Gặp các cộng sự của anh ở thang máy, tôi cảm nhận sức trẻ và sự hồ hởi với môi trường làm việc tại đây. 2019 dường như là một năm khá thành công với Công ty?
2019 là năm tương đối tốt và chúng tôi đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh từ giữa tháng 12.
Với hơn 7 năm khai thác thị trường Nhật Bản, việc 3 năm liên tiếp đưa được hơn 1.000 lao động sang thị trường này đã khẳng định uy tín và vị thế doanh nghiệp có quy mô lớn, tính ổn định cao của Công ty.
Tuy nhiên, do thiếu hụt lao động, năm vừa qua, có sự thay đổi đáng kể trong chính sách xuất khẩu lao động sang Nhật Bản.
Thị trường mở rộng chấp nhận lao động từ các nước Myanmar, Lào, Campuchia, Nepal. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tăng đột biến với mức độ cạnh tranh khốc liệt.
Trong bối cảnh đó, chúng tôi xác định tập trung vào chất lượng, mở rộng quy mô công ty, hoàn thiện các cơ sở đào tạo.
Hiện CEO dịch vụ có 4 điểm đào tạo, bao gồm 3 cơ sở ở phía Bắc và 1 ở TP.HCM, có thể tiếp nhận 1.500 học viên cùng thời điểm.
Năm 2019, CEO dịch vụ cũng là 1 trong 6 doanh nghiệp phái cử đầu tiên đào tạo ngành điều dưỡng. 300/1.000 điều dưỡng do CEO đưa sang Nhật Bản được đánh giá tốt.
Ngành hộ lý có yêu cầu cao cả trình độ tiếng Nhật và kỹ năng, CEO được coi là một trong những đơn vị mẫu, được các đối tác Nhật Bản chấm điểm cao.
Mục tiêu tham vọng mà anh và các cộng sự hướng tới là gì?
Là 1 trong 5 trụ cột kinh doanh chính của Tập đoàn CEO, mục tiêu đến năm 2021 mà chúng tôi hướng đến là nằm trong Top 10 công ty phái cử, Top 5 thị trường Nhật Bản.
Như tôi đã đề cập, đây là thời cơ vàng của các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động phái cử vì nhu cầu rất lớn ở thị trường Nhật Bản.
Có những lĩnh vực trước đây Nhật Bản không mở cửa tiếp nhận như hộ lý, chăm sóc người già, nhà hàng… nay cần rất nhiều nhân lực.
Khi tình trạng thiếu hụt có xu hướng ngày càng nhiều hơn, sẽ thu hút lao động lớn hơn, trong khi đó, Việt Nam được Nhật Bản đánh giá là thị trường cung ứng lao động phù hợp nhất, chẳng hạn như về văn hóa có nhiều nét tương đồng.
Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ liên quan trực tiếp đến con người, bản thân anh cũng từng có trải nghiệm ở các lĩnh vực kinh doanh khác, anh thấy cái khó của nghề này là gì?
Tôi đã tham gia lĩnh vực này 21 năm. Cái khó chính là chỉ cần doanh nghiệp không tận tâm hoặc thiếu trách nhiệm có thể làm ảnh hưởng không chỉ tới cá nhân người lao động mà cả gia đình họ.
Tôi vẫn luôn trăn trở, làm sao để Công ty có thể giúp thêm nhiều người lao động trẻ có việc làm tốt, thực sự thay đổi tương lai của họ.
Ðào tạo nghề chỉ là một việc, nhưng làm thế nào để lao động thay đổi được tư duy, suy nghĩ, cách đặt mục tiêu cũng rất khó.
Phần lớn người lao động thuần túy hướng đến các mục tiêu kinh tế, bởi thế khi gặp tình huống khó khăn không đạt mục tiêu, có thể họ sẽ suy nghĩ tiêu cực và hành động không đúng mà không xác định được đây là một quá trình dài, cần tận dụng cơ hội học hỏi, nâng cao kỹ năng tay nghề… rồi lợi ích kinh tế sẽ đến.
Số phận con người, cuộc đời và tương lai của rất nhiều gia đình đôi khi lại nằm ở những tấm vé xuất ngoại mong manh. Khi thấy người lao động trưởng thành, mỗi dịp Tết đến xuân về, các gia đình có thêm trợ lực, bản thân anh cũng có cảm xúc đặc biệt?
Ai mà không mưu cầu hạnh phúc? Với nhiều bạn trẻ, khi xác định ra nước ngoài lao động, trải qua thời gian đào tạo dài, chi phí cũng không hề nhỏ, đó thực sự là một niềm lo lắng.
Chúng tôi luôn suy nghĩ làm sao để có thể giảm chi phí xuống thấp hơn, thấp hơn nữa hoặc có chế độ hỗ trợ người lao động về tài chính.
Ðể hỗ trợ người lao động, tới đây, chúng tôi sẽ đưa vào áp dụng một số chính sách mới mang lại lợi ích trực tiếp cho người lao động.
