Các nhóm cổ phiếu tạo thế giằng co cho chỉ số
Thông tin về chính sách thuế đối ứng mới của Mỹ đã tác động đến thị trường toàn cầu, kéo theo diễn biến thận trọng của chứng khoán Việt Nam trong tuần qua. VN-Index điều chỉnh từ vùng cản 1.280 điểm, dao động trong biên độ hẹp 1.260 - 1.280 điểm. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư dần ổn định hơn vào cuối tuần, chỉ số tăng gần 6 điểm, đóng cửa tại 1.276,08 điểm, tăng nhẹ so với cuối tuần trước đó.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng và vốn hóa lớn tăng giảm đan xen, tạo thế giằng co cho chỉ số chung, trong khi dòng tiền luân chuyển mạnh vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, giúp thị trường duy trì sự cân bằng. Đáng chú ý, nhóm khu công nghiệp, xây dựng và vật liệu xây dựng nối dài đà tăng, nhờ đề xuất tăng ngân sách cho các dự án đầu tư công được trình Quốc hội vào giữa tuần. Ngoài ra, nhóm hóa chất và năng lượng ghi nhận sự trở lại sau giai đoạn điều chỉnh sâu. Ở chiều ngược lại, nhóm công nghệ thông tin và bán lẻ tiếp tục diễn biến kém tích cực.
Khối ngoại duy trì bán ròng khá mạnh, hơn 1.800 tỷ đồng trong tuần qua, tập trung vào các mã MSN, MWG, VCB, GMD, HPG. Ngược lại, OCB, VCG, TCH, FUEVFVND là những mã được mua ròng tích cực.
![]() |
Chính sách thuế quan của Mỹ và dự báo tác động
Chính quyền Mỹ đã ban hành nhiều chính sách mới từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ 2025 - 2029. Trong số đó, có nhiều chính sách đánh vào vấn đề thương mại. Mới đây nhất, ngày 13/2/2025, ông Trump ký một bản ghi nhớ nhằm phát triển hệ thống thuế quan “có đi có lại”, cho phép Mỹ tăng thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ các quốc gia áp đặt thuế cao hơn lên hàng hóa Mỹ. Mục tiêu của chính sách này là giảm thâm hụt thương mại và bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước. Quá trình thực hiện bao gồm việc nghiên cứu các rào cản thuế quan và phi thuế quan của các quốc gia khác trước khi thiết lập mức thuế cụ thể. Trước đó, ông Trump áp đặt mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và ưu tiên người lao động Mỹ.
Việt Nam, với tư cách là một đối tác thương mại quan trọng của Mỹ, có thể chịu ảnh hưởng từ các chính sách thuế quan mới. Việc áp dụng nhiều loại thuế quan có thể tạo ra những thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong ngành dệt may, điện tử và nông sản, là nhóm các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao.
Các chính sách về thuế không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, việc áp thuế cao lên các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ cũng có thể tác động lên mặt bằng giá hàng hóa ở Mỹ, tạo ra rủi ro về lạm phát đối với nền kinh tế nước này. Theo số liệu công bố mới nhất, CPI tháng 1/2025 của Mỹ đã tăng vượt dự báo. Với việc CPI tăng mạnh, chính sách tiền tệ sẽ chịu áp lực trong việc hạ lãi suất, dẫn đến mặt bằng lãi suất tại Mỹ phải được duy trì ở mức cao, trong khi các nền kinh tế khác đang bắt đầu hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Việt Nam, một trong những quốc gia đầu tiên thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ đang chịu áp lực không nhỏ từ việc dòng vốn ngoại rút về thị trường Mỹ, song song với đó là áp lực về tỷ giá.
Tuy nhiên, trong quá khứ, các đạo luật thuế đáp trả của Mỹ từng được ban hành và có nhiều trường hợp Mỹ và các quốc gia đạt được các thỏa thuận song phương sau quá trình đàm phán. Do đó, sắp tới, có thể Mỹ sẽ đi vào giai đoạn đàm phán sâu về các luật định về thuế, để có thể tiến đến phù hợp lợi ích hơn giữa các bên.
Chính sách thương mại và thuế quan của Mỹ đang trải qua những thay đổi quan trọng, với mục tiêu bảo vệ lợi ích kinh tế trong nước. Việc theo dõi liên tục các tin tức về chính sách của các nước lớn có thể giúp nhà đầu tư linh hoạt hơn trong việc đưa ra các quyết định đầu tư trong tương lai.