Dự án mở rộng nhà máy của Nipro gặp trắc trở 2 năm nay chưa thể tháo gỡ để tiến hành xây dựng. Ảnh: Lê Quân
Doanh nghiệp phải trả nhiều chi phí phát sinh
Công ty Nipro (Nhật Bản) đầu tư nhà máy tại Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) và đưa vào sản xuất ống thông, ống dẫn máu và các thiết bị khác hỗ trợ việc lọc thận từ năm 2019 với vốn đầu tư giai đoạn I là 300 triệu USD. Theo dự kiến, Công ty sẽ mở rộng đầu tư tại SHTP với số vốn tăng lên 500 triệu USD và sẽ lên đến 700 triệu USD vào năm 2030.
Tuy nhiên, dự án mở rộng nhà máy của doanh nghiệp gặp trắc trở 2 năm nay chưa thể tháo gỡ để tiến hành xây dựng. Theo Báo cáo số 3256/SNV-CTKT ngày 4/7/2023 của Sở Ngoại vụ TP.HCM gửi UBND Thành phố, việc Công ty Nipro mở rộng nhà máy tại Khu Công nghệ cao đang gặp phải 2 vấn đề vướng mắc là điều chỉnh quy hoạch 1/2000 và đánh giá tác động môi trường
Liên quan đến quy hoạch, theo báo cáo của Công ty Nipro, tháng 3/2021, sau khi có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Sản xuất quả lọc máu, Công ty đã triển khai xin giấy phép theo quy định để có thể nhanh chóng sản xuất dự kiến vào năm 2023. Tưởng chừng mọi việc suôn sẻ, song khi tiến hành xin giấy phép xây dựng, quy hoạch chi tiết 1/500, thì UBND TP. Thủ Đức trả lời “do vượt quá chỉ tiêu hạ tầng theo quy hoạch 1/2000 của Khu Công nghệ cao, nên không có cơ sở để cấp phép xây dựng và quy hoạch 1/500”.
Doanh nghiệp đã liên hệ với Ban Quản lý SHTP, UBND TP. Thủ Đức và nhiều sở, ban, ngành khác để tiến hành tháo gỡ vướng mắc quy hoạch, nhưng vẫn chưa thể điều chỉnh được.
“Do sự chậm trễ thay đổi quy hoạch 1/2000 của Khu Công nghệ cao, Nipro phải chi trả các chi phí phát sinh về kho bãi, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị đã mua trước đó, nhưng chưa thể lắp đặt và vì vậy chưa thể thực hiện hợp đồng đã ký với các đối tác quốc tế. Với tình hình như vậy, Công ty không thể nào tiến hành sản xuất quả lọc máu theo đúng tiến độ đã đăng ký”, Văn bản số 3256 nêu khó khăn.
Với những khó khăn được doanh nghiệp nêu ra, Ban Quản lý SHTP giải thích rằng, họ đang rất khẩn trương và ưu tiên cho việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch tỷ lệ 1/2000 Khu Công nghệ cao TP.HCM (bao gồm điều chỉnh tổng thể quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật).
Ban Quản lý SHTP nêu lý do rằng, việc kéo dài công tác lập điều chỉnh tổng thể hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghệ trong thời gian vừa qua là ngoài ý muốn của Ban Quản lý, do loại hình điều chỉnh quy hoạch không có tiền lệ đối với với công tác lập điều chỉnh quy hoạch tổng thể hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, định mức áp dụng lập dự toán chi phí thực hiện theo Thông tư số 20/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 của Bộ Xây dựng, nhưng lại không có hướng dẫn cách xác định, quản lý chi phí quy hoạch đối với công tác lập điều chỉnh quy hoạch tổng thể hạ tầng kỹ thuật.
Một khó khăn nữa khiến việc lập quy hoạch thêm chậm trễ là do nguồn vốn thực hiện quy hoạch sẽ được thông qua ngân sách địa phương, cụ thể là, UBND TP.HCM báo cáo HĐND Thành phố thông qua dự toán kinh phí bổ sung từ nguồn huy động, nên sẽ mất rất nhiều thời gian thực hiện. Tới nay, Ban Quản lý đang khẩn trương phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Tài chính để triển khai công tác điều chỉnh quy hoạch theo đúng trình tự quy định pháp luật hiện hành.
Đánh giá tác động môi trường: Xin ý kiến nửa năm chưa có phản hồi
Do sự chậm trễ thay đổi quy hoạch 1/2000 của Khu Công nghệ cao, Nipro phải chi trả các chi phí phát sinh về kho bãi, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị đã mua trước đó, nhưng chưa thể lắp đặt và vì vậy chưa thể thực hiện hợp đồng đã ký với các đối tác quốc tế. Với tình hình như vậy, Công ty không thể nào tiến hành sản xuất quả lọc máu theo đúng tiến độ đã đăng ký.
Cùng với những rắc rối trong việc điều chỉnh quy hoạch, nhà đầu tư còn phải mất thêm thời gian chờ đánh giá tác động môi trường.
Theo thông tin được Công ty Nipro cung cấp cho Sở Ngoại vụ TP.HCM, sản phẩm quả lọc máu phải sử dụng nguồn phóng xạ Cobalt - 60 để chiếu xạ khử trùng và Công ty chỉ được tiến hành sản xuất khi có đánh giá tác động môi trường của Khu Công nghệ cao. Nipro cho rằng, nếu đánh giá tác động môi trường của Khu Công nghệ cao không thể hoàn thành trong năm 2025, thì Công ty cũng không thể sản xuất được cho dù quy hoạch 1/2000 đã điều chỉnh.
Với vướng mắc doanh nghiệp nêu ra, Ban Quản lý SHTP đã có Công văn số 1184 (ngày 12/10/2022) và Công văn số 77 (ngày 1/2/2023) gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến hướng dẫn thủ tục môi trường đối với việc sản xuất sản phẩm quả lọc máu, có sử dụng chất phóng xạ Cobalt-60, nhưng chưa được dự báo và đánh giá tác động môi trường và đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Ban Quản lý thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường theo quy định, song vẫn chưa nhận được phản hồi.
Quá “sốt ruột” vì cấp trên chậm phản hồi, Ban Quản lý SHTP đã chủ động trao đổi trực tiếp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và được hướng dẫn rằng, “Ban Quản lý sẽ thực hiện thủ tục cấp giấy phép môi trường cho Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghệ cao TP.HCM, trong đó có dự án của Công ty Nipro”, Công văn 3256/SNV-CTKT nêu. Với hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý SHTP đang khẩn trương báo cáo UBND TP.HCM để xin chủ trương thực hiện và làm các thủ tục theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Như vậy, những vướng mắc đối với dự án của Công ty Nipro đã có hướng để giải quyết, vấn đề còn lại hiện nay là tiến độ thực hiện từ các sở, ban, ngành của TP.HCM.