Chẳng hạn như đối với ngành hộ lý, chúng tôi sẽ hỗ trợ vốn, người lao động không cần chuẩn bị nhiều về tài chính và có thể được trả chậm.
Với cách làm này, chúng tôi kỳ vọng có thể mở ra cơ hội để nhiều lao động trẻ phát triển và thay đổi tương lai của mình, mặc dù việc này có thể tạo ra không ít rủi ro về kinh doanh.
Ðây là cách làm mà chưa một công ty phái cử nào từng thực hiện đối với lao động đi làm việc tại Nhật Bản.
Tôi cứ nhẩm tính thế này, mỗi năm, Công ty phái cử được 1.000 lao động, mỗi em có thu nhập mang về 200 triệu đồng thì 1.000 em đóng góp về cho đất nước 200 tỷ đồng.
Với 6.000 em mà chúng tôi đã phái cử thành công sang Nhật Bản, mỗi em hoàn thành hợp đồng ít nhất là 3 năm (không kể một số lĩnh vực như hộ lý, xây dựng… được gia hạn hợp đồng thêm 2 năm, hoặc 5 năm) thì tổng thu nhập nguồn ngoại tệ đóng góp cho đất nước đã là trên 3.000 tỷ đồng.
Chúng tôi đặt mục tiêu trong thời gian tới, mỗi năm phái cử được 2.000 lao động.
Là một công ty thành viên trong hệ sinh thái CEO Group, CTCP Dịch vụ CEO có chịu sức ép lớn về lợi nhuận không?
Với nguyên tắc và triết lý kinh doanh của Tập đoàn CEO, mục tiêu lợi nhuận không hẳn quan trọng nhất.
Các công ty thành viên trong Tập đoàn đều hướng tới sự phát triển bền vững. Với riêng CEO dịch vụ, tôi nghĩ rằng, khi chúng tôi tâm huyết và nỗ lực tạo ra thành công cho người khác, chúng tôi sẽ thành công.
Năm, sáu năm trở lại đây, cổ tức trên vốn của Công ty thường duy trì 24 - 25%/năm. Áp lực với chúng tôi là làm sao xây dựng thương hiệu Công ty ngày càng tốt, đóng góp vào uy tín chung của Tập đoàn.
Trong định hướng phát triển dài hạn của Tập đoàn CEO có đề cập đến việc mở rộng đầu tư sang lĩnh vực giáo dục, hẳn những việc mà các anh đang làm sẽ là cơ sở, nền móng cho một khát vọng mới?
Từ những năm tháng đầu tiên khởi nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn CEO Ðoàn Văn Bình đã khát khao đầu tư vào con người.
Nếu vì lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ không chọn đầu tư vào con người, vào giáo dục.
Nhưng chúng tôi luôn nghĩ, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, thời kỳ nào, dù công nghệ phát triển đến đâu, máy móc không thể thay thế được trái tim và nụ cười, yếu tố con người và nền tảng giáo dục bởi vậy luôn quan trọng.
Tập đoàn CEO đã đầu tư nhiều vào giáo dục dù chưa mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Song chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư và tin tưởng rằng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, y tế và giáo dục sẽ có cơ hội phát triển, đặc biệt cần những doanh nghiệp đầu tư bài bản, chuyên sâu.
Không thể chối bỏ những ưu việt của mô hình công ty gia đình đang rất phổ biến ở các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và thế giới cũng đã có những thương hiệu với bề dày lịch sử cả trăm năm. Dẫu vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn có sự e ngại nào đó về chuyện nể nang nhau, về tính kỷ luật trong mô hình này. Ở CEO Group, anh có phải là nhân vật quyền lực thứ 2, thứ 3?
Nguyên tắc quản trị hệ thống trong Tập đoàn CEO hiện rất nhất quán, minh bạch, chuyên nghiệp theo yêu cầu của công ty niêm yết.
Ðiều quan trọng trong Tập đoàn là nhiệt huyết, đam mê luôn rực cháy, đặc biệt là với lớp nhân sự trẻ. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn khát khao cống hiến, làm nhiều công việc tốt hơn, ý nghĩa hơn.
Doanh nghiệp tốt sẽ có điều kiện đóng góp trở lại cho cộng đồng xã hội, và chúng tôi tin, người lao động của CEO Group sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao đó trong công việc.
Riêng tôi có khát vọng trong 10 năm tới sẽ đưa được 20.000 lao động sang làm việc ở Nhật Bản.
Mỗi năm, 2.000 người có thể thay đổi tương lai, phía sau họ là gia đình, là số phận của rất nhiều người.
Hạnh phúc của người làm doanh nghiệp như tôi là giúp người khác tìm thấy hạnh phúc. Khát vọng và trăn trở ấy tôi sẽ theo đuổi đến tận cùng, để nhìn thấy nhiều hơn nụ cười và thành công của thế hệ trẻ - tương lai của đất nước Việt Nam.