Thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng, kỳ vọng sẽ thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng, kỳ vọng sẽ thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại.

Nỗ lực nâng hạng thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính phủ đặt quyết tâm cao để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, cơ quan quản lý đã và đang nỗ lực rất lớn trong việc đáp ứng các tiêu chí của tổ chức nâng hạng.

Triển khai ngay các biện pháp cần thiết

Tại Thông báo số 122/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương ban hành các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể thực hiện Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 về phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Thủ tướng yêu cầu: (i) Khẩn trương rà soát toàn diện, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định liên quan đến công bố thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường để xử lý các vấn đề còn vướng mắc, nâng cao tính minh bạch trên thị trường chứng khoán, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường chứng khoán Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài. (ii) Đẩy mạnh nâng cấp, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của thị trường chứng khoán theo hướng hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, giám sát thị trường chứng khoán; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các định chế thị trường, các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam theo hướng hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - nhà đầu tư. (iii) Công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi, cụ thể là rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật và thông lệ quốc tế.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát toàn diện, kiểm tra kỹ lưỡng hệ thống giao dịch chứng khoán, hệ thống công nghệ thông tin, chủ động xây dựng các quy trình kiểm soát rủi ro, biện pháp xử lý, ứng phó với những tình huống cấp bách, không để xảy ra sự cố kỹ thuật, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống tài chính, quyền lợi cho nhà đầu tư.

Theo đó, UBCK yêu cầu các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các đơn vị liên quan đẩy mạnh tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” bảo đảm an toàn tài chính, nâng cao năng lực quản trị rủi ro và quản trị công ty, tăng khả năng cạnh tranh, phát triển chuyên nghiệp các dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, tình hình tài chính, quản trị công ty tốt thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán, hỗ trợ tích cực việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa.

Đồng thời, đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường thông qua: (i) Phát hành đa dạng các kỳ hạn trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương; (ii) Phát triển các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cho mục tiêu thực hiện dự án, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); (iii) Phát hành trái phiếu chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh.

Ba vấn đề tồn tại nổi bật

Mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi đã được đặt ra từ năm 2018, nhưng đến kỳ đánh giá giữa năm 2024, thị trường vẫn nằm trong danh sách chờ nâng hạng, dù việc đáp ứng các tiêu chí nâng hạng có nhiều tiến bộ. Hiện tại, Việt Nam cần đẩy mạnh xử lý một số vấn đề tồn tại để đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nâng hạng, nổi bật là vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding), tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và chất lượng hàng hoá.

Theo chuyên gia WB, thị trường chứng khoán Việt Nam có tới 1.800 doanh nghiệp niêm yết và giao dịch, trong khi các thị trường khu vực chỉ có vài trăm doanh nghiệp nhưng lại có mức vốn hoá lớn hơn, chứng tỏ quy mô của doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ, nên tỷ lệ cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài có thể mua ở mức thấp và để mua được số lượng lớn, nhà đầu tư nước ngoài phải mua với giá cao hơn nhiều thị giá trên sàn.

Bảng xếp hạng 10 cổ phiếu vốn hoá lớn nhất trên sàn HOSE chỉ ghi nhận sự thay đổi về thứ hạng, mà không có hàng hoá mới trong suốt 10 năm qua, trong khi còn nhiều doanh nghiệp lớn chưa lên niêm yết.

Vấn đề pre-funding trước mắt có thể tập trung tháo gỡ với nhóm nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, vừa chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giao dịch, vừa có tính tuân thủ cao, chưa phát sinh mất khả năng thanh toán dựa trên việc công ty chứng khoán đánh giá năng lực, xác định mức ký quỹ để đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài có thể thanh toán đúng hạn, đồng thời công ty chứng khoán phải có khả năng thanh toán thay trong trường hợp xấu nhất xảy ra.

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế

Tuy nhiên, muốn bỏ ký quỹ trước giao dịch cần có cơ sở pháp lý rõ ràng, đầy đủ, quy định điều kiện thực hiện đối với công ty chứng khoán và nhà đầu tư, đi đôi với hướng dẫn thanh toán của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), quy định hợp đồng mẫu hoặc thông báo cấp hạn mức giao dịch với nhà đầu tư trên cơ sở nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài của các công ty chứng khoán.

Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng quốc tế, khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là việc thông tin công bố bằng tiếng Anh. Theo đó, cần yêu cầu công ty đại chúng có vốn góp chủ sở hữu từ 120 tỷ đồng trở lên phải công bố thông tin bằng tiếng Anh đối với các thông tin công bố định kỳ, còn công ty đại chúng có vốn góp chủ sở hữu dưới 120 tỷ đồng và công bố thông tin bất thường sẽ thực hiện theo lộ trình.

Về vấn đề này, UBCK đề xuất lộ trình công bố thông tin định kỳ bằng tiếng Anh đối với các công ty đại chúng, công ty niêm yết từ ngày 1/1/2025, công bố các thông tin bất thường bằng tiếng Anh từ ngày 1/1/2026, sau đó áp dụng cho tất cả các công ty đại chúng.

Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các thành viên thị trường và nhà đầu tư nước ngoài về việc sửa đổi các Thông tư 96/2020/TT-BTC, Thông tư 120/2020/TT-BTC, Thông tư 119/2020/TTBTC, Thông tư 121/2020/TT-BTC về giao dịch, đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ, hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin, với kỳ vọng sẽ giải quyết căn bản các vấn đề còn vướng mắc nhằm đạt mục tiêu nâng hạng thị trường vào năm 2025.

