Nguồn cung giảm: Điều được dự báo trước
Theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), trong quý III/2021, tổng lượng sản phẩm chào bán trên thị trường cả nước đạt 35.852 sản phẩm, giao dịch đạt 16.647 sản phẩm (tương đương tỷ lệ hấp thụ 40,9%), con số này khiêm tốn hơn so với tổng số 55.746 sản phẩm và 15.386 giao dịch của quý II/2021; 74.144 sản phẩm và 31.733 giao dịch của quý I/2021 hay 73.933 sản phẩm và 26.299 giao dịch của cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, chung cư vẫn là phân khúc chủ đạo khi có tới 16.022 sản phẩm và giao dịch 7.120 sản phẩm, tiếp theo là đất nền với 10.191 sản phẩm và giao dịch 5.349 sản phẩm. Phân khúc thấp tầng có thêm 9.639 sản phẩm, giao dịch 2.178 sản phẩm. Về cơ cấu sản phẩm, chung cư chiếm 44,7% nguồn cung, các phân khúc đất nền và thấp tầng lần lượt đạt 28,4% và 26,9%.
Thực tế, việc nguồn cung trên thị trường giảm mạnh trong quý III vừa qua là điều đã được dự báo từ trước trong bối cảnh gặp nhiều vướng mắc về chính sách bên cạnh giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch ở nhiều địa phương trên cả nước.
Dù có sự suy yếu, nhưng theo VNREA, triển vọng thị trường vẫn rất sáng sủa khi độ phủ vắc-xin đang ngày càng tăng, nhiều địa phương trở lại trạng thái bình thường mới, tác động tích cực lên thị trường địa ốc. Đây cũng là nhận định chung của nhiều thành viên thị trường, trong đó nhà ở vẫn là phân khúc được chú ý nhiều nhất và không ít thông tin về việc ra hàng trong quý cao điểm kinh doanh cuối năm được hé lộ.
Thực tiễn cho thấy, sau mỗi đợt suy thoái, thị trường bất động sản thường bật tăng mạnh. Hiện tại, các tín hiệu phục hồi ngày một rõ nét, tâm thế phục hồi cũng ngày càng được các thành viên thị trường thể hiện rõ.
Trao đổi với phóng viên, đại diện của Kosy Group cho biết, tháng 9/2021 đã khởi công một dự án ở Ninh Bình và tháng 10 này sẽ mở bán một dự án khu đô thị ở Hà Nam, tới năm 2022 sẽ triển khai đồng loạt 7-8 dự án.
Còn đại diện Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) cho hay, với quỹ đất dồi dào hiện nay, TTC Land sẽ tiếp tục tập trung vào 3 dòng sản phẩm nhà ở gồm trung cấp với thương hiệu Carillon, phức hợp với thương hiệu Jamona và cao cấp với thương hiệu Charmington.
“Việc đa dạng hóa phân khúc sản phẩm sẽ giúp TTC Land chủ động được nguồn cung ra thị trường tùy vào từng giai đoạn, từng thời điểm, với từng phân khúc phù hợp. Ngoài ra, tùy thuộc vào vị trí cũng như diện tích đất, TTC Land sẽ phát triển những phân khúc khác nhau nhằm tối ưu hóa giá trị đầu tư. Thêm vào đó, từ trước tới nay, phần lớn doanh thu của Công ty đến từ nhà ở dân dụng, một phân khúc thường có nhiều biến động theo chu kỳ, nên định hướng đa dạng hóa sản phẩm sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro”, đại diện TTC Land nói.
Thị trường tỉnh lẻ chờ sóng mới
Chia sẻ về kế hoạch bán hàng, ông Huỳnh Quang Ý, Tổng giám đốc Phú Lộc Đất Phan (Ninh Thuận) cho biết, riêng tại Ninh Thuận, doanh nghiệp có 4 dự án đang chào bán, trong đó có 2 dự án mới và 2 dự án cũ, cung cấp ra thị trường 373 sản phẩm, bao gồm 52 căn hộ thương mại dịch vụ, 88 sản phẩm đất nền và 321 sản phẩm liền kề. Tính đến nay, số lượng giao dịch đạt 198 sản phẩm, tương đương tỷ lệ hấp thụ 42,9%.
