Nợ xấu tăng vọt, nhiều ngân hàng giảm dự phòng để “làm đẹp” lợi nhuận
Báo cáo tài chính quý I/2023 cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều tăng mạnh về nợ xấu, có những ngân hàng nợ xấu tăng 50 - 70%. Trong bối cảnh nợ xấu tăng, có ngân hàng chấp nhận mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro, chấp nhận lợi nhuận tăng trưởng không như ý, song cũng có ngân hàng lại giảm mạnh dự phòng (bất chấp nợ xấu tăng), nhờ vậy, lợi nhuận vẫn tăng trưởng khá đẹp.
Tại Ngân hàng OCB, nợ xấu tính tới cuối quý I/2023 tăng 51% so với đầu năm, lên hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 54%; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 55% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 49%. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,2% lên 3,3%. Lợi nhuận quý I/2023 của OCB tăng chủ yếu nhờ ngân hàng này giảm trích lập dự phòng để “làm đẹp” lợi nhuận.
Ngân hàng MB cũng đang đối mặt với nợ xấu tăng mạnh. Tại thời điểm 31/3/2023, tổng nợ xấu của MB là 8.452 tỷ đồng, tăng tới 68% so với đầu năm. Trong đó, nợ xấu nhóm 3 và nhóm 4 tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu của MB tại thời điểm cuối tháng 3/2023 là 1,75%, tăng khá mạnh so với mức 1,09% cuối năm ngoái. Nợ xấu tại MB có nguy cơ còn gia tăng do tỷ lệ nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) đang tăng rất nhanh, gấp 2,1 lần cuối năm ngoái, lên mức 16.675 tỷ đồng.
Bất chấp nợ xấu tăng mạnh, MB vẫn giảm 13% trích lập dự phòng rủi ro. Đây là một trong những nguyên nhân chính giúp ngân hàng này duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận 10,2% trong bối cảnh nhiều hoạt động kinh doanh suy giảm.
Tương tự, tổng nợ xấu tại Eximbank tính tới cuối quý I/2023 tăng 30% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,8% cuối năm ngoái lên mức 2,3% cuối tháng 3/2023. Tăng trưởng lợi nhuận tại Eximbank chủ yếu nhờ dự phòng rủi ro giảm tới 42%.
Còn tại ABBank, chất lượng nợ vay đi lùi khi tổng nợ xấu tại thời điểm 31/3/2023 ghi nhận hơn 3.198 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay từ mức 2,88% đầu năm tăng lên 4,03%.
Ở chiều ngược lại, Ngân hàng VietinBank lại chấp nhận mức tăng trưởng lợi nhuận rất thấp trong quý I/2023 (tăng trưởng 3%), dồn lực để trích lập dự phòng rủi ro. Trong quý I/2023, dự phòng rủi ro của VietinBank tăng tới 52%, dù nợ xấu chỉ tăng chưa tới 8%.
Chất lượng tín dụng là yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Nhìn vào nhóm “big 4” có thể thấy, dù Vietcombank, VietinBank, BIDV không khác nhau quá nhiều về tổng thu nhập hoạt động, song trích lập dự phòng rủi ro chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa các ngân hàng này.
Nợ xấu thấp, trích lập dự phòng rủi ro thấp, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao khiến quỹ lợi nhuận của Vietcombank gần như được bảo toàn. BIDV nhờ mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro các năm trước giúp dự phòng rủi ro năm nay giảm tới 25,2%, là động lực khiến lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng tới 58%. VietinBank năm nay tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong nhóm big 4 vì những năm trước trích lập dự phòng chưa nhiều bằng hai ngân hàng còn lại.
Nợ xấu có thể giảm tốc nửa cuối năm nhờ được cơ cấu nợ
Nợ xấu đang tăng mạnh trên toàn hệ thống. Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, NHNN cho biết, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021 (1,49%). Nợ xấu nội bảng của các ngân hàng được kiểm soát dưới 3%, nhưng theo Ngân hàng Nhà nước, một số khoản nợ chưa phải là nợ xấu nhưng có nguy cơ chuyển nhóm nợ, như các khoản được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ hay các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái.
Tính tới cuối quý I/2023, nợ xấu của VPBank đã tăng lên 2,6% từ mức 2,19% cuối năm ngoái và dự kiến còn tiếp tục tăng trong quý II/2023. Nợ xấu tăng, trích lập dự phòng rủi ro tăng mạnh là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của VPBank giảm tới 77% trong quý I/2023. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank kỳ vọng, với các giải pháp hỗ trợ khách hàng mà ngân hàng đang thực hiện, nợ xấu sẽ giảm đáng kể vào nửa cuối năm. Mục tiêu của VPBank là nợ xấu cả năm nay ở mức 2,2%.
Nhiều chuyên gia phân tích cũng cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ giúp giảm áp lực nợ xấu cho các ngân hàng trong nửa cuối năm nay.
Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, với quyền gia hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, tỷ lệ nợ xấu năm 2023 trong ngành ngân hàng có thể không tăng cao như dự báo ban đầu. Điều này đặc biệt có lợi cho các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu gần 3%, vì các tổ chức này sẽ có nhiều nguồn lực hơn để giữ nợ xấu dưới mức 3%.
Hiện tại, áp lực nợ xấu gia tăng với nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có chi phí vốn cao, tỷ trọng cho vay bất động sản và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn.
Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc MB đánh giá, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN sẽ giúp các ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp căn cứ vào điều kiện tài chính của ngân hàng và hồ sơ khách hàng. Tuy vậy, các ngân hàng vẫn phải phải chuẩn bị các kịch bản liên quan đến đánh giá chất lượng tín dụng, tuân thủ quy định về trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Dù được phép cơ cấu nợ, song do yêu cầu phải trích lập dự phòng rủi ro 100% cho các khoản nợ cơ cấu trong khi nguồn lực tài chính của mỗi ngân hàng có hạn, nên nhìn chung, triển vọng lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng năm nay vẫn không lạc quan bằng các năm trước.
VNDirect nhận định, năm nay, lợi nhuận ngành ngân hàng chỉ tăng 11%. Trong khi đó, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, lợi nhuận các ngân hàng được VDSC theo dõi có thể đạt 13,7% theo kịch bản cơ sở, chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2017 - 2021 (28%) và cao hơn giai đoạn 2014 - 2015 (11,3%). Trong kịch bản tiêu cực, lợi nhuận các ngân hàng này có thể chỉ tăng khoảng 10% trong năm nay.
Trích lập dự phòng để giảm gánh nặng nợ xấu bị đẩy về tương lai
- Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước)
Thông tư số 02/2023/TT-NHNN được ban hành để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tuy nhiên, để giảm gánh nặng nợ xấu bị đẩy về tương lai, Thông tư yêu cầu các tổ chức tín dụng phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng.
Theo quy định tại Thông tư, các tổ chức phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.