Nợ xấu tăng, nhưng không quá đáng ngại. Ảnh: Dũng Minh

Nợ xấu tăng, nhưng không quá đáng ngại. Ảnh: Dũng Minh

Nợ tái cơ cấu dần bộc lộ chất lượng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Yêu cầu tái cơ cấu các khoản nợ do ảnh hưởng dịch khiến nợ xấu tại nhiều ngân hàng tăng lên, nhưng việc chủ động trích lập dự phòng rủi ro cũng như khả năng trả nợ của khách hàng cải thiện sau dịch khiến yếu tố này không quá đáng ngại.

Nợ tái cơ cấu tăng cao

Thống kê tại những ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 cho thấy, nợ xấu tăng phần nhiều do phân loại lại các khoản nợ tái cơ cấu thành nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ - trích lập dự phòng 50%) hoặc nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn - trích lập dự phòng 100% ) sau khi hết thời hạn tái cơ cấu.

Chẳng hạn, tại Saigonbank, khoản mục cho vay khách hàng đến cuối quý I/2022 chỉ tăng 0,9%, nhưng nợ xấu tăng thêm tới 22,4% lên 398 tỷ đồng. Trong đó, nhóm nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng mạnh nhất với mức tăng 217%, trong khi nợ nhóm 4 giảm 20%, kết quả là tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,99% hồi đầu năm lên 2,41% vào cuối quý I/2022.

Với VPBank, tính đến cuối tháng 3/2022, số dư nợ xấu của riêng ngân hàng mẹ tăng 20% lên gần 6.746 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,01% lên 2,27%. Nếu hợp nhất, nợ xấu của ngân hàng này tăng 11% lên hơn 18.000 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu lên 4,83% từ mức 4,57% hồi đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng 30% và riêng nợ xấu của công ty con FE Credit chiếm khoảng 63% tổng nợ xấu.

Như vậy, xét về số dư tuyệt đối, VPBank là ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất tính đến cuối quý I/2022, tiếp theo là VietinBank và BIDV với con số tương ứng là 15.322 tỷ đồng (tăng 7%) và 13.730 tỷ đồng (tăng 1%).

Vietcombank ghi nhận 8.372 tỷ đồng nợ xấu trong kỳ, đứng thứ 4 về số dư tuyệt đối và đứng thứ 2 về tỷ lệ tăng ở mức 36,8% - chỉ đứng sau TPBank với mức tăng 48% (lên 1.714 tỷ đồng). Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối quý I/2022 chỉ là 0,81% - thuộc nhóm thấp nhất thị trường, nhờ đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro.

Sở dĩ nợ xấu của Vietcombank vẫn ở mức cao dù tích cực trích lập dự phòng một phần tới từ khoản nợ của Ngân hàng Xây dựng, đến nay thu hồi được 3.000 tỷ đồng (dự phòng rủi ro cho khoản này đã được hoàn nhập trong quý I/2022), hiện chỉ còn khoảng 1.000 tỷ đồng và mức độ rủi ro vẫn trong tầm kiểm soát. Ngoài ra, Vietcombank cũng tích cực hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch, tổng dư nợ cơ cấu lại cho nhóm khách hàng này là 10.540 tỷ đồng (dư nợ gốc 9.410 tỷ đồng và dư nợ lãi 1.130 tỷ đồng).

Bên cạnh những ngân hàng có nợ tái cơ cấu tăng mạnh, cũng có ngân hàng ghi nhận khoản mục này giảm trong quý đầu năm 2022. Chẳng hạn, tại ACB, nợ tái cơ cấu hưởng dịch cải thiện tích cực, từ mức 27.000 tỷ đồng trong năm 2021 giảm còn 15.000 tỷ đồng tính đến hết quý I/2022.

Tương tự, lãnh đạo Techcombank cho hay, tổng khối lượng nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 đến cuối tháng 3/2022 là 1.600 tỷ đồng, tương đương 0,4% tổng dư nợ, thấp hơn mức 1.900 tỷ đồng vào cuối năm 2021; tỷ lệ nợ xấu vào cuối quý I/2022 ở mức 0,7% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh 160,8%, phản ánh chất lượng và sự ổn định của tài sản trong và sau dịch.

Theo các chuyên gia, nhìn chung chất lượng tài sản của các ngân hàng trong quý I/2022 không đáng lo, nhưng áp lực trích lập dự phòng vẫn lớn (tăng 18% so với cùng kỳ năm trước).

