Nợ công Việt Nam bao nhiêu là “ngưỡng an toàn”?

Nợ công Việt Nam bao nhiêu là “ngưỡng an toàn”?

Nợ công của Việt Nam, theo khẳng định của Chính phủ vẫn ở ngưỡng an toàn nhưng đại biểu Quốc hội cho rằng: “Chính phủ cần nghiên cứu xác định chỉ tiêu an toàn cho nợ công và cần được Quốc hội thông qua”.

Quốc hội quan tâm “ngưỡng an toàn” nợ công

Hôm nay 22/5, Quốc hội dành một ngày thảo luận ở tổ để đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.

Nợ công là một trong những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm và đưa ra thảo luận tại phiên họp.

Nợ công Việt Nam bao nhiêu là “ngưỡng an toàn”? ảnh 1 Nợ công của Việt Nam gây tranh cãi.

 

Đại biểu Trương Thị Ánh (đoàn TPHCM) đặt câu hỏi: Gần đây Chính phủ đánh giá nợ công vẫn ở mức an toàn, nhưng Quốc hội chưa có biểu quyết và chưa biết như thế nào là an toàn? Do đó, đại biểu này kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu xác định chỉ tiêu an toàn cho nợ công và cần được Quốc hội thông qua.

Cũng nói về vấn đề nợ công, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng: Việc khống chế nợ công là cần thiết nhưng với thực tế hiện tại, Quốc hội sẽ phải có một quyết định khó khăn là xem lại mức tăng bội chi để nới lỏng chính sách tài khóa.

Theo vị đại biểu này, kế hoạch phát hành trái phiếu 45 nghìn tỷ đồng cho các lĩnh vực là quan trọng nhưng trước mắt phải trả nợ cho các dự án đầu tư công đang nợ các doanh nghiệp, các dự án đang hoàn thiện và các dự án đã hoàn thành 80%.

“Làm được như vậy sẽ tăng được tổng cầu của nền kinh tế. Mấu chốt là trung ương và các địa phương phải trả xong nợ các dự án đã đầu tư”, đại biểu Trần Du Lịch nói.

Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc ngày 20/5, thì dư nợ công, dư nợ Chính phủ, dư nợ nước ngoài quốc gia tiếp tục nằm trong giới hạn an toàn cho phép.

Cũng theo đánh giá của Chính phủ, việc bố trí vốn đầu tư bước đầu đã có sự kiểm soát tốt, các dự án đầu tư về cơ bản được thực hiện theo đúng mức vốn kế hoạch đã giao, góp phần hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản. Số dự án khởi công mới giảm đáng kể, số dự án hoàn thành tăng cao. Qua rà soát số vốn trong nước nguồn ngân sách nhà nước bố trí đúng quy định chiếm tới 95,6% tổng số vốn rà soát; số vốn trái phiếu Chính phủ bố trí đúng quy định chiếm 99,7% tổng số vốn kế hoạch năm 2013.

“Tất cả các quyết định giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm các chương trình mục tiêu quốc gia) và kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành đúng thời hạn theo Nghị quyết của Quốc hội”, báo cáo nhận xét.

Trước đó, theo số liệu do Bộ Tài chính công bố, tính đến hết năm 2011, nợ công của Việt Nam tương đương 56,7% GDP, trong đó cơ cấu nợ công gồm: nợ chính phủ 80%, nợ chính phủ bảo lãnh doanh nghiệp 19% và nợ của chính quyền địa phương 1%. So với GDP năm 2010, nợ công 56,7%, nợ chính phủ 45%, nợ chính phủ bảo lãnh doanh nghiệp 13% và nợ của chính quyền địa phương 3% GDP.

 

Định bệnh không thống nhất, sẽ không có thuốc chữa

Phân tích về thực trạng nền kinh tế, theo đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội): Kinh tế diễn biến phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng GDP chỉ đạt 5,03% so với hơn 6% mà Quốc hội đề ra là điều chưa từng có.

Dưới góc độ là một người làm ngân hàng, vị đại biểu này cho rằng: Lãi suất không phải là rào cản tiếp cận vốn của doanh nghiệp như nhiều ý kiến. Vấn đề cốt lõi là sức mua của nền kinh tế vẫn kém, tồn kho lớn; năng lực tài chính và những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết.

Do đó, những doanh nghiệp kinh doanh tốt vẫn có tư tưởng hoạt động cầm chừng, nên không vay; còn những doanh nghiệp muốn vay lại không có phương án kinh doanh khả thi. Vấn đề quan trọng hiện nay, theo đại biểu Hùng là kích cầu đầu tư tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho và tạo niềm tin cho ngân hàng. Bởi “yếu kém của nền kinh tế là duy trì tăng trưởng nóng hàng năm, nên ảnh hưởng đến tăng trưởng bền vững”.

Còn theo đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) thì trong điều hành vĩ mô có lúng túng, sự phối hợp giữa các ngành không ăn khớp, hiệu quả đầu tư phải đối mặt với thực tế là chưa cao trong tất cả lĩnh vực. Đại biểu An cho rằng, nguyên nhân là do Chính phủ quy định trách nhiệm cá nhân chưa rõ và tự thân đánh giá tình hình của các ngành cũng chưa chuẩn và chưa đồng nhất giữa các ý kiến.

“Theo tôi, chúng ta phải ngồi lại đánh giá cho chuẩn tình hình. Như tại nhiều tỉnh đều báo cáo GDP tăng cao, nhưng cả nước lại thấp, nên xem lại con số thống kê. Định bệnh không thống nhất, sẽ không có thuốc chữa”, đại biểu nhấn mạnh.