Nỗ lực giảm thiểu “ô nhiễm trắng”

Nỗ lực giảm thiểu “ô nhiễm trắng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa, thông qua những chương trình hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương và hợp tác quốc tế để giảm thiểu tiêu thụ nhựa sử dụng một lần, đẩy mạnh tái chế.

Mối đe dọa mang tên “rác thải nhựa”

Theo kết quả thống kê các nước xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất của The Wall Street Journal thực hiện năm 2010, Việt Nam xếp thứ 4 trong tổng số 20 quốc gia phát sinh lượng chất thải nhựa nhiều nhất thế giới. Trung bình mỗi năm, người Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có hơn 30 tỷ túi nylon. Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố có lượng tiêu thụ nhựa và túi nylon lớn nhất, lên tới 80 tấn mỗi ngày, tương đương từ 30 - 40 kg nhựa/ người/ năm.

Dù số lượng rác thải nhựa xả ra môi trường không hề nhỏ, nhưng cũng giống như nhiều quốc gia khác trong khu vực, khả năng thu gom và tái chế của Việt Nam mới chỉ đạt được khoảng 27%. Hơn 70% số rác thải nhựa còn lại trôi ra hệ thống sông ngòi, rồi ra biển, khiến môi trường biển bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo báo cáo “Phá vỡ làn sóng nhựa: Đánh giá toàn diện về các lộ trình hướng tới ngăn chặn ô nhiễm nhựa đại dương” do The Pew Charitable Trusts and SystemIQ công bố vào tháng 7/2020, lượng rác thải nhựa tràn ra các đại dương mỗi năm lên tới 11 triệu tấn và 90% bắt nguồn từ 8 con sông của châu Á.

Khi tấn công đại dương, rác thải nhựa sẽ gây tổn thương các rạn san hô, làm biến đổi môi trường sống của hơn 800 loài sinh vật, gián tiếp làm chết khoảng 1,5 triệu động vật biển mỗi năm. Ngay cả khi được thu gom và chôn lấp, rác thải nhựa vẫn có thể tồn tại hàng nghìn năm, ngăn cản oxy đi qua đất, gây nên tình trạng xói mòn và mất chất dinh dưỡng, cản trở sự phát triển của nhiều loại cây trồng và vật nuôi.

Việc đốt rác thải nhựa thậm chí còn tạo ra khí thải có chứa dioxin và furan, vốn là những chất tồn tại lâu dài và kịch độc đối với sự sống của cả con người.

Mặc dù gây ra nhiều thách thức đối với môi trường, nhưng lượng tiêu thụ rác thải nhựa trên thế giới vẫn là con số kỷ lục và không ngừng gia tăng qua từng năm. Có đến 300 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường mỗi năm, tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số địa cầu và hơn một nửa trong đó là những sản phẩm nhựa dùng một lần. Với đặc tính khó phân hủy, những loại rác thải nhựa như túi nylon, cốc nhựa, ống hút nhựa… chỉ có giá trị sử dụng sau vài phút ngắn ngủi nhưng lại mất từ 400 - 1.000 năm mới có thể phân hủy.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ, tích cực hành động

Trong 3 năm qua, Việt Nam đã có những cam kết và hành động thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm cam kết giảm thiểu rác thải nhựa. Đây là một phần trong những nỗ lực của Việt Nam từ nhiều năm qua nhằm thay đổi nhận thức và thói quen của người dân và doanh nghiệp để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống bền vững.

Với các chính sách trong nước, Chính phủ Việt Nam đang tích cực phát triển hành lang pháp lý rõ ràng, hiệu quả, với tư duy mới về kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, tiếp cận vòng kín, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, cũng như khuyến khích sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường. Nghị quyết 36/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (ban hành năm 2018) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.

Tháng 12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, với mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam giảm 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương, thu gom 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy.

Mới đây nhất, Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 và cam kết tiến hành một loạt hành động để bảo vệ môi trường trước sự xâm lấn của rác thải nhựa. Lần đầu tiên, các quy định về cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu thuộc 6 ngành hàng sẽ phải có trách nhiệm thu gom, tái chế sản phẩm, bao bì đã qua sử dụng với tỷ lệ nhất định dựa vào khối lượng sản phẩm hoặc bao bì sản phẩm mà họ đưa ra thị trường.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cơ chế EPR không chỉ thúc đẩy cải cách hệ thống quản lý chất thải hiện nay và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, mà còn hình thành ngành công nghiệp tái chế trong thời gian tới, giúp tạo thêm việc làm, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên và góp phần bảo vệ môi trường.