“Hiện quỹ đất Ninh Thuận còn khá nhiều, đây sẽ là điều kiện hấp dẫn thu hút các tập đoàn và nhà đầu tư lớn. Vừa qua, tỉnh cũng đã lập quy hoạch và phê duyệt đầu tư một số dự án trọng điểm, điều này sẽ giúp thị trường địa ốc Ninh Thuận sôi động hơn trong thời gian tới”, ông Ý thông tin thêm.
Còn ông Nguyễn Trần Anh Huy, Tổng giám đốc Kinh doanh tiếp thị Công ty cổ phần Kinh doanh địa ốc Galaxy (Long An), trong quý III vừa qua, Long An có 4 dự án được chào bán, trong đó căn hộ chung cư là sản phẩm mới ở thị trường này và có thanh khoản tốt, với mức giá bình quân khoảng 19 triệu đồng/m2, cao hơn so với mặt bằng giá chung của khu Tây Nam Bộ. Quý IV này, địa phương này sẽ đón nhận thêm nguồn cung từ 4 dự án mới của các chủ đầu tư T&T, TNR…
“Quý III/2021 có thể coi là đáy của thị trường, nhưng giao dịch phân khúc chung cư vẫn rất khả quan. Do đó, với việc có thêm nguồn cung mới, khả năng thị trường chuyển biến tích cực trong quý cuối năm là rất lớn”, ông Huy đánh giá, đồng thời chia sẻ thêm, hiện có không ít chủ đầu tư bên cạnh các chính sách kích cầu chung, còn đưa ra chính sách bán hàng ưu đãi nội bộ để kích cầu và tạo thu nhập cho chính nhân sự trong doanh nghiệp.
Tại thị trường Phú Quốc, theo ông Đặng Đức Giới, Tổng giám đốc ĐK Land, việc chính quyền Thành phố đang xem xét chủ trương đầu tư cho nhiều dự án, cùng với quy định mới về tách thửa đất nông nghiệp, phi nông nghiệp theo hướng cho phân lô lại nhưng vẫn kiểm soát chặt để tránh sốt ảo, cũng là những tín hiệu tích cực cho bức tranh thị trường quý cuối năm.
Tương tự, ông Trần Hữu Giáp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Gia Địa (Thanh Hóa) nhìn nhận, ngay trong quý III/2021 - thời điểm dịch diễn biến căng thẳng nhất, thị trường Thanh Hóa vẫn thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư từ các dự án đất đấu giá, với 18 dự án được giới thiệu ra thị trường (10 dự án cũ, 8 dự án mới). Do đó, trong quý IV, khi giãn cách được nới lỏng, thị trường này sẽ càng nóng bởi hiệu ứng đổ bộ của các nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài như Foxcom, TNR, Sun Group, FLC Group, T&T Group...
Thị trường bất động sản đang cho thấy sức đề kháng khá tốt
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành |
Muốn đoán biết khả năng hồi phục của thị trường, có thể phân tích từ việc nền kinh tế sẽ phục hồi ra sao trong thời gian tới. Bối cảnh chung vẫn có nhiều điểm sáng như tăng độ phủ tiêm vắc-xin, đẩy mạnh đầu tư công…, đây là những tiền đề quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế và thị trường địa ốc.
Nhiều tổ chức uy tín quốc tế dự báo, năm 2022, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP 6,5%, cho thấy kỳ vọng tràn trề về một sự bứt phá của thị trường bất động sản trong năm tới, mà giai đoạn những tháng cuối năm nay là nền tảng, là quá trình hình thành và tích lũy.
Thời gian qua, thị trường bất động sản cũng đã cho thấy sức đề kháng khá tốt và có thể sẽ hồi phục nhanh, mạnh mẽ trong quý IV này.