Ninh Thuận: Xây dựng vùng kinh tế phía Nam thành Khu kinh tế ven biển của cả nước

0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Ninh Thuận sẽ phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành Khu kinh tế ven biển của cả nước; đưa Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm trở thành đô thị loại I sau năm 2030.
Năng lượng tái tạo đã tạo động lực phát triển cho Ninh Thuận.

Năng lượng tái tạo đã tạo động lực phát triển cho Ninh Thuận.

Ngày 23/3, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Hội thảo “Ninh Thuận - 30 năm một chặng đường đổi mới và phát triển”.

Sau 30 năm tái lập, đến nay tỉnh Ninh Thuận đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng bình quân 30 năm qua của Ninh Thuận là 8,14%/năm; tổng sản phẩm nội tỉnh năm 2021 tăng gấp 69,6 lần so năm 1992; thu ngân sách duy trì ở mức tăng cao, tăng từ 33,3 tỷ đồng năm 1992 lên 4.343 tỷ đồng vào năm 2021, tăng trên 130 lần, bình quân tăng 19%/năm.

Đặc biệt, 3 năm gần đây mặc dù đối diện với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-9 nhưng tốc độ tăng trưởng GRDP của Ninh Thuận thuộc nhóm đứng đầu cả nước. Đến cuối năm 2021, GRDP bình quân đầu người đạt 68,4 triệu đồng/người bằng 88,5% trung bình cả nước. Các khâu đột phá về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch từng bước được phát huy.

Năng lượng tái tạo đã tạo động lực bứt phá cho Ninh Thuận. Đến cuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 49 dự án năng lượng với tổng công suất 3.055,6 MW hòa lưới điện Quốc gia. Trong đó có 11 dự án điện gió với tổng công suất 666,75MW; 32 dự án điện mặt trời/2.256,85MW và 06 dự án thủy điện/131,95MW. Các dự án trên hòa lưới tạo ra sản lượng điện trong năm 2021 đạt 6.285 triệu Kwh, tạo ra giá trị gia tăng 3.614 tỷ đồng tăng 59,8%, đóng góp 6,84% tăng trưởng 6,84% GRDP của tỉnh năm 2021.

Vốn đầu tư rót vào Ninh Thuận cũng tăng cao qua từng năm. Năm 1994 toàn tỉnh chỉ có 1 dự án FDI với tổng vốn 24,5 tỷ đồng; thì nay đã thu hút được 35 dự án FDI, với số vốn đăng ký 26.509 tỷ đồng và 396 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 161.108 tỷ đồng, trong đó có 307 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm tỷ lệ 71,2%, đóng góp tích cực cho tăng trưởng.

Năm 1992, tỉnh Ninh Thuận chỉ có 3 doanh nghiệp, vốn đăng ký hơn 9 tỷ đồng, thì đến nay đã có 3.853 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 79.000 tỷ đồng, tăng 8.777 lần về vốn đăng ký, trong đó đã hình thành một số doanh nghiệp có quy mô vốn trên 1.000 tỷ đồng... Kinh tế biển của tỉnh Ninh Thuận cũng có những chuyển biến quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế biển 5 năm gần đây đạt 18,6%/năm; tỷ trọng đóng góp kinh tế biển vào GRDP của tỉnh tăng từ 27% vào năm 2015 lên 38,8% năm 2020; kết cấu hạ tầng vùng biển và ven biển cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển; việc hoàn thành đưa vào sử dụng tuyến đường ven biển dài 105,8 km, góp phần khai thác tốt hơn các tiềm năng lợi thế của biển và vùng ven biển...

Ông Trần Quốc Nam phát biểu tại Hội thảo “Ninh Thuận - 30 năm một chặng đường đổi mới và phát triển”.

Ông Trần Quốc Nam phát biểu tại Hội thảo “Ninh Thuận - 30 năm một chặng đường đổi mới và phát triển”.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ông Trần Quốc Nam khẳng định, trong bối cảnh khó khăn, những thành tựu đạt được sau 30 năm tái lập tỉnh là rất đáng tự hào, tạo nền tảng cho sự phát triển của Ninh Thuận trong chặng đường mới.

Theo ông Trần Quốc Nam, để giữ vững nhịp tăng trưởng, tỉnh Ninh Thuận sẽ nâng cao nhận thức và khát vọng xây dựng quê hương. Với tầm nhìn chiến lược giai đoạn mới là “Ninh Thuận - Vùng đất hội tụ những giá trị khác biệt”, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đặc biệt, Ninh Thuận sẽ tập trung phát triển các vùng kinh tế động lực như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành Khu kinh tế ven biển của cả nước; xây dựng Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm là đô thị thông minh, phấn đấu trở thành đô thị loại I sau năm 2030.

Tỉnh Ninh Thuận sẽ chú trọng phát triển kinh tế biển.

Tỉnh Ninh Thuận sẽ chú trọng phát triển kinh tế biển.

Theo Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận, địa phương sẽ tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu về kinh tế - xã hội theo hướng liên thông kết nối. Ninh Thuận ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, cảng biển, thủy lợi, đô thị, khu cụm công nghiệp, truyền tải điện; trong đó tập trung đầu tư hoàn thành Đường nối từ cao tốc Bắc Nam với Quốc lộ 1 và Cảng biển tổng hợp Cà Ná, Hệ thống kết nối, liên thông các hồ chứa, Cảng tổng hợp Cà Ná, Dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná, Dự án Cảng cạn và Trung tâm dịch vụ Logistics, lấp đầy các Khu, cụm công nghiệp...

“Với khát vọng vươn lên của con người Ninh Thuận, tôi tin tưởng Ninh Thuận sẽ nắm bắt tốt nhất mọi cơ hội để chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, trên nền tảng những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Thuận đã vun đắp trong bao thế hệ qua”, ông Trần Quốc Nam phát biểu.

Tin bài liên quan