Chẳng hạn, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) đang triển khai các thủ tục phát hành 30 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng.
Hay Bảo hiểm Bảo Long (Bảo Long), sau khi thực hiện các thủ tục tăng vốn điều lệ từ 403,6 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng vào năm ngoái và chính thức hoàn tất vào đầu năm nay, Bảo Long đang lên kế hoạch tăng vốn lên 600 tỷ đồng trong năm 2016.
Mục đích tăng vốn trong năm nay của MIC cũng như Bảo Long chủ yếu là hướng đến việc được bán bảo hiểm tài sản công.
Tại ĐHCĐ thường niên 2016 của Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) mới đây, BSH đánh giá, tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng trong thời gian tới là hết sức cấp thiết.
“Các DN bảo hiểm có vốn chủ sở hữu lớn sẽ có nhiều lợi thế trong việc đấu thầu tham gia các dự án, gia tăng mức giữ lại tuyệt đối trên các rủi ro, chưa kể là tăng cường nguồn vốn cho hoạt động đầu tư tài chính, đầu tư mở rộng mạng lưới phát triển”, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch BSH nói và cho biết, đợt tăng vốn điều lệ lên 700 tỷ đồng trong năm ngoái của BSH là nhằm đáp ứng điều kiện được bán bảo hiểm tài sản công.
Tại ĐHCĐ thường niên năm ngoái cũng như năm nay của không ít DN bảo hiểm, một trong những nội dung được các DN đưa ra là tăng vốn điều lệ, nhằm đạt tiêu chuẩn về vốn để triển khai mọi nghiệp vụ bảo hiểm.
Đối với bảo hiểm tài sản công, theo đề xuất trên, một trong những tiêu chuẩn đặt ra với DN bảo hiểm muốn loại bảo hiểm này là phải có vốn chủ sở hữu ít nhất 600 tỷ đồng. Ngoài ra, các DN cần hội tụ khá nhiều yếu tố về kinh nghiệm, mạng lưới, đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp…
Thống kê của ĐTCK cho thấy, tại các DN bảo hiểm nhỏ, nguồn vốn chủ sở hữu chủ yếu hình thành từ vốn điều lệ, nên không chênh nhau quá nhiều về mặt con số giữa hai loại vốn này. Còn các DN lớn, vốn chủ sở hữu đến từ nhiều nguồn hơn như nguồn thặng dư khi phát hành cổ phiếu tăng vốn, hoặc các quỹ khác.
Tính đến cuối năm 2015, Bảo hiểm PVI có vốn điều lệ 2.100 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 2.211 tỷ đồng; Bảo hiểm Bảo Việt có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng (DN này đang dự định tăng vốn lên 2.300 tỷ đồng trong năm 2016), vốn chủ sở hữu 2.197 tỷ đồng; Bảo Minh có vốn điều lệ hơn 830 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 2.249 tỷ đồng; BIC có vốn điều lệ 1.172 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 2.033 tỷ đồng; PTI có vốn điều lệ hơn 803 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 1.843 tỷ đồng.
Với điều kiện về vốn chủ sở hữu tối thiểu 600 tỷ đồng khi triển khai bảo hiểm tài sản công nêu trên, theo tổng hợp của ĐTCK, hiện có không ít DN bảo hiểm đáp ứng được yêu cầu như: Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO, PTI, BIC.
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi bảo hiểm tài sản công chính thức được pháp luật quy định và là loại sản phẩm bắt buộc, thì sản phẩm này sẽ mang lại nhiều lợi ích, thu hút sự tham gia của nhiều hãng bảo hiểm. Mặc dù vậy, với các DN tăng vốn nhằm đón đầu cơ hội tham gia bảo hiểm tài sản công, nhưng tranh thủ phục vụ các hoạt động “mở” khác nhằm tạo doanh thu, thì cần cân nhắc bài toán hiệu quả.