bản pháp luật cao nhất từ trước đến nay đối với hệ thống tổ chức tín dụng, chỉ sau Luật Các tổ chức tín dụng.

Theo đó, quyền của chủ nợ được khẳng định và bảo vệ thông qua các quy định rõ ràng về quyền thu giữ tài sản của các tổ chức tín dụng, VAMC; quyền ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, VAMC khi xử lý tài sản bảo đảm của khách hàng, bên bảo đảm để thu hồi nợ. 

Song song với việc hoàn thiện khung pháp lý về xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 09/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 19/2013/TT-NHNN về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC nhằm phù hợp với Nghị quyết 42.

Tổng nợ xấu VAMC đã mua thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt đến tháng 4/2018 là gần 278.000 tỷ đồng; xử lý, thu hồi được hơn 86.000 tỷ đồng từ các khoản nợ xấu đã mua.

Nợ xấu xử lý qua VAMC ước đạt trên 40% tổng nợ xấu được xử lý. Năm 2018, VAMC đặt kế hoạch xử lý được tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua, chiếm hơn 45% tổng dư nợ gốc nội bảng (307.932 tỷ đồng).

Về định hướng điều hành từ nay đến cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong điều kiện lạm phát được kiểm soát thấp hơn mục tiêu, thị trường ổn định, kinh tế vĩ mô thuận lợi, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; phối hợp với các bộ, ngành chức năng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Tin bài liên quan