Trong tháng 7/2024, Bộ Tài chính đăng toàn bộ nội dung các dự thảo thông tư cùng các nội dung tiếp thu, giải trình lên trang web của Bộ Tài chính và UBCK trước khi ban hành nhằm đảm bảo các giải pháp, quy định mới trong dự thảo là phù hợp và có tính khả thi cao.

Mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán chỉ trở thành hiện thực khi có sự chung tay và nỗ lực của tất cả các thành viên thị trường cũng như sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ Tài chính, UBCK với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xử lý các vấn đề liên quan như tỷ lệ sở hữu nước ngoài, vai trò của ngân hàng trong hệ thống thanh toán đối tác bù trừ trung tâm (CCP)...

Từ cuối năm 2023, hệ thống KRX là một trong những nỗ lực để giúp thị trường lên hạng. Hệ thống KRX sẽ mang đến những sản phẩm, giải pháp giao dịch và thanh toán mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam, với các tính năng như giao dịch trong ngày, nghiệp vụ bán khống, phân tán rủi ro…

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã nỗ lực, tích cực phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, VSDC, nhà thầu KRX và thành viên thị trường gấp rút chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện các văn bản pháp lý; xây dựng kế hoạch chuyển đổi và diễn tập chuyển đổi để hệ thống sẵn sàng đi vào vận hành.

Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng quản trị

Thực tế, Chính phủ đặt quyết tâm cao để nâng hạng thị trường chứng khoán, cơ quan quản lý đã và đang nỗ lực rất lớn để đáp ứng các tiêu chuẩn của tổ chức nâng hạng, song không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp đã và sẽ niêm yết.

Trong đó, các doanh nghiệp niêm yết cần nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch, chất lượng công bố thông tin để củng cố niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Việc quản trị doanh nghiệp tốt sẽ thúc đẩy hiệu quả hoạt động và nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường vốn; giảm chi phí vốn và gia tăng giá trị tài sản cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao uy tín cho doanh nghiệp.

Về quản trị doanh nghiệp, ngay khi xây dựng Luật Chứng khoán năm 2019 (Luật đã được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021), UBCK đã báo cáo, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền thông qua nhóm chính sách về quản trị công ty để luật hóa các quy định về quản trị công ty, phù hợp với nguyên tắc quản trị công ty của OECD/G20 năm 2015.

Việt Nam đang đẩy mạnh xử lý một số vấn đề tồn tại để đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nâng hạng, nổi bật là vấn đề ký quỹ trước giao dịch, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và chất lượng hàng hoá.

Bởi lẽ, việc nâng hạng thị trường chứng khoán đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ chuẩn mực báo cáo tài chính và quản trị công ty nghiêm ngặt hơn nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu quốc tế.

Sự minh bạch thông tin không chỉ giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, mà còn giảm thiểu rủi ro về thông tin sai lệch và gian lận tài chính. Bên cạnh đó, để nâng cao tiêu chuẩn quản trị, các doanh nghiệp sẽ phải áp dụng quản trị công ty tốt nhất để đáp ứng các yêu cầu nâng hạng, giúp tăng cường hiệu quả quản lý, đồng thời bảo vệ quyền lợi của cổ đông.

Chủ tịch UBCK cho rằng: “Các yêu cầu về môi trường, xã hội và quản trị sẽ trở nên quan trọng hơn khi thị trường chứng khoán được nâng hạng. Các doanh nghiệp cần chú trọng đến vấn đề môi trường, xã hội và quản trị để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và kỳ vọng của các nhà đầu tư toàn cầu”.

Trong khi quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam còn khoảng cách so với khu vực thì để chuẩn bị cho việc nâng hạng thị trường, Việt Nam cần một bộ tiêu chí quản trị giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp quốc tế một cách có hệ thống.

Triển vọng nâng hạng vào năm 2025 - 2026

Báo cáo đánh giá khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu của MSCI năm 2024 cho thấy, Việt Nam đã có sự cải thiện trong xếp hạng đối với tiêu chí khả năng chuyển nhượng, chuyển từ trạng thái “cần cải thiện” sang “không có vấn đề lớn” và chỉ còn 8 tiêu chí mà thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đáp ứng, gồm giới hạn sở hữu nước ngoài, “room” khối ngoại, quyền bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài, mức độ tự do của thị trường ngoại hối, đăng ký nhà đầu tư và thiết lập tài khoản, quy định thị trường, luồng thông tin và thanh toán bù trừ.

Dự báo, Việt Nam sẽ được MSCI đưa vào danh sách xem xét nâng hạng trong chu kỳ sắp tới vào năm 2025, sau đó có thể chính thức được nâng hạng trong năm 2026. Mục tiêu ở tương lai gần mà Việt Nam nhắm đến là được FTSE Russell nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi thứ cấp sau nhiều năm nằm trong danh sách theo dõi từ tháng 9/2018.

FTSE Russell chỉ ra: “Để đạt được mục tiêu nâng hạng vào năm 2025, Việt Nam phải sớm xác nhận và phổ biến rộng rãi về mô hình thanh toán mới, bao gồm hoàn thiện các vai trò và trách nhiệm cần thiết trong mô hình thanh toán. Cùng với đó, Việt Nam phải đưa ra lộ trình, với các cột mốc quan trọng cụ thể để đạt mục tiêu”.

Đầu tháng 6/2024, UBCK đã phê duyệt Chương trình hành động của UBCK triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 nhằm tăng tốc nâng hạng thị trường.

Tin bài liên quan