Ninh Vân Bay (NVT) vật lộn tái cấu trúc trong nghi vấn mâu thuẫn cổ đông lớn

Ninh Vân Bay (NVT) vật lộn tái cấu trúc trong nghi vấn mâu thuẫn cổ đông lớn

(ĐTCK) Biến động hàng loạt nhân sự cấp cao tại Công ty cổ phần Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay (Mã chứng khoán: NVT - HOSE) thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và cổ đông.

Trượt dốc do đầu tư dàn trải

Ninh Vân Bay được biết đến là doanh nghiệp sở hữu khu nghỉ dưỡng 5 sao Six Senses Ninh Vân Bay tại vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, được đưa vào hoạt động từ năm 2004. Khu nghỉ dưỡng này gồm 58 villa cao cấp có mức giá thuê từ 800 USD đến hơn 4.200 USD/đêm.

Từng tham vọng trở thành ông trùm bất động sản nghỉ dưỡng sau thành công của Dự án Six Senses Ninh Vân Bay, Công ty đã rót vốn vào hàng loạt dự án như Emeralda Ninh Bình, Emeralda Hội An, Six Senses Latitude Sài Gòn River, LacViet New Tourist City, Khu du lịch sinh thái Đông Anh, góp 100% vốn thành lập Công ty TNHH Câu lạc bộ Kỳ nghỉ Ninh Vân Bay.

Tuy nhiên, do sử dụng đòn bẩy tài chính cao, Ninh Vân Bay chịu gánh nặng chi phí lớn, trong khi thị trường gặp khó khăn, nên đã lao dốc, chìm vào thua lỗ từ năm 2011. Năm 2017, công ty này báo lỗ khủng 456 tỷ đồng, dù doanh thu tăng mạnh 22%, đạt 233 tỷ đồng.

Lý do, theo giải trình của Công ty, là do việc thực hiện chuyển nhượng khoản đầu tư vào công ty con là Công ty TNHH Hai Dung (chủ đầu tư của Six Senses
Latitude Sài Gòn River) và chuyển nhượng công nợ phải thu về cho vay với Công ty cổ phần Du lịch Tân Phú (chủ đầu tư của Dự án Emeralda Ninh Bình), khiến Công ty phát sinh hai khoản lỗ lần lượt là 226 tỷ đồng và 246 tỷ đồng.

Tại kỳ Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2019 diễn ra hồi tháng 4/2019, nhóm cổ đông mới sở hữu 29,6% cổ phần Ninh Vân Bay vào thời điểm đó đã chất vấn Ban lãnh đạo Công ty về khoản lỗ này. Cùng với đó là về các khoản vay của Công ty Tân Phú và Công ty Hai Dung lên tới hơn 500 tỷ đồng và yêu cầu làm rõ việc bán khoản vay tại 2 đơn vị có liên quan trên, là nguyên nhân chính gây nên khoản lỗ nặng của Công ty trong năm 2017, qua đó buộc phải bán rẻ các dự án lớn.

Ngoài ra, cũng tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2019, giữa nhóm cổ đông mới và ban lãnh đạo Ninh Vân Bay đã có những phản pháo nhau liên quan đến 2 dự án mà ông Hoàng Anh Dũng, Tổng giám đốc Ninh Vân Bay đang có quyền quyết định và Ninh Vân Bay đang xem xét việc thoái vốn khỏi đây là Công ty cổ phần Du lịch Hồng Hải (chủ đầu tư dự án "ăn nên làm ra" duy nhất của Ninh Vân Bay là Six Sense Ninh Vân Bay) và Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp (chủ đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái Cồn Bắp).

Theo đó, thay mặt cho nhóm cổ đông mới, ông Nguyễn Hoàng Giang đã yêu cầu bổ sung vào chương trình họp Đại hội nội dung yêu cầu người đại diện phần vốn của Ninh Vân Bay tại Công ty cổ phần Du lịch Hồng Hải là ông Hoàng Anh Dũng không được biểu quyết thông qua bất kỳ vấn đề nào làm ảnh hưởng hoặc có khả năng làm ảnh hưởng đến số lượng và tỷ lệ sở hữu cổ phần Ninh Vân Bay tại công ty này.

Đồng thời, cử mới hoặc cử bổ sung ít nhất một người đại diện của nhóm cổ đông lớn là ông Nguyễn Hoàng Giang làm người đại diện quản lý phần vốn góp của Ninh Vân Bay tại Công ty Hồng Hải và tham gia vào HĐQT của Công ty Hồng Hải để bảo đảm giám sát việc thực hiện các Nghị quyết đã được ĐHCĐ của Ninh Vân Bay thông qua.

Tuy nhiên, ông Hoàng Anh Dũng, với vai trò là thành viên đoàn chủ tịch Đại hội lấy lý do quá trình thực hiện phức tạp, nên đã ủy quyền cho 1 người đại diện và người đại diện chỉ được phép biểu quyết các nội dung tại ĐHCĐ của Công ty Hồng Hải trên cơ sở cơ quan có thẩm quyền của Ninh Vân Bay đồng ý, nên đã phủ quyết nội dung thứ 2 về cử thêm thành viên. Thay vào đó, chấp thuận đề xuất thứ nhất và đưa vào ĐHCĐ của Công ty nội dung "luôn" duy trì tỷ lệ sở hữu của Ninh Vân Bay tại Công ty Hồng Hải ở mức tối thiểu là 51%.

