Trên bình diện thế giới, Nippon Steel Corp. mới đứng ở vị trí thứ 6 (với sản lượng 33,4 triệu tấn, số liệu năm 2011), còn Sumitomo Metal Industries ở bậc thứ 27 (với 12,7 triệu tấn). Song nay, sau khi hoàn tất mọi thủ tục về sáp nhập, trên giấy tờ, với tổng sản lượng 46,1 triệu tấn, NSSMC trở thành tập đoàn sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, chỉ sau ArcelorMittal, có trụ sở tại Luxembourg (với 97,2 triệu tấn).
Báo chí Nhật Bản đã coi vụ mua bán và sáp nhập (M&A) này là một thành công trong lĩnh vực sản xuất thép và đánh giá đây là động thái tích cực đưa Nippon Steel và Sumitomo Metal trở lại vinh quang xưa.
Chẳng là vào thời kỳ hoàng kim (cụ thể là năm 1970), Nippon Steel đứng đầu thế giới và Sumitomo Metal ở vị trí thứ 7. Nay, thông qua vụ M&A, cả hai hay nói đúng hơn là NSSMC đã có vị thế đáng nể trong ngành thép thế giới. Đây là vụ M&A có quy mô lớn nhất trong ngành thép ở Nhật Bản, vượt xa quy mô của vụ sáp nhập lịch sử giữa Kawasaki Steel và NKK Corp. vào năm 2002 tạo thành JFE Holdings Inc. (hiện đứng thứ 9 thế giới).
Tại lễ ra mắt, ông Shoji Muneoka, Giám đốc điều hành (CEO) NSSMC, nguyên Chủ tịch Nippon Steel phát biểu: “Tôi tin chắc rằng, chúng ta sẽ tạo ra sức mạnh mới về mọi mặt để vượt qua cuộc cạnh tranh gay gắt trong ngành thép thế giới hiện nay. Chúng ta sẽ là số 1 về sức mạnh tổng hợp. Mục tiêu chính mà chúng tôi hướng tới là sản lượng từ 60 đến 70 triệu tấn thép mỗi năm”. Còn ông Hiroshi Tomono, Chủ tịch NSSMC, nguyên Chủ tịch Sumitomo Metal Industries cũng vui mừng chia sẻ: “Từ ngày hôm nay, chúng ta là đồng nghiệp mới, sẽ cùng tạo ra các giá trị mới theo một phong cách làm việc mới”.
Với trụ sở chính đặt tại quận Marunouchi (Tokyo), NSSMC có hơn 81.000 nhân viên với doanh thu hàng năm ước đạt 5.500 tỷ yên (khoảng gần 71 tỷ USD).
NSSMC sẽ tiếp tục giữ vị trí chi phối thị trường Nhật Bản nhờ vào quan hệ làm ăn truyền thống với các hãng sản xuất ô tô hàng đầu của Nhật Bản, như Toyota, Nissan và Honda cũng như nhận được sự hỗ trợ từ các tập đoàn thương mại lớn, như Mitsui, Mitsubishi và Sumitomo để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu.
Nhiều nhà phân tích nhận xét, NSSMC sẽ làm các đối phủ phải gờm, chủ yếu về năng lực lớn trong nghiên cứu và phát triển (R&D), chứ không thuần tuý chỉ về sản lượng. Với hơn 800 cán bộ nghiên cứu với ngân sách R&D tới 70 tỷ yên (gần 1 tỷ USD) mỗi năm, NSSMC là số 1 thế giới trong ngành thép, xét riêng về khía cạnh R&D. Từ năm 2006 đến hết năm 2010, Nippon Steel và Sumitomo Metal có 908 bằng phát minh, sáng chế, nhiều gấp gần 4 lần so với POSCO của Hàn Quốc (với 234 bằng phát minh, sáng chế) và 9 lần so với ArcelorMittal (với 100). Theo kế hoạch, NSSMC sẽ hợp lý hóa các nhà máy sản xuất thép của mình ở Nhật Bản, tiết kiệm 150 tỷ yên mỗi năm trong vòng ba năm sau khi sáp nhập. Còn về lâu dài, Tập đoàn cũng sẽ cân nhắc việc đóng cửa nhiều nhà máy thép trong nước, chuyển sang đầu tư ở các nước châu Á, như
Việc NSSMC ra đời cũng khiến nhiều đối thủ “ăn không ngon, ngủ không yên”.
Mới đây, POSCO, tập đoàn sản xuất thép lớn thứ 4 thế giới của Hàn Quốc cùng một nhóm các nhà đầu tư lớn, gồm National Pension Service, Korea Investment Corp., Korea Finance Corp. (đều của Hàn Quốc) và Tập đoàn Noble Group (Hồng Kông) đã đưa ra đề nghị mua lại Arrium, công ty sản xuất thép lớn thứ 2 của Australia, với giá 1,03 tỷ USD. Lãnh đạo Arrium đã từ chối đề nghị này, với lý do là giá còn quá thấp.