Nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022, Chính phủ đã dành cả buổi chiều nay (3/8) cho nội dung giải ngân đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ngay từ đầu phiên họp buổi chiều, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, trong khi nền kinh tế đang ở giai đoạn phục hồi, nhu cầu đầu tư phát triển, đầu tư công đang trở thành động lực vô cùng quan trọng cần được thúc đẩy.

Vì thế, không chỉ yêu cầu kiểm điểm với đơn vị không hoàn thành kế hoạch, Thủ tướng đã phải lập 6 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đây là những vấn đề hết sức quan trọng, nhưng tại sao vấn đề quan trọng này lại chậm chạp, chưa thực sự chuyển biến mạnh, là bệnh trầm kha của nhiều năm nay?

Toàn cảnh phiên họp (ảnh: Báo Nhân dân)

Toàn cảnh phiên họp (ảnh: Báo Nhân dân)

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 31/7/2022 là gần 187.000 tỷ đồng, đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mới chỉ có 12 cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50% và có tới 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương đạt dưới mức trung bình của cả nước.

Có 17 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt đến hết tháng 7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn là 0%.

Lý giải về về nguyên nhân của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, các địa phương cho biết, ngoài yếu tố khách quan như tăng giá nguyên vật liệu, thì gặp phải những vướng mắc trong triển khai quy trình thủ tục kéo dài, giải phóng mặt bằng. Đơn cử, việc xác định phân loại đất, nguyên tắc sử dụng đất giữa các luật không thống nhất, vướng mắc trong xác định nguồn gốc đất, giá đất quy định ở Luật Đất đai…

Khó khăn vướng mắc tập trung chủ yếu ở các dự án nhóm A, các dự án có quy mô lớn, có tính chất liên kết vùng. Bởi với các dự án này, thủ tục, trình tự, thiết kế kỹ thuật, dự toán, thủ tục đấu thầu... phải lấy ý kiến của nhiều cơ quan liên quan, làm kéo dài phê duyệt dự án và giải ngân các dự án.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân đặc thù dẫn tới giải ngân vốn đầu tư công chậm khi năm 2022 mới là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (thực chất là năm đầu tiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua tháng 7/2021). Do vậy, gần như các địa phương mới bắt đầu khởi công nhiều dự án, mà thông thường thường cần từ 6 - 8 tháng hoàn tất thủ tục, nên tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.

Ngoài ra, theo báo cáo từ một số địa phương, giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm 2022 tăng cao, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng...

Trong đó, một số nơi chưa cập nhật kịp thời, sát giá thị trường, chủ đầu tư có tâm lý chọn biện pháp an toàn khi lựa chọn thực hiện ký hợp đồng trọn gói nên khó khăn khi xảy ra biến động giá thì nhà thầu sẽ phải gánh chịu, dẫn đến nhà thầu trúng thầu, ký hợp đồng trọn gói thi công cầm chừng, chờ chính sách điều chỉnh giá hợp đồng và giá vật liệu xây dựng, có tâm lý chờ cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp diễn biến giá thị trường.

Không đồng tình với quan điểm mà các địa phương nêu ra, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, các ý kiến cũng đánh giá tại sao cùng một cơ chế, một thủ tục nhưng có đơn vị giải ngân hiệu quả, có đơn vị lại chậm trễ, không giải ngân được đồng nào.

Năm nay, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công rất lớn, trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 200.000 tỷ đồng so với những năm trước. Các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ vừa kết thúc các cuộc kiểm tra trực tiếp tới địa phương để nắm bắt tình hình, giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ này.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thẳng thắn, nhìn thẳng vào công việc. Các Bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là những người nắm rõ nhất việc này, nắm giữ các nguồn lực mà nhìn thấy ách tắc thì chắc chắn phải sốt ruột, lo lắng, trăn trở trừ những người vô cảm. Những vấn đề đang lo lắng, suy nghĩ, nhưng tại sao tình hình chưa được cải thiện.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. Trong một số giải pháp đã nêu, những đơn vị, cơ quan nào không giải ngân thì ngoài kiểm điểm ra thì phải điều chuyển vốn đầu tư công cho các địa phương, đơn vị làm tốt hơn. Việc này cũng cần đánh giá đã thực sự làm tốt chưa.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, thực hiện tốt việc này. Sau buổi họp phải có chỉ đạo, kết luận sát sao để tạo ra chuyển biến tích cực, bởi trong lúc có tiền mà không tiêu được thì phải suy nghĩ trách nhiệm, phải chỉ ra được vấn đề, tự mình điều chỉnh.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng phải nắm bắt việc này, phải xem đây là trách nhiệm của mình, bởi có nguồn lực mà không triển khai được thì nguyên nhân tại sao, phải nêu rõ vướng mắc ở đâu. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương làm tốt thì cũng cần chia sẻ kinh nghiệm tổ chức quản lý từ khâu xây dựng dự án, phân bổ nguồn vốn đến việc tổ chức thực hiện, rút kinh nghiệm, kiểm tra, đôn đốc.

Tin bài liên quan