Với Công ty TNHH Sinh thái Cồn Bắp (Quảng Nam), nhóm cổ đông mới chất vấn HĐQT Ninh Vân Bay dựa vào cơ sở nào, định giá bán thế nào, thuê đơn vị định giá độc lập không, cụ thể là ai để chuyển nhượng phần vốn góp ở đây và liệu lịch sử bán khoản nợ tại Tân Phú, Hai Dung có lặp lại?

Theo Báo cáo tài chính quý II/2019 của Ninh Vân Bay, Công ty đã ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp tại đơn vị liên kết là Công ty TNHH Du lịch Sinh thái Cồn Bắp cho một cá nhân là ông Đỗ Anh Tuấn vào tháng 11/2018 và nhận khoản ứng trước 40 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo tài chính quý II/2019, trong nửa đầu năm nay, Ninh Vân Bay ghi nhận doanh thu thuần 151 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế cũng cải thiện rõ rệt từ 22 tỷ đồng lên 28 tỷ đồng. Mặc dù vậy, tính đến thời điểm 30/6, doanh nghiệp này vẫn đang “ôm” khoản lỗ lũy kế lên tới 679 tỷ đồng.

Cuộc chiến đến hồi kết?

Cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát và điều hành tại Ninh Vân Bay dường như đã đến hồi kết khi ngày 2/10/2019 vừa qua, HĐQT Ninh Vân Bay đã thông qua Nghị quyết triệu tập ĐHCĐ bất thường lần thứ nhất năm 2019. Trong 6 nội dung chính được đưa ra đại hội lần này, đáng chú ý có nội dung miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Trước đó, ngày 30/9/2019, Ninh Vân Bay cũng đã công bố quyết định của HĐQT về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với bà Ngô Thị Thanh Hải từ ngày 28/9/2019, thay thế vị trí của bà Hải là ông Phạm Thành Thái Lĩnh.

Không chỉ xáo trộn vị trí Chủ tịch HĐQT, Ninh Vân Bay còn thay dàn nhân sự cấp cao, gồm các vị trí Giám đốc Chiến lược và Kinh doanh, Giám đốc Quản lý và Vận hành, Kế toán trưởng. Cụ thể, bà Nguyễn Thúy Liên bị miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng kể từ ngày 28/9, thay thế vị trí này là ông Đào Minh Tuấn.

Bắt đầu từ 1/10, ông Lê Xuân Hải, thành viên HĐQT Công ty không còn là Giám đốc Chiến lược và Kinh doanh của Ninh Vân Bay. Tương tự, bà Lê Thị Thu Hà, Phó chủ tịch HĐQT Ninh Vân Bay cũng không còn giữ chức vụ Giám đốc Quản lý và Vận hành dự án của Công ty.

Việc thay thế dàn lãnh đạo chủ chốt gây bất ngờ với các cổ đông và nhà đầu tư, bởi chỉ cách đó gần 3 tháng, ngày 4/7/2019, bà Ngô Thị Thanh Hải mới được bầu giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Ninh Vân Bay thay thế ông Lê Xuân Hải.

Điều này làm dấy lên những nghi ngờ về việc có tranh chấp nội bộ xung quanh nhóm cổ đông mới và ban lãnh đạo cũ của Ninh Vân Bay, nhất là khi những người bị thay thế đều là những cán bộ đã có nhiều năm công tác và đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng.

Nghi ngờ này không phải là không có cơ sở, bởi chỉ trước đó hơn chục ngày, ngay sau khi Recapital Investment Pte. Ltd, cổ đông lớn nhất của Ninh Vân Bay, sở hữu gần 32,5 triệu cổ phiếu NVT (chiếm tỷ lệ 35,87%), đăng ký bán ra 21,72 triệu cổ phiếu NVT từ ngày 16/9 đến 15/10, thì ngay lập tức, ông Hoàng Anh Dũng, Tổng giám đốc Ninh Vân Bay và là chồng bà Lê Thị Thu Hà, đã thông báo muốn mua vào 25 triệu cổ phiếu NVT từ ngày 18/9 đến 17/10.

Tuy nhiên, diễn biến kịch tính đã xảy ra khi một ngày sau thời điểm bắt đầu đăng ký bán ra của Recapital Investment và trước 1 ngày bắt đầu thời gian mua vào của ông Dũng, đã có một giao dịch thỏa thuận 21,72 triệu cổ phiếu NVT (đúng bằng lượng cổ phiếu mà quỹ ngoại trên đăng ký bán) trong phiên 17/9 với giá trị 217,2 tỷ đồng.

Theo công bố thông tin sau đó, người mua số lượng cổ phiếu này là ông Phạm Quốc Khánh, qua đó ông này trở thành cổ đông lớn của NVT với tỷ lệ sở hữu 24% (trước đó ông Khánh chưa sở hữu cổ phiếu NVT nào). Chưa có công bố ai là bên bán ra lượng cổ phiếu này, nhưng theo dữ liệu từ HOSE, bên bán ra là nhà đầu tư nước ngoài, nên nhiều khả năng đây là Recapital Investment.

Dù thông tin về ông Phạm Quốc Khánh khá ít ỏi, nhưng theo những thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản nắm được, ông Khánh có liên quan khá mật thiết với nhóm cổ đông mới đã phế truất dàn lãnh đạo cũ của Ninh Vân Bay. Nếu đúng như vậy, thì gần như cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát tại Ninh Vân Bay đã đến hồi kết, khi lượng sở hữu của nhóm cổ đông mới đã lên tới khoảng 51%.       

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan