Tiến sĩ Nguyễn Thành Đô

Tiến sĩ Nguyễn Thành Đô

Nợ công chưa có gì đáng ngại

(ĐTCK-online) "Đến cuối năm 2010, nợ công của Việt Nam bằng 57,3% GDP. Đi sâu phân tích cơ cấu nợ công cho thấy, các chỉ tiêu nợ đang ở giới hạn an toàn cho phép, hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ, chứ chưa có gì đáng ngại…".

Đó là khẳng định của tiến sĩ Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính khi trao đổi với ĐTCK.

Xin ông phân tích cụ thể hơn về sự an toàn của các chỉ tiêu nợ công?

Trong Luật Quản lý nợ công có hiệu lực từ năm 2010, chúng ta đã đưa ra các giới hạn về nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP, đều tối đa là 50%, trong khi tính đến cuối năm 2010, các chỉ số này lần lượt là 45,7% và 42,2%, nghĩa là đang nằm dưới mức an toàn cho phép. Đây không chỉ là đánh giá chủ quan của Việt Nam, mà WB, IMF, cũng như các tổ chức xác định tín nhiệm quốc gia, đều nhận xét rằng nợ công của Việt Nam vẫn an toàn và hiện chưa gặp khó khăn nhiều trong trả nợ.

Chỉ số nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trong trung và dài hạn so với xuất khẩu chỉ chiếm 3,4%, trong khi giới hạn tối đa cho phép là 25%; nghĩa vụ trả nợ Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả nợ nước ngoài và nợ trong nước) là 15% so với giới hạn tối đa cho phép là 30%. Trong cơ cấu nợ Chính phủ hiện tại, thì có tới trên 90% các khoản là nợ dài hạn, với thời gian trả nợ bình quân 27-28 năm, lãi suất ưu đãi khá thấp.

 

Theo khuyến nghị của WB, IMF, Việt Nam nên tính cả nợ của DNNN vào nợ công, thì mới phản ánh trung thực bức tranh nợ công. Tỷ lệ 57,3% nợ công là chưa tính nợ của các DNNN?

Con số nợ công hiện tại chưa tính đến khoản nợ của các DNNN mà Chính phủ không đứng ra bảo lãnh. Đặc thù của DNNN, cũng như quy định pháp lý của Việt Nam không cho phép tính cả khoản vay của các DNNN mà Chính phủ không bảo lãnh vào chỉ số nợ công. Theo Luật Quản lý nợ công, thì nợ công tại Việt Nam gồm 3 cấu phần: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh (chủ yếu là bảo lãnh cho DN) và nợ của chính quyền địa phương. Như vậy, chỉ những khoản vay của DNNN mà được Chính phủ bảo lãnh, thì mới coi là nợ công, còn những khoản DNNN tự vay tự trả, thì không được coi là nợ công. Chính phủ không đứng ra trả nợ thay cho DNNN đối với các khoản mà họ tự vay tự trả. Đây là lý do Việt Nam không đưa khoản nợ này của các DNNN vào chỉ số nợ công.

 

Chỉ từ năm 2006 đến 2010, nợ công của Việt Nam đã tăng gấp đôi, trong khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đang chậm lại. Điều này có phải chúng ta đang sử dụng vốn vay không hiệu quả và khiến áp lực trả nợ gia tăng?

Việt Nam là nước đang phát triển, nên nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển khá lớn. Điều này giải thích tại sao những năm qua, tốc độ vay nợ tăng nhanh và đây là điều bình thường. Nếu chúng ta không vay được nguồn vốn lớn như vậy, thì nền kinh tế khó đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn qua. Việc nhận định tốc độ vay nợ tăng nhanh, trong khi GDP tăng chậm chứng tỏ sử dụng vốn vay không hiệu quả là thiếu cơ sở và không chuẩn xác, vì hiệu quả sử dụng vốn vay không chỉ trước mắt mà trong dài hạn, ngoài hiệu quả kinh tế còn có hiệu quả xã hội. Tất nhiên, trong sử dụng nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển còn tồn tại không ít hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay.

 

Thưa ông, có điều gì đáng lo khi nợ công tăng nhanh, với lãi suất ngày càng kém ưu đãi?

Về ngắn hạn, đứng về cân đối vĩ mô thì việc trả nợ chưa đáng lo ngại, mặc dù có những thời điểm gặp khó khăn về thanh khoản do dự trữ ngoại hối sụt giảm. Trong trung và dài hạn, chúng ta đang chịu một số áp lực do nhu cầu vay vốn vẫn tăng nhanh, nhất là các khoản vay lớn để triển khai các dự án tàu điện tại TP. HCM, Hà Nội và một số tuyến đường cao tốc với lãi suất kém ưu đãi… Điều này sẽ tạo áp lực trả nợ đáng kể trong 10 năm tới nếu nỗ lực nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay chậm được cải thiện. Để chủ động giảm thiểu rủi ro nợ công, Bộ Tài chính đã xây dựng Đề án Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011-2022 và tầm nhìn 2030 theo chỉ đạo của Chính phủ, trong đó có đưa ra giới hạn an toàn về nợ công cụ thể. Khi Chiến lược được phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ xây dựng 11 đề án để tổ chức triển khai.