Định hướng của Ninh Thuận là xây dựng ngành du lịch có tính cạnh tranh cao, có chất lượng và đa dạng về sản phẩm... Ảnh: Nguyễn Lương Sơn
Thu hút đầu tư chưa xứng tầm
Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, Ninh Thuận có lợi thế phát triển dựa trên thuận lợi về vị trí và được ví như là tâm điểm của 3 vùng kinh tế trọng điểm là Vùng kinh tế phía Nam, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Yếu tố này kết hợp với việc sở hữu tiềm năng phát triển về năng lượng, tài nguyên khoáng sản, du lịch, nông nghiệp..., trong tương lai, Ninh Thuận sẽ trở thành điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư Việt Nam nếu địa phương tận dụng tốt lợi thế này.
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, chính quyền địa phương đã sớm nhìn nhận được những lợi thế này và trong những năm qua, đã có nhiều chương trình phát triển mang tính chiến lược thông qua việc tận dụng nguồn lực của tỉnh, cũng như huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Theo ông Vĩnh, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đã phát triển khá và ổn định, tốc độ tăng trưởng (GDP) bình quân giai đoạn 2010 - 2014 đạt 10,9%/năm, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực, các vấn đề an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao.
Tuy nhiên, ông Vĩnh cũng thừa nhận rằng, thời gian qua, Ninh Thuận vẫn gặp nhiều khó khăn trong thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Tổng vốn đầu tư xã hội vào tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của địa phương. Đây chính là điều mà tỉnh luôn trăn trở và xác định cần xây dựng lại hướng đi mới trong xúc tiến đầu tư thông qua việc mời gọi các dự án phù hợp với lợi thế phát triển của Ninh Thuận để tạo động lực phát triển.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận, tính đến hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 293 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và chấp thuận địa điểm, với tổng vốn đăng ký 95.016,8 tỷ đồng. Trong đó, có 255 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư (chiếm 87% số dự án), vốn đăng ký 55.579 tỷ đồng (chiếm 59% tổng vốn dự án).
Trong số các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư có 125 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng với tổng vốn đăng ký 42.695,5 tỷ đồng; 96 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ với tổng vốn đăng ký 10.857,8 tỷ đồng và 34 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư 2.025,6 tỷ đồng.
Nếu xét về con số, cũng như tốc độ tăng trưởng, mặc dù Ninh Thuận luôn duy trì sự phát triển ổn định, nhưng vẫn chưa có tính bứt phá, điều cần thiết để tạo bệ phóng đủ lực để kích hoạt tiềm năng phát triển của địa phương này.
Ông Lưu Xuân Vĩnh cho rằng, tỉnh Ninh Thuận cần có tư duy và chiến lược mới, từ đó tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới, đưa địa phương phát triển với tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững. Để hiện thực hóa được chiến lược đó, điều cần thiết hiện này là xây dựng Ninh Thuận trở thành “Điểm đến của Việt Nam trong tương lai”.
Theo ông Vĩnh, để hiện thực hóa được mục tiêu trên, cần phải định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, cũng như định hướng kêu gọi đầu tư của địa phương. Qua đó, giới thiệu đến các nhà đầu tư những định hướng mới, tầm nhìn mới. Cụ thể hơn, Ninh Thuận cần ban hành các chủ trương, chính sách ưu đãi đầu tư, tuyên truyền giới thiệu tiềm năng và lợi thế phát triển, cũng như công khai thông tin về các dự án kêu gọi đầu tư trọng điểm của tỉnh, qua đó tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tìm kiếm các cơ hội đầu tư.
“Tỉnh Ninh Thuận tin rằng, khi chúng tôi xây dựng tốt lộ trình tiếp cận thông tin đa chiều, cũng như tạo niềm tin vững chắc với các nhà đầu tư thông qua chính sách vĩ mô hữu hiệu, mang lại tiện ích cho các nhà đầu tư, thì trong tương lai gần, Ninh Thuận sẽ có những thay đổi tích cực về hiệu quả các dòng vốn đầu tư”, ông Vĩnh khẳng định.
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, cơ chế chính sách đầu tư hiện nay phần lớn đều nằm trong khung luật định, vấn đề quan trọng nhất là cách vận dụng của từng địa phương sao cho phù hợp với điều kiện phát triển. Quan trọng hơn, với điều kiện phát triển của nhiều địa phương Vùng Duyên hải miền Trung như Ninh Thuận đều có nhiều điểm tương đồng, muốn phát huy được lợi thế, các địa phương cần xây dựng cách tiếp cận nhà đầu tư dựa trên thế mạnh riêng biệt của địa phương thì mới tối ưu được hiệu quả thu hút đầu tư.
