Phát biểu tại Hội thảo "Nợ đọng xây dựng cơ bản - Biện pháp tháo gỡ và hướng giải quyết" vừa diễn ra, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu Việt Nam (VACC) cho biết, nợ đọng xây dựng cơ bản diễn ra phổ biến và ở mức độ khá nghiêm trọng, gây ra các hậu quả như: công trình thi công dở dang, kéo dài; hiệu quả đầu tư kém; chất lượng dự án đi xuống. Nhưng hơn cả là thiệt hại dành cho nhà thầu khi phải ứng vốn để vừa thực hiện bảo lãnh thầu, vừa triển khai công trình.
Mặc dù các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản sẽ đối ứng với khoản vay vốn ngân hàng, tuy nhiên, đặc thù là nợ đọng xây dựng có thể chây ỳ còn nợ ngân hàng thì không thể.
Đặc biệt, việc Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua sẽ càng khiến sức ép thu hồi vốn từ phía ngân hàng gia tăng, gây áp lực khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi muốn triển khai các công trình tiếp theo.
Cũng bởi vậy, rất nhiều doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu rơi vào cảnh nợ lương công nhân, chiếm dụng vốn của nhau, không ít doanh nghiệp giải thể và phá sản, góp phần làm cho nợ xấu của ngân hàng tăng lên…
Theo đại diện Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nợ tiền xây dựng cơ bản chủ yếu là do nhu cầu đầu tư phát triển của xã hội trong thời gian qua rất lớn, dẫn đến việc các dự án xây dựng tăng lên một cách chóng mặt. Một số công trình, dự án không thể cân đối, bố trí nguồn vốn kịp thời để thanh toán khối lượng hoàn thành.
Bên cạnh đó, vấn đề kỷ cương khi sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản và những quy định về xây dựng cơ bản cũng bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều trường hợp trong các hạng mục công trình có một số chi sai, chi không đúng mục đích… nên không thể quyết toán.
Số liệu thống kê của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, tính đến hết kế hoạch năm 2016, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách trung ương là 9.557,6 tỷ đồng, rất nhiều khoản nợ trong số này chưa có giải pháp để giải quyết triệt để.
Không riêng công trình sử dụng vốn ngân sách, các dự án có nguồn vốn của nhà đầu tư tư nhân, doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng gặp khó khăn tương tự.
Theo chia sẻ của Tập đoàn DELTA, khi bắt đầu thực hiện một dự án, điều mà nhà thầu chú ý đầu tiên là chủ đầu tư có uy tín trong công tác thanh toán hay không, tình hình tài chính như thế nào; sau đó mới quan tâm đến quy mô, mức độ khó/dễ hay công nghệ sử dụng của dự án đó.
"Mặc dù vậy, DELTA cũng không tránh khỏi tình trạng nợ tiền từ phía chủ đầu tư, tất nhiên, mức độ không lớn và có sự khác biệt: chủ đầu tư nợ ít/nhiều, dài/ngắn và có kế hoạch trả nợ hay không”, đại diện Tập đoàn DELTA chia sẻ tại buổi hội thảo.
Trong bối cảnh này, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho rằng, để giải quyết tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, Chính phủ và các địa phương cần tiếp tục tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu, với những giải pháp chủ yếu như cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ về cơ chế hoạt động đối với các nhà thầu trong lĩnh vực đặc thù, tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát, chỉ định áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời để không phát sinh nợ đọng.
Bên cạnh đó, yêu cầu xác định rõ nguồn thu và cân đối thu/chi ngân sách Nhà nước trước khi phê duyệt dự án; đảm bảo nguồn tài chính cho dự án sau khi phê duyệt dự án; cho phép và ban hành bằng văn bản yêu cầu chủ đầu tư xác nhận khối lượng phát sinh và quyết toán theo từng hạng mục công trình …