Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) |
Nhiều năm qua, tốc độ cổ phần hoá khá chậm, việc cấp mã cho các doanh nghiệp lớn rất thấp, các tập đoàn lớn ít lên sàn. Do vậy, trong thời gian tới, việc đẩy mạnh số lượng doanh nghiệp, kèm theo đó là nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết là điều cơ quan quản lý cần chú trọng.
Hiện tại, số lượng tài khoản nhà đầu tư do VSDC quản lý là 8,04 triệu, con số này gấp 8 lần so với năm 2010. Tổng mã số giao dịch chứng khoán đã cấp cho nhà đầu tư nước ngoài là 47.808, trong đó có 41.889 mã số cá nhân và 5.919 mã số tổ chức, lần lượt tăng 19 lần và 33 lần so với năm 2006. Do cơ cấu nhà đầu tư cá nhân chiếm phần lớn trong cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường nên việc phát triển nhà đầu tư tổ chức là điều cần làm trong giai đoạn tới.
Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ cho các quỹ, VSDC đang cung cấp dịch vụ cho 15 quỹ ETF, 58 quỹ mở, 4 quỹ đóng, 7 quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.
Để đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư cũng như sự phát triển của thị trường, trong thời gian tới, VSDC phối hợp với VNX, HNX nghiên cứu đưa sản phẩm Hợp đồng tương lai VN100 vào giao dịch và bù trừ thanh toán. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở, nghiệp vụ giao dịch trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ về khi hệ thống KRX đi vào hoạt động và theo chỉ đạo của cơ quan quản lý.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) |
Đa dạng hóa các sản phẩm phái sinh dựa trên nhiều tài sản cơ sở khác nhau là một trong những mục tiêu cần chú trọng của VNX trong việc phát triển thị trường khoán theo đúng định hướng của Chính phủ đề ra. Sở sẽ nghiên cứu, phát triển các sản phẩm phái sinh khác như hợp đồng quyền chọn, sản phẩm phái sinh trên cổ phiếu đơn lẻ sau khi có thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, giúp nhà đầu tư có thêm công cụ phòng vệ rủi ro, sản phẩm để đầu tư phù hợp với nhu cầu, từ đó thu hút các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, việc hoàn thiện hệ thống chỉ số là một trong những hành động thiết thực được nêu cụ thể trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2023 - 2027, định hướng đến năm 2030 của VNX. Nhằm nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa, việc sắp xếp, phân loại cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu đăng ký giao dịch dựa trên quy mô, chất lượng, đồng thời nâng cao điều kiện niêm yết và duy trì niêm yết đối với cổ phiếu là cần thiết.
Ngoài ra, việc quy hoạch lại các bộ chỉ số sẽ được triển khai sau khi lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác được hoàn thành theo quy định tại Thông tư 69/2023/TT-BTC.
Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) |
Phát triển công khai, minh bạch thị trường chứng khoán luôn là mục tiêu hàng đầu của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, thông tin là một trong những nhân tố quan trọng nhất, giúp các nhà đầu tư đến được với các doanh nghiệp, quá trình đầu tư và huy động vốn diễn ra nhịp nhàng. Trong sự vận động của thị trường tài chính luôn có sự đồng hành của cơ quan thông tấn, báo chí trong việc cung cấp thông tin chính xác và kịp thời cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các bên liên quan khác.
Trong thời gian qua, HOSE phối hợp với các đối tác triển khai các hoạt động nhằm tăng cường nhận thức của các doanh nghiệp niêm yết trong việc minh bạch thông tin và quản trị công ty. Sở thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo nhằm cập nhật các quy định, chính sách liên quan đến thị trường chứng khoán, các chương trình đào tạo để phổ biến các thông lệ quốc tế tốt về quản trị công ty, phát triển bền vững và hướng dẫn, tập huấn cho doanh nghiệp niêm yết trong việc thực thi các quy định về quản trị công ty để đưa vai trò của quản trị công ty và phát triển bền vững vào tầm nhìn và chiến lược phát triển dài hạn, qua đó nâng cao giá trị doanh nghiệp, gia tăng niềm tin của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, HOSE chú trọng đến việc tổ chức hoạt động giao dịch chứng khoán ổn định, an toàn và thông suốt; nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết; nâng cao năng lực và chất lượng công tác giám sát, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giám sát và chuẩn hóa dữ liệu giám sát.
Ông Phạm Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tài chính Điện lực (EVNFinance) |
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều khó khăn, thách thức, Hội đồng quản trị EVNFinance đã xây dựng chiến lược kinh doanh linh hoạt để phù hợp với những biến động của thị trường tài chính. Nhờ đó, kết quả năm 2023, EVNFinance đạt lợi nhuận trước thuế 409 tỷ đồng và là một trong số ít công ty tài chính kinh doanh có lợi nhuận tại Việt Nam, đồng thời duy trì an toàn kinh doanh với tỷ lệ nợ xấu thấp 1,08% và hệ số an toàn vốn CAR đạt 18,29%.
Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới của EVNFinance đang kế thừa những tinh hoa và giá trị cốt lõi của các lãnh đạo tiền nhiệm và lấy những nền tảng đó làm bệ đỡ vững chắc để tiếp tục kiện toàn bộ máy, đưa ra chiến lược và định hướng phát triển phù hợp trong giai đoạn mới của Công ty.
EVNFinance đã hoàn tất quá trình tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ưu đãi (ESOP) cho cán bộ, nhân viên. Bằng hình thức này, vốn điều lệ của EVNFinance đã tăng từ 3.510 tỷ đồng lên 7.042 tỷ đồng, góp phần gia tăng năng lực tài chính cho Công ty.
Với xu thế phát triển bền vững, EVNFinance nỗ lực không ngừng nhằm đưa các yếu tố môi trường, xã hội, quản trị (ESG) đi sâu vào tư duy vận hành và hoạt động kinh doanh, trong đó đề cao vai trò của Hội đồng quản trị trong việc thực hành quản trị công ty tiên tiến. Đây là bước đi quan trọng trên hành trình hướng tới phát triển bền vững của EVNFinance trong hiện tại và tương lai.
Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (BIWASE) |
Nhiều người hỏi tôi là doanh nghiệp địa phương mà sao quan tâm nhiều đến quản trị doanh nghiệp? Tôi chỉ cười và nói rằng: “Làm gì tốt cho doanh nghiệp thì chúng tôi sẵn sàng”.
BIWASE đang và sẽ tiếp tục đầu tư vào ngành nghề cốt lõi, gồm đầu tư kinh doanh nước sạch, tái chế rác thải, M&A thêm các dự án để mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động.
Chúng tôi chú trọng đến việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp, cải thiện quản trị công ty. Việc này nhằm phục vụ lợi ích chung của toàn doanh nghiệp trong quá trình tồn tại và phát triển. Trong đó, quản trị công ty hiện đại giúp doanh nghiệp xây dựng cho mình một hệ thống định chế, bao gồm những vấn đề liên quan đến tính chuyên nghiệp như sự hoàn hảo và rõ ràng về công việc trên cơ sở hài hòa giữa quyền hạn và trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ; các tiêu chuẩn kiến thức và kỹ năng; tinh thần và thái độ; quy trình kiểm soát, phân tích các công việc sao cho người lãnh đạo có được những quyết định sáng suốt, sát với yêu cầu của thị trường, còn nhân viên có lòng tin và tôn trọng lãnh đạo và biết chính xác việc mình làm hiệu quả như thế nào…