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1316/QĐ-TTG ngày 22/7/2021 về Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, sử dụng 100% túi nylon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt, thay thế cho túi nylon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh.

Trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế biển, đặc biệt chú trọng tiên phong trong giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương, chủ động, tích cực tham gia đề xuất hình thành các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống rác thải nhựa đại dương. Tháng 6/2021, Việt Nam cùng với gần 80 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đã ủng hộ Tuyên bố Ngày Đại dương về ô nhiễm nhựa, kêu gọi các quốc gia cùng nhau đàm phán một thỏa thuận toàn cầu mới có tính ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa.

Hành động vì một tương lai bền vững hơn

Bên cạnh những thay đổi chính sách, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn phối hợp với nhiều bộ, ngành thường xuyên tổ chức những chiến dịch làm sạch bãi biển ở các địa phương ven biển, hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, ứng dụng phát triển công nghệ tiên tiến để tái chế rác thải nhựa… Các hoạt động trên đã mang lại những kết quả tích cực.

Việt Nam còn hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để triển khai các dự án bảo vệ môi trường, trong đó, phải kể đến dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do Cơ quan hợp tác Đức (GIZ GmbH) và Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) triển khai từ nguồn hỗ trợ của EU và Chính phủ Đức.

Dự án hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai nhiều hoạt động liên quan đến đối thoại chính sách, quản lý chất thải nhựa, sản xuất và tiêu dùng bền vững nhựa, giảm rác thải trên biển và truyền thông. Dự án đang tài trợ cho 4 hoạt động thí điểm:

Hoạt động thí điểm “Liên minh các nhà bán lẻ” đã kêu gọi các siêu thị và nhà bán lẻ tại Hà Nội chung tay giảm thiểu sử dụng túi nylon dùng một lần và triển khai các hoạt động truyền thông nhằm từng bước thay đổi hành vi của người tiêu dùng. “Các nhà bán lẻ tại Việt Nam đều có sáng kiến riêng để giảm thiểu nhựa, nhưng việc triển khai chưa được đồng bộ và dài hạn. Do đó Liên minh sẽ thu hút các chuỗi siêu thị, cửa hàng cùng hành động nhằm giảm tiêu thụ túi nylon”, bà Fanny Quertamp, Điều phối dự án, khẳng định.

Hoạt động thí điểm “Tăng cường thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhựa” đang tập trung xây dựng một cuốn hướng dẫn phân loại, đo lường rác thải nhựa, hướng dẫn cách đưa bao bì nhựa vào quy trình thu gom khi hệ thống EPR được triển khai và góp phần cải thiện công tác phân loại tại nguồn.

Hoạt động thí điểm “Quản lý chất thải từ tàu” đang góp phần nâng cao nhận thức và hoàn thiện công tác quản lý chất thải từ tàu biển thông qua áp dụng CNTT, đề xuất áp dụng phương án thu giá dịch vụ thu gom xử lý chất thải theo nguyên tắc hài hòa lợi ích và xây dựng sổ tay quản lý chất thải từ tàu. Kết quả của dự án sẽ là cơ sở để đưa ra các đề xuất sửa đổi khung pháp lý hiện hành của Việt Nam về quản lý chất thải từ tàu biển.

Hoạt động thí điểm “Thúc đẩy mô hình thu gom tự nguyện rác thải biển của cộng đồng ngư dân” đã vận động 30 tàu đánh cá lưới kéo tầng đáy tham gia thu gom và mang rác thải biển do ngư dân thải ra và rác thải biển do lưới kéo thu được từ đáy biển về các điểm tập kết trên bờ. Hoạt động nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng ngư dân về tác hại của rác thải nhựa và chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương ven biển trên phạm vi cả nước.

Sau hơn 2 năm triển khai, dự án “Suy nghĩ lại về nhựa” đang góp phần hỗ trợ triển khai Kế hoạch hành động quốc gia, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu giảm thiểu “ô nhiễm trắng”.

Tin bài liên quan