Ninh Thuận đề xuất đứng ra đầu tư PPP Cảng hàng không Thành Sơn

0:00 / 0:00
0:00
Cảng hàng không Thành Sơn là một trong 2 sân bay quân sự vừa được bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai đầu tư Cảng hàng không Thành Sơn theo hình thức PPP.

Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ngày 7/6/2023, Thủ tướng có Quyết định số 648/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (trong đó có Cảng hàng không Thành Sơn, tỉnh Ninh Thuận). UBND tỉnh Ninh Thuận xác định việc được bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Thành Sơn vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ giúp Ninh Thuận hoàn chỉnh đầy đủ 5 phương thức vận tải (hiện địa phương đã có các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy nội địa).

Đặc biệt, Cảng hàng không Thành Sơn khi được khai thác dân dụng sẽ giúp tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, mở ra động lực tăng trưởng mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh cho địa phương.

Chủ tịch UBND tinh Ninh Thuận cho biết, hiện nay UBND tỉnh đang chỉ đạo triển khai đẩy nhanh việc xây dựng Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Thành Sơn song song với việc hoàn thành quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Thành Sơn với lộ trình mong muốn sẽ sớm đưa vào khai thác hàng không dân dụng tại Cảng hàng không Thành Sơn trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025.

“Nhằm tạo điều kiện cho tỉnh Ninh Thuận trong việc kêu gọi đầu tư Cảng hàng không Thành Sơn, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị Thủ tướng đồng ý giao UBND tỉnh Ninh Thuận là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai đầu tư Cảng hàng không Thành Sơn”, văn bản của UBND tỉnh Ninh Thuận nêu rõ.

Sân bay Thành Sơn là sân bay quân sự cấp 1, nằm ở TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Về kích thước hình học, cấu hình khu bay hiện tại của sân bay Thành Sơn có thể đáp ứng khai thác các loại tàu bay code E (như A350, B777, B787). Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ) được xây dựng từ lâu (giai đoạn những năm 1960), hiện đã xuống cấp nên cần khảo sát, tính toán để đánh giá việc cải tạo, nâng cấp bảo đảm khai thác an toàn cho máy bay hàng không dân dụng.

Đối với khu hàng không dân dụng và hạ tầng đồng bộ tại sân bay Thành Sơn cũng cần được nghiên cứu, đầu tư bảo đảm các công trình thiết yếu (nhà ga hành khách; hệ thống cung cấp và bảo trì điện, cấp thoát nước; tập kết trang thiết bị mặt đất, khẩn nguy cứu hỏa…) tùy thuộc vào nhu cầu khai thác.

Hệ thống giao thông kết nối từ Quốc lộ 27 tới sân bay phần lớn di chuyển qua khu vực doanh trại quân đội, khó bảo đảm an ninh - an toàn, hiện trạng xuống cấp nên cần khảo sát, đánh giá chi tiết để cải tạo hoặc đầu tư xây dựng mới.

Bên cạnh đó, để có thể khai thác hàng không dân dụng cần thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng các công trình bảo đảm hoạt động bay (đài kiểm soát không lưu, thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị dẫn đường, thiết bị giám sát radar, thiết bị khí tượng...) với tổng chi phí ước tính khoảng 480 - 500 tỷ đồng (chưa bao gồm hệ thống thiết bị tiếp cận hạ cánh để có thể khai thác trong trường hợp thời tiết xấu và đèn tiếp cận đường cất hạ cánh, đường lăn để khai thác ban đêm).

Về quỹ đất và khả năng quy hoạch, khu vực phía Đông, Đông-Nam đường cất hạ cánh sân bay Thành Sơn có thể nghiên cứu bố trí quy hoạch khu hàng không dân dụng với các công trình đáp ứng công suất tối đa khoảng 5 triệu hành khách/năm.

Tin bài liên quan