Ninh Thuận khai mạc Lễ hội Nho - Vang 2023 và đón bằng ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm

0:00 / 0:00
0:00
Ninh Thuận vinh dự đón Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” và khai mạc lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận 2023.
Lãnh đạo 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đại diện nhận bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Lãnh đạo 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đại diện nhận bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Tối qua 15/6, tại quảng trường 16 Tháng 4, TP.Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp" và khai mạc Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023.

Đến dự và chia vui cùng nhân dân tỉnh Ninh Thuận có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ ngành T.Ư; nhiều vị khách quý quốc tế; đại diện nhiều tỉnh, thành, cùng hàng chục ngàn người dân địa phương, du khách trong và ngoài nước.

Phát biểu tại đêm khai mạc, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ niềm vui và niềm tự hào trong sự kiện đón Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp" và khai mạc Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023.

“Tôi xin được thay mặt Đảng và Nhà nước xin chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và cộng đồng người Chăm nhiều năm qua đã bền bỉ, kiên trì, tâm huyết cùng nhau gìn giữ, bồi đắp, trao truyền và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm của người Chăm", Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chúc mừng và tự hào khi nghệ thuật làm gốm của người Chăm, nghề thủ công truyền thống đầu tiên, trở thành di sản thứ 15 của Việt Nam được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Đây là niềm tự hào của đồng bào Chăm và của cả cộng đồng 54 dân tộc anh em trên "Dải đất hình chữ S" tươi đẹp.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện nay, người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận còn duy trì nghề thủ công làm gốm truyền thống tại làng gốm Bàu Trúc, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) và làng gốm Bình Đức, huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận). Nghề làm gốm của người Chăm không chỉ đơn thuần là kỹ thuật sản xuất, tạo ra sản phẩm cụ thể mà ở đó hội tụ, chứa đựng rất nhiều bí quyết, kỹ năng, kinh nghiệm được trao truyền từ đời này qua đời khác.

Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014 và trở thành lễ hội truyền thống của tỉnh Ninh Thuận, được tổ chức 2 năm một lần nhằm mục đích tôn vinh người trồng nho và giá trị cây nho, sản phẩm từ nho; đồng thời cũng là dịp để quảng bá hình ảnh, quê hương, con người Ninh Thuận, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển gắn với văn hóa, du lịch, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào Ninh Thuận.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, cho biết Ninh Thuận là một địa phương có diện tích trồng cây nho lớn nhất nước với tổng diện tích hơn 1.200 ha, khoảng 213 giống nho các loại và đã đưa ra trồng đại trà. Nhiều giống nho mới có mẫu mã đẹp, năng suất cao, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân và có khả năng cạnh tranh với nho nhập ngoại. Bình quân mỗi năm, nông dân Ninh Thuận cung cấp khoảng 30.000 tấn nho tươi các loại cho thị trường.

Cây nho gắn liền với thương hiệu tỉnh Ninh Thuận, người trồng nho đang ngày một đổi mới và nhân rộng phương thức thâm canh và chăm bón, chế biến sảm phẩm, để phát triển Nho như một sản phẩm đặc thù, mang hiệu quả kinh tế cao cho địa phương.
Cây nho gắn liền với thương hiệu tỉnh Ninh Thuận, người trồng nho đang ngày một đổi mới và nhân rộng phương thức thâm canh và chăm bón, chế biến sảm phẩm, để phát triển Nho như một sản phẩm đặc thù, mang hiệu quả kinh tế cao cho địa phương.

"Những năm gần đây, cây nho Ninh Thuận có sự khác biệt rõ ràng, nông dân sản xuất theo VietGAP, hữu cơ đã nâng cao chất lượng sản phẩm được người tiêu dùng tin dùng. Cây nho không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho nông dân mà còn là điểm nhấn để thu hút du khách khi đến Ninh Thuận", ông Cương cho biết thêm.

Trong thời gian tổ chức, Lễ hội sẽ diễn ra chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch sôi nổi mang thế mạnh đặc trưng khác biệt của Ninh Thuận với 12 hoạt động, tiêu biểu như: Hội chợ Công thương Khu vực Nam Trung Bộ - Ninh Thuận 2023; Lễ hội Ẩm thực; Chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố; Chương trình khai mạc Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023 và đón nhận Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp”; Hội thảo phát triển giá trị cây nho và sản phẩm từ nho; Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”... Ngoài ra, nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn đồng thời diễn ra tại nhiều huyện, thành phố trong tỉnh.

Tin bài liên quan