Nợ công là đòn bẩy, tạo động lực tăng trưởng kinh tế bền vững

0:00 / 0:00
0:00
Cùng với việc đẩy nhanh gói tài khóa, tiền tệ 350.000 tỷ đồng, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định liên quan đến quản lý nợ công.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đây là những giải pháp kịp thời để vừa hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, vừa quản lý chặt chẽ nợ công.

Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2022 đạt 5,03%, cao nhất trong 3 năm gần đây, cho thấy kinh tế đã phục hồi. Thưa ông, có nhất thiết tiếp tục mở rộng gói tài khóa, tiền tệ?

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Chúng ta tự hào là một trong những nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng dương năm 2021 (tăng 2,91%) và trong quý I/2022 đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng là 5,03%, cao hơn khá nhiều so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020 và 2021 (tăng tương ứng 3,66% và 4,72%). Có được kết quả này là, trong hoàn cảnh đặc thù, bối cảnh đặc thù, Quốc hội, Chính phủ đã áp dụng nhiều chính sách đặc thù, đặc biệt là chính sách tài khóa và tiền tệ.

Thế nhưng, nhìn lại số doanh nghiệp đóng cửa, giải thể, ngừng hoạt động cao nhất từ trước đến nay, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới mà trước năm 2020 chưa từng xảy ra, thì cần phải có những giải pháp, chính sách mạnh mẽ hơn nữa.

Trong 3 tháng đầu năm nay có 60.200 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, thì có tới 51.300 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, tính ra chỉ có thêm khoảng 8.900 doanh nghiệp tham gia thị trường trong 3 tháng đầu năm, tức là mỗi tháng có thêm tới 3.000 doanh nghiệp. Đây là con số rất đáng suy nghĩ, bởi doanh nghiệp dừng hoạt động luôn tác động tiêu cực đến thị trường lao động, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động và gia tăng áp lực cho trách nhiệm bảo đảm an sinh xã hội.

Còn điều gì đáng quan ngại nữa không, thưa ông?

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 chỉ tăng 3,2% - mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong quý I năm nay, vốn đầu tư toàn xã hội có khá hơn khi tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước mới đạt 14,4% kế hoạch, trong khi Quốc hội và Chính phủ đã quyết định mở rộng đầu tư công, trong đó tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng vì đầu tư vào hạ tầng trong lúc này được coi là then chốt để vực dậy nền kinh tế, bởi sẽ kéo các nguồn vốn đầu tư khác, kéo các lĩnh vực sản xuất khác phát triển theo.

Hơn nữa, đầu tư hạ tầng (đầu tư công) không chỉ được coi là một trong 3 động lực để tăng trưởng kinh tế, mà còn là động lực để nền kinh tế có cơ hội phát triển bền vững hơn trong thời gian tới. Tất nhiên, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên lưu ý, phát triển kinh tế phải đồng thời với tăng cường bảo vệ môi trường và nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số, phát triển thêm nhiều ngành nghề kinh doanh mới, tạo thêm nhiều việc làm mới, từ đó bứt phá, vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia.

Như vậy, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 còn rất nặng nề?

Tổng mức kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn này từ nguồn ngân sách nhà nước là 2,87 triệu tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương 1,5 triệu tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua. Nhưng tại Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đang được Chính phủ rốt ráo triển khai, Quốc hội đã bổ sung 113.550 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng, nên công việc càng nặng nề thêm.

Để có thể hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đã đặt ra, phải khẩn trương tập trung xây dựng, hoàn thiện đường cao tốc Bắc - Nam (phía Đông). Tiền ngân sách đã chuẩn bị đủ, vốn của ngân hàng sẵn sàng giải ngân ngay 600.000 tỷ đồng cho 11 dự án đường cao tốc Bắc - Nam, nhưng vẫn bị tắc về mặt bằng vì hiện vẫn thiếu hơn 10 triệu m2 đất mặt bằng để làm tuyến đường huyết mạch đặc biệt có ý nghĩa về phát triển kinh tế này.

Đã có rất nhiều cuộc họp, chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã nhiều lần đi thị sát trực tiếp dự án trọng điểm này, nên tôi tin rằng, sẽ có những giải pháp quyết liệt hơn, đặc biệt là vấn đề giải phóng mặt bằng, vì không có mặt bằng thì tất cả dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, cả công lẫn tư, đều bị tắc.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do Covid-19, nhưng ngân sách nhà nước vẫn liên tục kết dư do giải ngân vốn đầu tư công chậm. Thưa ông, việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công có tác động đến nợ công, bội chi, nợ chính phủ?

Trong lúc này, đầu tư công vẫn được coi là động lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế, nên không thể không tập trung đầu tư. Còn muốn không tăng nợ công, tăng bội chi, thì chỉ có 2 cách: hoặc là tăng thuế, hoặc là tăng vay nợ.

Thực tế, Chính phủ không những không đề xuất tăng thuế, mà còn kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%; giảm tiền thuê đất, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu; chủ động giảm 36 loại phí, lệ phí; gia hạn hàng loạt sắc thuế cho người dân và doanh nghiệp.

Như vậy, có thể thấy, trong lúc khó khăn, Chính phủ nhận khó khăn về mình, tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp hoạt động trở lại, chưa kể phải bỏ ra thêm hàng chục ngàn tỷ đồng để hỗ trợ người lao động, giảm trừ chi phí các khoản doanh nghiệp bỏ ra hỗ trợ người lao động trong phòng chống dịch bệnh.

Năm 2021, bội chi vẫn dưới 4% GDP; nợ công tương đương 43,7% GDP, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ khoảng 24,8% tổng thu ngân sách nhà nước. Nói chung, bức tranh về vay nợ và trả nợ còn rất an toàn. Năm 2022, chưa tính gói 350.000 tỷ đồng trong Nghị quyết 43/2022/QH15, thì theo dự kiến ban đầu, nợ công vẫn dưới 4% GDP; nợ chính phủ khoảng 43-44% GDP và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ tương đương 21-22% thu ngân sách nhà nước.

Nhưng thêm gói 350.000 tỷ đồng thì bức tranh về nợ công sẽ khác, thưa ông?

Chính vì vậy, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành liên tiếp 2 quyết định liên quan đến nợ công, đó là Chương trình Quản lý nợ công giai đoạn 2022-2024 và Chiến lược Nợ công đến năm 2030. Quan điểm quản lý nợ công là phải bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế, chỉ vay trong khả năng trả nợ và vay nợ phải đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Trong bối cảnh tình hình mới nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ xác định, nợ công tiếp tục là đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực tăng trưởng bền vững. Nhưng để bảo đảm quan điểm “chỉ vay trong khả năng trả nợ”, Chính phủ đã tính toán và dự kiến trong giai đoạn 2022-2024 chỉ vay tối đa khoảng 2,044 triệu tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương vay 1,927 triệu tỷ đồng, còn lại là vay về cho vay lại.

Để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, Chính phủ cũng đã tính toán, trong giai đoạn này sẽ trả nợ 1,116 triệu tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp 971.000 tỷ đồng, tức là đã bố trí nguồn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn. Thủ tướng yêu cầu, việc huy động vốn phải tính toán kỹ lưỡng trong khả năng trả nợ của từng cấp ngân sách, từng đối tượng vay vốn; bố trí thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn làm ảnh hưởng đến các cam kết của Chính phủ và hệ số tín nhiệm quốc gia.

Tin bài liên quan