Xây dựng hướng đi mới để phát triển
Tư duy và chiến lược mới sẽ được lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cụ thể hóa thông qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận diễn ra tại TP.HCM vào ngày 25/3 tới. Có thể, việc tổ chức một hội nghị xúc tiến không có gì lạ đối với các nhà đầu tư nếu xét về tên gọi, nhưng với Ninh Thuận, sự kiện này được đánh giá là bước khởi đầu cho một chiến lược mới trong thu hút đầu tư vào địa phương.
Ông Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết, đây sẽ là một sự kiện quan trọng của tỉnh, bước khởi đầu có ý nghĩa để tiếp tục triển khai thành công các nội dung trong chương trình hợp tác giữa Ninh Thuận và TP.HCM đến năm 2020 đã được lãnh đạo hai địa phương ký kết cuối năm 2014. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư TP.HCM có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận.
Theo đó, tỉnh Ninh Thuận ưu tiên các dự án đầu tư vào các cụm ngành kinh tế trụ cột, là lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh với khoảng 70 dự án tiềm năng kêu gọi đầu tư.
Cụ thể, ở lĩnh vực năng lượng, mục tiêu của tỉnh là trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước (gồm điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời), phấn đấu đến năm 2020, giải quyết 5-8% nhu cầu năng lượng quốc gia. Trọng tâm là đầu tư xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân với công suất mỗi nhà máy 4.000 MW; phát triển các nhà máy điện gió ở các vùng tiềm năng gió theo quy hoạch, với quy mô 1.500 - 2.000 MW; phát triển loại hình thủy điện tích năng với quy mô 1.200 MW.
Với du lịch, một trong những lĩnh vực thế mạnh của Ninh Thuận với các sản phẩm nổi trội như du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa... Định hướng của địa phương là xây dựng ngành du lịch có tính cạnh tranh cao, có chất lượng và đa dạng về sản phẩm... Tất cả hướng đến mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành một điểm đến nổi bật trong mạng lưới du lịch cả nước và khu vực.
Tại hội nghị lần này, Ninh Thuận sẽ công bố 11 dự án du lịch trọng điểm đến các nhà đầu tư. Phần lớn các dự án này được quy hoạch dựa trên những lợi thế đặc biệt của địa phương. Điều này thể hiện rõ sự quyết tâm của địa phương trong việc đưa du lịch trở thành một nền kinh tế mũi nhọn của Ninh Thuận trong tương lai gần.
Lợi thế phát triển du lịch Ninh Thuận cũng được TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Trưởng nhóm tư vấn Vùng Duyên hải miền Trung khẳng định tại Hội thảo Phát triển kinh tế Ninh Thuận gần đây. TS. Trần Du Lịch lựa chọn du lịch là một trong 3 nhóm ngành mũi nhọn để kinh tế Ninh Thuận phát triển mang tính đột phá và ông gợi ý rằng, Ninh Thuận cần khai thác thế mạnh, cũng như tạo điểm nhấn về du lịch trên cơ sở gắn kết với ba địa phương có ngành du lịch phát triển là Khánh Hòa, Bình Thuận và Lâm Đồng.
Chưa kể, trước đó, tại Hội nghị Phát triển du lịch miền Trung, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, du lịch miền Trung cần tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, ưu tiên du lịch biển đảo, sau đó mới đến du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch MICE (du lịch kết hợp với hội thảo, tổ chức sự kiện).
Xét trên khía cạnh này, Ninh Thuận đang sở hữu sự đa dạng về các sản phẩm du lịch kết hợp với lợi thế về địa lý, thì định hướng phát triển du lịch mang tính đặc thù, nhưng không tách rời sự liên kết sẽ là hướng đi tốt nhất mà Ninh Thuận cần hướng đến. Trên cơ sở đó, sẽ quy hoạch những dự án du lịch mang tính khả thi cao để thu hút nhà đầu tư có tiềm lực đổ vốn vào lĩnh vực này trong thời gian tới.
Bên cạnh hai lĩnh vực nổi bật trên, Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận cũng tập trung mời gọi các dự án đầu tư trong lĩnh vực quan trọng của địa phương, như nông nghiệp, thủy sản, đào tạo nguồn nhân lực, công nghiệp, hạ tầng và đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.
Mặc dù hội nghị lần này được đánh giá là bước khởi đầu cho sự đổi mới về tư duy lẫn chiến lược, nhưng có thể nhìn nhận đã có sự thay đổi tích cực trong việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư xã hội của Ninh Thuận.
Đáng chú ý, việc lựa chọn nhóm ngành mũi nhọn của địa phương để tạo lợi thế, cũng như chọn TP.HCM, nơi tập trung phần lớn các nhà đầu tư lớn, tổ chức hội nghị được cho là giải pháp tối ưu trong cách tiếp cận các nhà đầu tư tiềm lực của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận. Với những tích cực đó, kỳ vọng hội nghị sắp tới sẽ là bước ngoặt quan trọng, mở ra cánh cửa mới để đón các dòng vốn đầu tư đổ vào Ninh Thuận.