Theo ba người có kiến thức trực tiếp về vấn đề này nói với Nikkei Asia, các nhà cung cấp của Apple là Luxshare Precision Industry và Foxconn đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch ở miền Bắc Việt Nam với mục đích lần đầu tiên sản xuất thiết bị này bên ngoài Trung Quốc.
Việt Nam đã là trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc khi sản xuất một loạt sản phẩm chủ lực cho công ty Mỹ, bao gồm máy tính bảng iPad và tai nghe AirPods.
Theo các chuyên gia trong ngành, Apple Watch thậm chí còn tinh vi hơn vì việc ép nhiều linh kiện vào một chiếc vỏ nhỏ như vậy đòi hỏi kỹ năng công nghệ cao. Sản xuất thiết bị này sẽ là một chiến thắng cho Việt Nam khi quốc gia này nỗ lực nâng cấp hơn nữa lĩnh vực sản xuất công nghệ của mình.
Apple cũng đã tiếp tục chuyển hoạt động sản xuất iPad sang Việt Nam sau khi các đợt phong toả liên quan đến Covid ở Thượng Hải gây ra sự gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng. Ban đầu, Tập đoàn BYD của Trung Quốc đã hỗ trợ sự thay đổi này, mặc dù các nguồn tin nói với Nikkei Asia rằng Foxconn cũng đang giúp sản xuất nhiều iPad hơn ở Việt Nam. Apple cũng đang đàm phán với các nhà cung cấp để xây dựng dây chuyền sản xuất thử nghiệm cho loa thông minh HomePod tại Việt Nam.
Hai nguồn tin cho biết, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp thiết lập dây chuyền sản xuất thử nghiệm Macbook tại Việt Nam. Tuy nhiên, tiến độ chuyển sản xuất hàng loạt đang diễn ra chậm chạp, một phần do sự gián đoạn liên quan đến đại dịch, nhưng cũng do việc sản xuất máy tính xách tay liên quan đến một chuỗi cung ứng lớn hơn. Ngoài ra, mạng lưới này hiện tập trung vào Trung Quốc và rất cạnh tranh về chi phí.
"AirPods, Apple Watch, HomePod và hơn thế nữa, Apple có những kế hoạch lớn tại Việt Nam ngoài việc sản xuất iPhone. Các thành phần của MacBook đã được chia nhỏ nhiều hơn so với trước đây, điều này giúp cho việc sản xuất máy tính xách tay bên ngoài Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn. Nhưng làm thế nào để nó có giá thành cạnh tranh lại là một thách thức khác", một trong những người có kiến thức trực tiếp về tình hình cho biết.
Sự đa dạng hóa của Apple sang Việt Nam bắt đầu với AirPods và được sản xuất hàng loạt tại Việt Nam vào năm 2020. Tai nghe này là một trong những sản phẩm Apple đầu tiên được chuyển lắp ráp ra khỏi Trung Quốc sau khi cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh nổ ra dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Động thái này báo hiệu một sự thay đổi cách tiếp cận đối với Apple vốn đã phụ thuộc vào Trung Quốc trong hầu hết các nhu cầu sản xuất trong nhiều thập kỷ.
Đối với Việt Nam, sự thay đổi của Apple và căng thẳng Mỹ-Trung nói chung đã đem lại nhiều mặt thuận lợi. Theo phân tích của Nikkei Asia về danh sách các nhà cung cấp hiện có mới nhất của Apple, số lượng nhà cung cấp của Apple có cơ sở tại Việt Nam đã tăng từ 14 cơ sở sản xuất vào năm 2018 lên ít nhất 22 cơ sở hiện nay. Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất điện tử lớn khác như Google, Dell và Amazon cũng đã thiết lập sản xuất tại Việt Nam để đa dạng hóa sản xuất ngoài Trung Quốc.
Eddie Han, nhà phân tích cấp cao của Isaiah Research cho biết, các nhà sản xuất thiết bị điện tử đang cố gắng đạt được sự cân bằng trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
"Về mặt địa lý, chúng tôi nhận thấy các thương hiệu điện tử quốc tế lớn như Apple và Samsung đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào việc sản xuất các sản phẩm bên trong Trung Quốc. Nhưng mặt khác, các công ty quốc tế này đã thông qua nhiều nhà cung cấp có trụ sở tại Trung Quốc hơn như tập đoàn Luxshare và BYD để sản xuất cho Apple và Huaqin để sản xuất cho Samsung. Đó là những động thái nhằm cân bằng các tác động địa chính trị”, nhà phân tích Eddie Han cho biết.
“Vai trò công xưởng thế giới của Trung Quốc đã bị thách thức kể từ sau chiến tranh thương mại và sau đó là các chính sách năng lượng và Zero Covid. Điều đó thực sự khiến Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều nhà sản xuất điện tử khi quốc gia này đang dần phát triển hệ sinh thái chuỗi cung ứng của mình”, ông cho biết thêm.