Trước thực tế Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam vẫn mới chỉ xác định phần công suất thuộc quy mô 2.000 MW tại tỉnh Ninh Thuận được hưởng mức giá 9,35 UScent/kWh là khoảng 277,888 MW trong tổng số 450 MW của dự án, UBND tỉnh này đã đề nghị Bộ Công thương có những xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư.
Theo đó, đối với phần công suất còn lại của dự án hiện nay chưa xác định được bán điện cụ thể làm cơ sở thanh toán, dẫn đến gây khó khăn và áp lực rất lớn cho nhà đầu tư trong việc chi trả lãi vay cho ngân hàng theo phương án tài chính đã được phê duyệt.
Đồng thời trong thời gian chờ bàn giao trạm biến áp 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân với giá 0 đồng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo văn bản số 517/BCT-ĐL ngày 21/01/2021 của Bộ Công thương, trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV thuộc Dự án 450 MW vẫn tham gia hỗ trợ truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Như vậy, nhà đầu tư đang phải chịu chi phí truyền tải cho trạm biến áp 500 kV Thuận Nam nhưng vẫn đang bị cắt giảm công suất và có thời điểm cắt giảm hơn 80% công suất của nhà máy, tương tự như các nhà đầu tư khác trong cùng khu vực đang được hưởng lợi trên đường dây truyền tải 500 kV là một thiệt thòi lớn cho Dự án 450 MW và nhà đầu tư.
Để tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề nghị Bộ Công Thương quan tâm xem xét chỉ đạo các đơn vị liên quan không cắt giảm công suất, ưu tiên khai thác tối đa công suất Dự án 450 MW nhằm bù đắp các chi phí sản xuất kinh doanh như vấn đề bàn giao 0 đồng đường dây truyền tải cho EVN.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và triển khai đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời công suất 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia đưa vào vận hành trong năm 2020.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Công Thương tại văn bản số 517/BCT-ĐL ngày 21/01/2020, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo công khai, minh bạch, theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật đầu tư và các pháp luật hiện hành khác có liên quan.
Ngày 18/05/2020, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 156/QĐ-UBND cho Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam là nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW kết hợp đầu tư trạm biến áp 500 kV Thuận Nam, các đường dây 220 kV, 500 kV đấu nối vào hệ thống điện Quốc gia.
Tổng vốn đầu tư của Dự án là hơn 12.000 tỷ đồng, trong đó hạng mục Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối có giá trị đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, được nhà đầu tư tự thu xếp kinh phí đầu tư và mong muốn bàn giao cho EVN/EVNNPT quản lý, vận hành với mục tiêu giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.
Dự án đã hoàn thành vượt tiến độ và khánh thành vào tháng 10/2020. Hiện nay, dự án đã đi vào hoạt động thương mại gần 10 tháng, đồng thời đóng góp vai trò quan trọng trong việc giải tỏa công suất thông qua trạm biến áp 500kV và đường dây 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân.
Tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 37 Dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.543 MW, tổng vốn đăng ký 66.845 tỷ đồng. Theo dự kiến ban đầu, đến cuối năm 2020, tổng công suất đưa vào vận hành là 2.463,51 MW.
Thống kê của EVN vào ngày 1/1/2020, đã có 32 dự án hoặc phần dự án đã đi vào vận hành thương mại tại Ninh Thuận, với tổng công suất 2.216 MW.
Trong số vượt ngoài 2.000 MW có một phần của Dự án Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, Dự án Điện mặt trời Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 (100 MWp) và Thiên Tân 1.3 (50 MWp).
Để gỡ khó cho doanh nghiệp khi đã bỏ tiền đầu tư và hoàn thành dự án, Bộ Công thương đã chính thức đề nghị Chính phủ cho các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư sau ngày 23/11/2019, nhưng có COD trước ngày 1/1/2021 vẫn được hưởng mức giá 7,09 UScent/kWh như các dự án điện mặt trời khác được đưa vào vận hành trong năm 2020.