Chi phí vốn của ngân hàng có độ trễ so với diễn biến của lãi suất huy động

Chi phí vốn của ngân hàng có độ trễ so với diễn biến của lãi suất huy động

NIM ngân hàng giữ đà tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đi lên và lãi suất cho vay phải giảm theo yêu cầu của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, biên lãi thuần (NIM) của các nhà băng vẫn được cải thiện.

Lãi suất huy động tăng, cho vay chịu áp lực giảm

Sau khi chạm đáy vào đầu năm nay, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã tăng trở lại từ quý II/2024. Hiện lãi suất huy động ở một số ngân hàng đã vượt mốc 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên. Còn với kỳ hạn từ 6 - 12 tháng, lãi suất huy động dao động từ 4 - 5%/năm, dưới 6 tháng từ 2 - 4%/năm. Lãi suất huy động VND từ các ngân hàng đã tăng khoảng 0,5 - 1%/năm cho các kỳ hạn khác nhau.

Lãi suất giao dịch trên thị trường liên ngân hàng cũng tăng từ đầu quý II. Các mức lãi suất can thiệp thị trường từ cơ quan quản lý như lãi suất thị trường mở (OMO), lãi suất phát hành tín phiếu cũng được điều chỉnh cao hơn.

Theo giới chuyên gia, một trong những yếu tố thúc đẩy lãi suất tiết kiệm đi lên là tín dụng đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tăng trưởng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đạt khoảng 6%. Trong khi đó, tổng tiền gửi tại 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính (bao gồm 27 ngân hàng niêm yết và BaoViet Bank, Agribank) đạt gần 12,2 triệu tỷ đồng, tăng 4% (473.000 tỷ đồng) so với cuối năm ngoái.

Dự báo được Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng thêm khoảng 0,5 - 1%/năm trong các tháng cuối năm, nhưng sẽ khó xảy ra một cuộc chạy đua lãi suất tiền gửi của toàn thị trường. Thực tế, mặt bằng lãi suất tiết kiệm liên tục tăng trong thời gian qua nhưng vẫn ở vùng thấp của nhiều năm trở lại đây.

Tại cuộc họp chiều 5/8/2024 giữa Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ, NHNN cho hay, từ đầu năm, cơ quan này đã có các giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất - kinh doanh, kiểm soát lạm phát và an toàn hoạt động hệ thống tín dụng. Đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96%/năm so cuối năm 2023; lãi suất tiền gửi bình quân là 3,59%/năm. Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi từ cuối tháng 3/2024 và tăng dần qua các tháng, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm ngoái, đạt 6% tính đến hết quý II/2024. Đến cuối tháng 7, dư nợ tín dụng đạt gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 5,66% so với cuối năm ngoái.

Theo NHNN, sở dĩ tín dụng nền kinh tế cải thiện tích cực trong quý II do cơ quan này tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp; điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu chính sách tiền tệ. Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm thêm 1 - 2%/năm lãi suất cho vay.

NIM vẫn giữ đà tăng

Tuy chi phí đầu vào tăng trong bối cảnh lãi suất cho vay khó tăng theo, song NIM (biên lãi thuần) của ngân hàng vẫn cải thiện trong nửa đầu năm.

Đơn cử, tại Techcombank, trong 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập lãi thuần (NII) đạt 18.000 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng 40,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý II/2024, NII của Ngân hàng đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 11,5% so với quý trước (tương đương mức tăng 50,6% so với cùng kỳ năm 2023). Kết quả này được dẫn dắt bởi tăng trưởng tín dụng lành mạnh và chi phí vốn tiếp tục giảm xuống mức 3,2%. Nhờ vậy, NIM theo quý của Techcombank cải thiện lên mức 4,6%.

Để có được mức NIM như vậy cũng một phần nhờ CASA của Techcombank tăng. Tỷ lệ CASA cuối quý II/2024 của nhà băng này đạt 37,4%, số dư CASA tiếp tục ở mức cao kỷ lục trong lịch sử. Tại thời điểm cuối quý II, tổng tài sản của Techcombank tăng 6,9% so với đầu năm và tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 908.300 tỷ đồng. Tính riêng Ngân hàng, tín dụng tăng trưởng 11,6% so với đầu năm, lên mức 591.600 tỷ đồng.

