Tăng lương chưa tương xứng với năng suất
Kết quả nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) và Jica Việt Nam đã chỉ ra, trong 10 năm (2007 – 2016), lương tối thiểu tăng 11-70% mỗi năm (mức tăng khác biệt theo vùng) và trung bình đạt xấp xỉ 20%. Lương danh nghĩa giai đoạn 2004 – 2015 tăng 4,9 lần, trong khi năng suất danh nghĩa chỉ tăng 4,05 lần.
Theo ông Fujita Yasuo, Trưởng Đại diện văn phòng Jica Việt Nam, mức lương tối thiểu tăng nhanh ở Việt Nam là vấn đề quan trọng với nền kinh tế. Tăng lương tối thiểu đồng nghĩa với việc tăng chi phí, đó là mối quan ngại của các doanh nghiệp. Nên việc tăng lương tối thiểu sẽ phải đi đôi với việc tăng năng suất lao động.
“Chúng tôi cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần chú ý đến cơ chế điều chỉnh lương tối thiểu để đảm bảo hiệu quả của chính sách tiền lương tại Việt Nam”, ông Fujita Yasuo nhấn mạnh.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, so với các nước trong khu vực, chi phí tối thiểu mà các doanh nghiệp Việt Nam phải gánh chịu gồm tổng lương tối thiểu và chi phí bảo hiểm gần chạm mức chi phí tại Thái Lan và cao hơn chi phí tại Indonesia. Thực tế này tạo nên sự chênh lệch khi nó hướng đến quyền lợi của người lao động nhiều hơn, trong khi tích lũy tại các doanh nghiệp lại hạn chế, dẫn đến giảm sức mạnh của các doanh nghiệp.
So sánh tốc độ tăng trưởng năng suất lao động và lương trung bình với các quốc gia trong khu vực.
Mặt trái của việc tăng lương
“Tăng lương tối thiểu cũng mang đến những điều chỉnh trong đầu tư máy móc, thiết bị của doanh nghiệp. Với những ngành sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh đầu tư máy móc để tránh năng suất lao động thấp, đặc biệt ở các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, dẫn đến nguy cơ người lao động bị mất việc cũng cao hơn”, ông Futoshi Yamachi, Tiến sĩ kinh tế Nhật Bản chia sẻ.
Ngoài những tác động đến doanh nghiệp, theo chuyên gia Kinh tế Nguyễn Tiến Dũng, một hạn chế nữa của chính sách tiền lương là chưa bảo vệ được những người dễ bị tổn thương nhất (người lao động trẻ tuổi, lớn tuổi) trình độ học vấn thấp. Đây là nhóm người làm việc mà không có hợp đồng lao động, bảo hiểm.
“Việc sử dụng mức lương tối thiểu như một chính sách bảo trợ xã hội không phải là cách tiếp cận hiệu quả trong khi lại tác động tiêu cực đến lao động và lợi nhuận của các doanh nghiệp thuân thủ quy định lao động trong khu vực chính thức”, ông Dũng nhấn mạnh.
“Hiện nay, lương tối thiểu đang không bảo vệ được những người không được nhận lương tối thiểu và đẩy nhiều người vào nguy cơ thất nghiệp”, một chuyên gia nhận xét.
Nên đề cao năng suất lao động
Trước sự mất cân bằng của việc tăng lương và năng suất lao động, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, nếu lương tối thiểu tiếp tục tăng nhanh hơn năng suất lao động sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị nhiều giải pháp về cách tính lương tối thiểu. Cụ thể, nên chuyển sang cách tính theo giờ hoặc theo ngày để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và sự linh hoạt của doanh nghiệp; mức lương phải được điều chỉnh theo cách tiếp cận có tính minh bạch và có thể dự báo được.
Bên cạnh đó, nên có sự tham gia của các học giả độc lập vào Hội đồng tiền lương quốc gia; ước tính tác động của tăng lương tối thiểu cần được thực hiện thường xuyên.
Theo ông Thành, lương tối thiểu là một công cụ để hỗ trợ người lao động, nhưng bản chất vấn đề nằm ở năng suất lao động. "Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, thì nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế", ông Thành nhấn mạnh.