Các quan chức chính phủ Thái Lan cho biết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Chalermchai Sri-on sẽ thăm Việt Nam vào ngày 6/10 và 7/10 để hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan về hợp tác nông nghiệp giữa hai nước, trong đó bao gồm cả giá xuất khẩu gạo.
Việt Nam và Thái Lan có thể tăng giá gạo khoảng 20%, điều này có thể khiến giá lương thực tăng cao hơn và làm gia tăng lạm phát toàn cầu trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.
Vào đầu tháng 9, các quan chức cho biết, hai nước đã nhất trí hợp tác tăng giá xuất khẩu gạo và lưu ý rằng nông dân trồng lúa đã không thể trang trải chi phí sản xuất cao hơn do chi phí phân bón, hóa chất nông nghiệp và nhiên liệu tăng cao.
Trong khi đó, mỗi quốc gia sẽ thành lập các nhóm công tác riêng để kiểm tra các biện pháp cụ thể.
Sự gián đoạn nguồn cung do đại dịch Covid-19 và gần đây là xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá ngũ cốc lên cao, nhưng gạo phần lớn đã đi ngược xu hướng do mùa màng bội thu và lượng tồn kho dồi dào tại các nhà xuất khẩu trong hai năm qua.
Tuy nhiên mới đây, Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - đã áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại gạo khi nước này cố gắng tăng nguồn cung trong nước và làm dịu giá sau khi lượng mưa gió mùa dưới mức trung bình đã hạn chế việc trồng trọt. Việc áp thuế đã có hiệu lực kể từ ngày 9/9.
Theo đó, giá gạo xuất khẩu tại Việt Nam đã bắt đầu tăng sau khi Ấn Độ áp thuế.
Theo dữ liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), giá gạo xuất khẩu của Thái Lan ở mức 446 USD/tấn trong tháng 8, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá gạo tại Việt Nam chững lại ở mức 385 USD/tấn.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu gạo toàn cầu đạt 51,63 triệu tấn vào năm 2021. Ấn Độ chiếm 41% trong tổng số đó, tiếp theo là Việt Nam và Thái Lan với chiếm tỷ lệ khoảng 12% mỗi thị trường. Trong khi Trung Quốc và Philippines là những nước nhập khẩu gạo chính của thế giới, thì Nhật Bản cũng sử dụng gạo nhập khẩu cho các sản phẩm thực phẩm chế biến.