“Đây là một con số đáng kinh ngạc và thế giới chưa từng chứng kiến số nợ lớn như vậy kể từ Chiến tranh Napoléon. Nếu khoản nợ toàn cầu được chia cho tất cả mọi người trên hành tinh, mỗi người trong chúng ta sẽ nợ khoảng 39.000 USD”, IIF cho biết trong báo cáo Giám sát nợ toàn cầu hàng quý mới được công bố.
“Mức tăng này đánh dấu mức tăng hàng quý thứ hai liên tiếp và chủ yếu được thúc đẩy bởi các thị trường mới nổi,với nợ ở các thị trường mới nổi đã tăng lên mức cao chưa từng thấy là hơn 105.000 tỷ USD từ 55.000 tỷ USD hơn một thập kỷ trước”, báo cáo cho biết.
Khoảng 2/3 trong số 315.000 tỷ USD nợ đến từ các nền kinh tế phát triển, trong đó Nhật Bản và Mỹ đóng góp nhiều nhất vào tổng nợ đó.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ trên GDP của các nền kinh tế phát triển - được xem là một chỉ số tốt về khả năng trả nợ của một quốc gia - nhìn chung đã giảm.
Mặt khác, các thị trường mới nổi nắm giữ khoản nợ 105.000 tỷ USD, nhưng tỷ lệ nợ trên GDP của các thị trường này lại đạt mức cao mới 257%, đẩy tỷ lệ chung lần đầu tiên tăng lên sau ba năm. Báo cáo lưu ý rằng Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico là những nước đóng góp lớn nhất.
IIF xác định lạm phát dai dẳng, xung đột thương mại gia tăng và căng thẳng địa chính trị là những yếu tố có thể gây rủi ro đáng kể cho động thái nợ, “gây áp lực tăng lên chi phí vốn toàn cầu”.
IIF cho biết thêm: “Trong khi sức khỏe của bảng cân đối hộ gia đình sẽ tạo ra tấm đệm chống lại tình trạng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn trong thời gian tới, thì thâm hụt ngân sách của chính phủ vẫn cao hơn mức trước đại dịch”.
Trong số khoản nợ 315.000 tỷ USD, nợ hộ gia đình, bao gồm nợ thế chấp, thẻ tín dụng và nợ sinh viên, cùng nhiều khoản khác lên tới 59.100 tỷ USD.
Nợ doanh nghiệp mà các tập đoàn sử dụng để tài trợ cho hoạt động và tăng trưởng ở mức 164.500 tỷ USD, trong đó riêng lĩnh vực tài chính đã chiếm tới 70.400 tỷ USD trong số đó. Nợ công chiếm phần còn lại ở mức 91.400 tỷ USD.
Các ghi chép bằng văn bản cho thấy nợ công đã tồn tại ít nhất 2.000 năm và chúng được sử dụng chủ yếu để tạo ra các thành phố, thị trấn, bang, quốc gia…và tài trợ cho các cuộc chiến tranh. Các chính phủ từ lâu đã tích lũy khoản nợ lớn từ chi tiêu chiến tranh, chẳng hạn như Chiến tranh Napoléon, Chiến tranh Pháp-Phổ và Nội chiến Mỹ vào thế kỷ 19. Thế Chiến II đã gây ra một số cuộc khủng hoảng nợ, trong đó phần lớn các khoản nợ tồn đọng đều thuộc về Mỹ. Kể từ những năm 1950, đã có 4 làn sóng tích lũy nợ lớn.
Làn sóng nợ đầu tiên đến từ Mỹ Latinh vào những năm 1980, khiến 16 quốc gia trong khu vực phải cơ cấu lại khoản vay. Làn sóng nợ thứ hai ảnh hưởng đến Đông Nam Á vào đầu thế kỷ 21, trong khi Mỹ và châu Âu gánh chịu gánh nặng của làn sóng nợ toàn cầu thứ ba trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.
Chúng ta hiện đang ở làn sóng nợ thứ tư, bắt đầu vào năm 2020 và trùng với thời điểm đại dịch Covid-19. Các chính phủ thậm chí còn phải gánh thêm nợ để giúp các doanh nghiệp và người dân giảm bớt tác động của lệnh phong tỏa. Nợ toàn cầu đã tăng lên 256% GDP vào năm 2020, tăng 28 điểm phần trăm và là mức tăng nợ lớn nhất trong một năm kể từ Thế chiến II.
Mặc dù vậy, các chính sách và quy định tài chính tốt hơn đã giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ lan rộng. Nhưng với lượng tiền lớn như vậy, viễn cảnh đồng đô la mạnh hơn hoặc một cuộc chiến thương mại có thể đủ khiến một hoặc nhiều quốc gia phá sản.