UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có văn bản cho biết đang thực hiện chủ trương “lấy doanh nghiệp làm trung tâm, chuyển từ tinh thần giải quyết sang tinh thần phục vụ”, cùng với phương châm “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, đồng thời nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng điều hành nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 và các năm tiếp theo đảm bảo tính ổn định và bền vững.
Để thực hiện chủ trương trên, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường sự tương tác của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp để chủ động trao đổi, nắm bắt tình hình hoạt động, các vấn đề khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời cũng như lắng nghe, hiến kế thu hút đầu tư tại tỉnh.
UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh bố trí 1 Phó Chánh Văn phòng và 1 chuyên viên có nhiệm vụ tiếp nhận các kiến nghị, ý kiến góp ý của doanh nghiệp với nhiều hình thức, như: qua điện thoại, qua thư điện tử, qua zalo hoặc gặp trực tiếp,...; đồng thời chuyển ngay kiến nghị đến các sở, ban, ngành, địa phương giải quyết bằng nhiều hình thức, không nhất thiết bằng văn bản hành chính (chuyển ngay trong ngày).
Ông Nam lưu ý, thông tin rộng rãi đến doanh nghiệp các hình thức tiếp nhận kiến nghị, khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất cần tỉnh hỗ trợ, xem xét, giải quyết.
Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận chịu trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương để nắm thông tin kết quả tình hình giải quyết các kiến nghị; báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết, tháo gỡ vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp; hàng tuần, báo cáo nhanh các kiến nghị của doanh nghiệp (nếu có) tại cuộc họp hội ý Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh (vào sáng thứ 2).
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố cử cán bộ thường trực, đại diện cơ quan trong việc phối hợp giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, thành phần là lãnh đạo của đơn vị; gửi thông tin về Văn phòng UBND tỉnh để thuận tiện trong công tác phối hợp.
Theo yêu cầu của ông Nam, việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp phải kịp thời, nhanh chóng, nội dung phải đảm bảo chất lượng, rõ ràng; linh hoạt trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; không để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương.
Bên cạnh đó, việc tham mưu UBND tỉnh xử lý, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trên tinh thần nhanh chóng, dứt điểm, không để kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau khi nhận thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh chuyển đến.
Ông Nam đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) một cách công tâm, khách quan và có trách nhiệm.
“Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết liệt trong triển khai thực hiện kết nối, hỗ trợ, sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệptrong tiến trình phát triển của doanh nghiệp cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong thời gian tới. Đây là nhiệm vụ quan trọng để đánh giá công tác thi đua - khen thưởng hàng năm của các cơ quan, đơn vị”, ông Nam chỉ đạo.