Nỗ lực bắt đáy không thành công của giới đầu tư

Nỗ lực bắt đáy không thành công của giới đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ đảo chiều giảm trong ngày thứ Ba (8/4), khi lực mua bắt đáy thời điểm đầu phiên đã nhanh chóng mờ nhạt và nhường chỗ cho áp lực bán quay trở lại sau khi hy vọng tan biến về việc tạm hoãn thuế quan từ Nhà Trắng.

Sau khi chứng kiến các chỉ số chính giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ đại dịch Covid trong ba ngày qua, các nhà đầu tư đã nhận thấy một số hy vọng vào đầu ngày rằng Tổng thống Donald Trump sẽ có thông báo ít diều hâu hơn về lập trường thuế quan của mình hoặc ít nhất là tạm hoãn thực thi việc áp thuế.

Tuy nhiên, thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết vào buổi chiều cùng ngày rằng, ông Trump tuyên bố thuế quan vẫn sẽ có hiệu lực đúng vào ngày 9/4.

Trong khi đó, gần 70 quốc gia đã liên hệ bắt đầu đàm phán để giảm tác động của các chính sách thương mại của Mỹ.

Cùng với đó, Đại diện Thương mại Mỹ, ông Jamieson Greer cũng đã cho biết rằng, việc miễn thuế đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ dự kiến sẽ không được thực hiện trong thời gian tới.

"Mọi người đã có những lạc quan, nhưng cuối cùng nhận ra rằng họ không có lý do chính đáng cho kỳ vọng đó và các chỉ số đã đồng loạt đảo chiều giảm điểm", Melissa Brown, Giám đốc điều hành, Nghiên cứu Quyết định Đầu tư tại SimCorp cho biết.

Đáng chú ý khác là chỉ số biến động CBOE (VIX) được coi là 'thước đo nỗi sợ hãi' của Phố Wall đã có lúc giảm về 36,48 điểm, nhưng đã tăng trở lại trên 54 điểm vào cuối phiên khi cùng thời điểm áp lực bán gia tăng đẩy các chỉ số chính rơi xuống dưới tham chiếu.

Phố Wall lao dốc, nhưng một dữ liệu cho thấy cũng đã có những người chiến thắng, với nhà đầu tư bán khống nhắm vào các công ty Mỹ đã kiếm được 127 tỷ USD từ ngày 2/4 đến 8/4.

Kết thúc phiên 8/4: Chỉ số Dow Jones giảm 320,01 điểm (-0,84%), xuống 37.645,59 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 79,48 điểm (-1,57%), xuống 4.982,77 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 335,35 điểm (-2,15%), xuống 15.267,91 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng vọt, hồi phục từ mức thấp nhất trong 14 tháng sau bốn phiên bán mạnh liên tiếp, mặc dù các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến khi các quốc gia phản ứng với thuế quan của Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 2,72% lên 486,91 điểm, sau khi giảm hơn 12% trong bốn phiên qua.

Trong một động thái đáng chú ý nhất liên quan đến thương mại là Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất mức thuế 25% đối với một loạt hàng hóa của Mỹ, khi phải đối mặt với mức thuế 20% từ Mỹ.

Tuy nhiên, EC sau đó đã giảm bớt một số đề xuất ban đầu, loại bỏ rượu bourbon của Mỹ khỏi danh sách áp thuế. Đồng thời, cũng đã đưa ra một thỏa thuận thuế quan "zero-for-zero" cho Washington.

"Chúng tôi đã chuyển từ sự không chắc chắn sang chắc chắn hơn một chút và thị trường đang cố gắng định giá điều đó", Stephen Dover, chiến lược gia thị trường trưởng tại Franklin Templeton cho biết, mặc dù ông nói thêm rằng sự biến động sắp tới vẫn có thể ở mức cao.

J.P. Morgan cho biết họ hiện dự kiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất liên tiếp trong bốn cuộc họp tiếp theo. Trong khi dự báo tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng 1,5% vào cuối năm 2026 do chiến tranh thương mại, và nhận thấy khu vực đồng euro sẽ tránh được suy thoái.

Kết thúc phiên 8/4: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 208,45 điểm (+2,71%), lên 7.910,53 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 490,64 điểm (+2,48%), lên 20.280,26 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris tăng 173,30 điểm (+2,50%), lên 7.100,42 điểm.

Tin bài liên quan