Các nhà phân tích của S&P Global Ratings cho biết, nợ trực tiếp của chính quyền địa phương đã vượt quá 120% mức thu vào năm 2022, đồng thời lưu ý con số này nhiều hơn mức mà Bắc Kinh đã tuyên bố một cách không chính thức là mức nợ có thể chấp nhận được.
Các nhà phân tích của S&P cho biết: “Các tỉnh và thành phố của đất nước đã phụ thuộc rất nhiều vào việc mở rộng phát hành trái phiếu để giúp họ vượt qua suy thoái kinh tế do Covid và doanh thu bán bất động sản sụt giảm”.
Dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm lên mức tương đương 35.340 tỷ nhân dân tệ (5.140 tỷ USD) vào năm ngoái. Trong đó, không bao gồm một số loại nợ khác có liên quan và đang gia tăng nhanh chóng, chẳng hạn như nợ “phương tiện tài chính của chính quyền địa phương” (LGFV) cho phép chính quyền khu vực khai thác các khoản vay ngân hàng cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Trong báo cáo công việc hàng năm của Chính phủ Trung Quốc được công bố vào tháng 3/2023, toàn bộ mục tiêu là xoay quanh việc ngăn ngừa và xoa dịu những rủi ro lớn, chủ yếu là nợ bất động sản và nợ của chính quyền địa phương.
“Chúng ta nên ngăn chặn việc tích tụ các khoản nợ mới trong khi làm việc để giảm các khoản nợ hiện có”, báo cáo cho biết về tình hình của chính quyền địa phương.
“Cùng với mục tiêu tăng trưởng thận trọng khoảng 5%, điều này có thể báo hiệu một sự thay đổi tiềm năng trong việc tập trung giải quyết rủi ro tài chính và nợ tiềm ẩn từ chính quyền địa phương vào một thời điểm nào đó trong năm nay, đặc biệt là trong nửa cuối năm, sau khi sự phục hồi kinh tế phần lớn đã ổn định”, Ting Lu, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Nomura cho biết.
Tác động của Covid và bất động sản
Trong 3 năm qua, đại dịch Covid và sự suy giảm trong lĩnh vực bất động sản đã cắt giảm nguồn thu của chính quyền địa phương, mặc dù không rõ chính xác ở mức độ như thế nào.
Bộ Tài chính cho biết, chi tiêu cho y tế của nước này đã tăng gần 18% vào năm ngoái lên 2.250 tỷ nhân dân tệ, sau khi hầu như không tăng vào năm 2021.
Một hạng mục ngân sách được gọi là quỹ chính quyền địa phương đã chứng kiến doanh thu từ việc bán bất động sản giảm 23,3% xuống còn 6.690 tỷ nhân dân tệ. S&P và các nhà phân tích khác ước tính, doanh số bán đất chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của chính quyền địa phương.
Ở Trung Quốc, Chính phủ đại diện quyền sở hữu đất đai và quyền sử dụng đất được bán cho các công ty để phát triển dự án với hợp đồng sử dụng kéo dài 70 năm nếu dự án là khu dân cư.
Sherry Zhao, Giám đốc tài chính công quốc tế của Fitch Ratings cho biết, doanh thu liên quan đến bất động sản có thể sẽ vẫn bị căng thẳng do tâm lý của người mua nhà chưa hồi phục hoàn toàn.
Bà cho biết thêm, chính quyền địa phương có thể sẽ chuyển sang ba kênh khác để tăng thu bao gồm: thuế (giảm mức cắt giảm thuế đã công bố trong đại dịch), bán tài sản (tạo ra thu nhập chủ yếu một lần từ việc bán hoặc cho thuê tài sản thuộc sở hữu nhà nước), chuyển khoản (rút thêm tiền từ các quỹ của chính phủ trung ương).
Theo Bộ Tài chính, chính quyền trung ương của Trung Quốc đã tăng chuyển khoản cho chính quyền địa phương lên con số tăng trưởng khổng lồ 17,1% vào năm 2022 và có kế hoạch tăng hỗ trợ thêm 3,6% trong năm nay với 10.060 tỷ nhân dân tệ được chuyển.
Các nhà phân tích của S&P cho biết: “Các khoản chuyển giao cho chính quyền địa phương chiếm khoảng 60% mức tăng thâm hụt của chính quyền trung ương”.
Họ không mong đợi chính quyền địa phương sa đà vào nợ ngoại bảng. “Ngay cả ở những khu vực yếu kém về tài chính, các chính phủ sẽ không tiếp tục sử dụng tài trợ bằng nợ ẩn, chẳng hạn như thông qua các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương (LGFV)”, S&P cho biết.
“Xu hướng dài hạn rất rõ ràng: Bắc Kinh muốn giúp đất nước thoát khỏi sự phụ thuộc của tăng trưởng dựa vào đầu tư”, báo cáo của S&P cho biết.