Tiếp tục trích lập dự phòng

Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định rằng, dư nợ tái cơ cấu cho các khách hàng ảnh hưởng Covid tại các ngân hàng đã đạt đỉnh. Nợ xấu mới hình thành có thể không tăng nhiều, nhưng nợ xấu trên sổ sách sẽ tăng cao do ghi nhận nợ xấu từ khoản cho vay tái cơ cấu theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực vào tháng 6/2022. Do đó, các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể phải tăng dự phòng thời gian tới và ngược lại, áp lực trích lập sẽ giảm ở những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao.

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, đến cuối quý I/2022, VietinBank có số dư nợ xấu nội bảng (nợ nhóm 3-5) đạt hơn 15.300 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay là 1,25%. Do đó, trong năm nay Ngân hàng sẽ trích lập dự phòng hơn 15.000 tỷ đồng để tăng mức độ bao phủ nợ xấu. Hiện tại, tỷ lệ trích lập dự phòng trên số dư nợ xấu của VietinBank ở mức 197%.

Theo ông Minh, đây là mức trích lập tương đối cao so với mặt bằng chung thị trường. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo VietinBank vẫn muốn gia tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu để hạn chế rủi ro, cũng là “của để dành” cho lợi nhuận các năm sau.

“Năm 2022, VietinBank sẽ cân đối giữa việc tạo ra hiệu quả thu nhập trên chi phí lớn để thực hiện đồng thời 2 mục tiêu quan trọng là đảm bảo lợi nhuận tốt, tạo tiền đề cho việc tăng vốn điều lệ và tăng cường trích lập dự phòng. Trong quý II/2022, VietinBank tiếp tục đẩy mạnh xếp hạng tín dụng nội bộ, quản lý danh mục, hướng đến khách hàng bán lẻ để giảm thiểu rủi ro. Trong quý đầu năm, VietinBank đã trích lập hơn 4.400 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng”, ông Minh chia sẻ thêm.

BIDV cũng là ngân hàng chủ động trích lập dự phòng để tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên 235% - mức cao nhất từ trước đến nay. Tương tự, Agribank đã tăng cường trích lập dự phòng, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ 120% lên 140%.

Tính đến hiện tại, Vietcombank vẫn là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất ngành ở mức 420%, cho dù đã giảm so với mức kỷ lục đạt được vào cuối năm 2021 là 424%. Đáng chú ý, Vietcombank đã trích lập dự phòng cho toàn bộ dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN, sớm trước 2 năm so với quy định.

Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần, Saigonbank đã tăng dự phòng trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) phát hành thêm 80 tỷ đồng. Đến cuối kỳ, nợ xấu bán cho VAMC của ngân hàng này giảm 27%, xuống còn hơn 242 tỷ đồng.

Tương tự, trong 3 tháng đầu năm 2022, PGBank trích gần 69 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, lợi nhuận trước thuế quý I/2022 của ngân hàng này vẫn tăng 54%, đạt 126,6 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, trong quý I/2022, lợi nhuận trước thuế trước dự phòng rủi ro đạt khoảng 1.115 tỷ đồng. Tuy nhiên, do có sự thay đổi về chính sách trích lập dự phòng, OCB trích bổ sung dự phòng phân nhóm nợ theo khuyến nghị của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), nên lợi nhuận trước thuế sau dự phòng giảm về mức 836 tỷ đồng, nhưng nợ tái cơ cấu cũng giảm theo.

Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho hay, chi phí dự phòng quý đầu năm 2022 giảm 74,3% so với cùng kỳ năm trước do nhiều khách hàng tiếp tục phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, dẫn tới cải thiện khả năng trả nợ, từ đó việc trích lập dự phòng cũng giảm bớt, thậm chí một số khoản trích lập dự phòng trước đây còn được hoàn nhập, góp phần làm gia tăng lợi nhuận.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn đưa ra đánh giá, trong năm 2022, rủi ro nợ xấu tăng tới từ Thông tư 14/2021 về cơ cấu nợ không được gia hạn, nhưng ngay cả khi trường hợp này xảy ra, tình hình nợ xấu cũng không quá đáng ngại vì nền kinh tế đang hồi phục tích cực, khả năng trả nợ của doanh nghiệp cũng cải thiện hơn, bên cạnh việc nhiều ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng cho toàn bộ nợ cơ cấu để “bao” nợ xấu.

Tin bài liên quan