Ninh Thuận đã vận hành thương mại hơn 1.700 MW điện mặt trời

0:00 / 0:00
0:00
Nguồn tin của Báo Đầu tư - Baodautu.vn cho hay, tới nay đã có khoảng 1.730 MW điện mặt trời được công nhận đủ điều kiện vận hành thương mại (COD) tại tỉnh Ninh Thuận.
Ninh Thuận đã vận hành thương mại hơn 1.700 MW điện mặt trời

Ngày hôm qua, 29/9, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đã đóng điện thành công Trạm biến áp và đường dây 220kV, 500 kV tại tỉnh Ninh Thuận. Đây là đường dây truyền tải điện 500 kV đầu tiên do tư nhân đầu tư, xây dựng.

Đây là các hạng mục thuộc dự án Trạm biến áp và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW đã được Chính phủ cho phép tỉnh Ninh Thuận triển khai đầu tư theo hình thức đấu thầu chọn nhà đầu tư hồi cuối năm 2019.

Trạm biến áp có 2 máy biến áp 500 kV/900 MVA do SIEMENS thiết kế và sản xuất, công suất tổng 1.800 MVA. Đường dây truyền tải 500 kV, 220 kV dài hơn 17km kéo dài từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đến xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Dự án Trạm biến áp và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW có tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỉ đồng, được khởi công vào giữa tháng 5/2020, đến nay ngoài trạm biến áp và đường truyền tải đã hoàn tất, hạng mục nhà máy điện mặt trời công suất 450 MW cũng đã hoàn thành lắp đặt cũng như đang hoàn thiện các thử nghiệm kỹ thuật.

Cũng theo hợp đồng mua bán điện của Dự án này, chỉ khi nào Dự án được công nhận COD các hạng mục gồm đường dây và trạm biến áp 500 kV thì mới bắt đầu được tính mức giá mua điện tại thời điểm đó.

Nguồn tin của Báo Đầu tư - baodautu cũng cho hay, hơn 5g sáng nay, 30/9, việc thực hiện đóng điện mang tải máy biến áp A1 Thuận Nam đã được thực hiện. Hiện đã vận hành mang tải đầy đủ 2 máy biến áp và 2 đường dâyvà công tác đóng điện nghiệm thu vẫn đang được tiếp tục thực hiện.

Được biết, tính tới trước thời điểm Trạm biến áp và đường dây 220kV, 500 kV do Trung Nam Group đầu tư tiến hành các công tác đóng điện mang tải hôm 29/9 , tại tỉnh Ninh Thuận đã có khoảng 1.730 MW điện mặt trời đã được công nhận COD để hưởng mức giá 9,35 UScent/kWh.

Đối với Dự án Nhà máy điện mặt trời 450 MW Trung Nam - Thuận Nam kết hợp đầu tư Trạm biến áp và đường dây 500 kV, 220 kV mà Trung Nam Group trúng thầu phát triển hồi tháng cuối tháng 3/2020 sẽ chỉ được hưởng giá mua điện 9,35 UScent/kWh nếu hoàn thành xong toàn bộ các hạng mục của Dự án và nằm trong công suất tích luỹ không vượt quá 2.000 MW tại tỉnh Ninh Thuận.

Các dự án điện mặt trời khác tại tỉnh Ninh Thuận nằm ngoài công suất tích luỹ 2.000 MW nói trên và đáp ứng được yêu cầu của Quyết định 13/2020/QĐ-TTg (được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại của dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020) vẫn sẽ được hưởng giá mua điện là 7,09 UScent/kWh nếu được công nhận COD trước ngày 1/1/2021.

Cũng theo tính toán của các nhà đầu tư điện mặt trời, việc chênh lệch giá mua điện giữa 9,35 UScent/kWh với 7,09 UScent/kWh sẽ làm giảm doanh thu của dự án có quy mô công suất 50 MW khoảng 50 tỷ đồng/năm.

Tin bài liên quan