Tại MB, theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Giám đốc Tài chính, lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm đạt 13.428 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023, dù chi phí dự phòng tăng. Tín dụng của MB tăng ấn tượng, với mức tăng 9,4% và tăng đều ở các phân khúc. Về hiệu quả hoạt động, tuy NII của MB đi ngang so với cùng kỳ năm 2023 do nền lãi suất cho vay trong 6 tháng đầu năm 2024 thấp hơn tương đối so với cùng kỳ năm 2023 và MB đã chủ động triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất cho khách hàng theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước song thu ngoài lãi (NFI) tăng trưởng ấn tượng ở mức 48% so với cùng kỳ. Từ đó, tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng trưởng 11%, song song, chi phí được quản lý hiệu quả và tối ưu. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của MB nằm trong Top 4 của ngành.

MB tiếp tục duy trì tỷ lệ CASA dẫn đầu thị trường, ở mức 38,83%. Chính lợi thế này giúp Ngân hàng tiết kiệm chi phí vốn và tăng hiệu quả kinh doanh đáng kể. Chi phí trên thu nhập (CIR) riêng Ngân hàng ở mức xấp xỉ 27,4%, tiết kiệm chi phí huy động vốn (COF) xấp xỉ 3,22%.

Cũng theo bà Nga, lợi nhuận quý II/2024 của MB tăng trưởng khá tốt so với quý trước đó nhưng sang quý III/2024, Ngân hàng có kịch bản khá thận trọng. Bởi lẽ chi phí vốn đã bắt đầu tăng, dự kiến tăng nhẹ 0,1 - 0,15%/năm trong quý này; đồng thời, chi phí dự phòng cũng sẽ tăng cao hơn. Do vậy, lợi nhuận quý III/2024 của MB dự báo dao động tăng/giảm 6% so với kết quả quý II. Kịch bản lợi nhuận năm 2024 của MB giữ nguyên như đã trình đại hội đồng cổ đông thường niên, ở mức 28.800 tỷ đồng trước thuế.

Chủ tịch Hội đồng quản trị MB Lưu Trung Thái chia sẻ, 6 tháng cuối năm, MB kiên định với mục tiêu: giữ ổn định NIM, kiểm soát chặt chẽ chi phí vốn; kiểm soát chất lượng tín dụng ít nhất bằng 6 tháng đầu năm nay, kiểm soát nợ xấu hợp nhất không quá 1,7%, trích dự phòng 100% nợ xấu. Trên cơ sở nhu cầu tín dụng đang quay trở lại, dự kiến quy mô dư nợ của MB được cải thiện trong quý III/2024, quy mô thu phí và đặc biệt tốc độ thu hồi nợ xấu giữ được tốt, ông Thái kỳ vọng, Ngân hàng có thể đạt lợi nhuận trước thuế tối thiểu 28.800 tỷ đồng như mục tiêu đề ra, thậm chí cao hơn.

Trong văn bản giải trình về việc lợi nhuận sau thuế quý II/2024 tăng trên 644 tỷ đồng (tương đương tăng trên 15,5%) so với cùng kỳ năm ngoái, ACB cho biết, nguyên nhân chủ yếu do thu nhập lãi thuần quý II/2024 tăng hơn 865,8 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tỷ lệ CASA của ACB đạt 22%, nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường. Trong khi đó, tín dụng đạt 550.000 tỷ đồng, tăng trưởng 12,8% so với đầu năm, gấp đôi so với bình quân ngành và đây là mức tăng trưởng cao nhất trong gần một thập niên qua.

Nhìn về giai đoạn nửa cuối năm, các chuyên gia phân tích MBS cho rằng, dù lãi suất huy động được dự báo còn tăng, chi phí vốn của các ngân hàng trong năm 2024 vẫn duy trì ở mức nền thấp do sự thay đổi của lãi suất huy động cần thời gian phản ánh vào chi phí vốn.

KBSV thì hạ dự phóng mức độ hồi phục NIM năm 2024 của các ngân hàng trong danh mục theo dõi, với kỳ vọng NIM tăng 0,1 - 0,2% từ mức thấp của năm 2023.

Trong năm 2024, các chuyên gia phân tích kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) trung bình ngành ngân hàng sẽ cải thiện nhẹ lên 1,7% từ mức 1,6% của năm 2023 nhờ NIM mở rộng khoảng 0,2 - 0,3% so với cùng kỳ, lên quanh mức 3,8%.

Tin bài liên quan