Có nhiều tổ chức trung gian làm dịch vụ chuyển tiền, nhưng sự vượt trội về dịch vụ chỉ thấy ở một số ngân hàng lớn
Theo Ngân hàng Nhà nước, 10 tháng đầu năm nay, lượng kiều hối chảy về Việt Nam đã đạt 90% so với năm 2012. Nhiều khả năng lượng kiều hối chảy vào Việt Nam năm nay sẽ cán đích con số 11 tỷ USD, nhất là khi Chính phủ vừa có văn bản quy định kể từ ngày 11/12/2013, người thụ hưởng dòng kiều hối được miễn thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về.
Mong muốn một Việt Nam tốt hơn…
“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống, là bản sắc văn hóa của những người con nước Việt, dù có định cư, sinh sống ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Theo thông tin từ Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam định cư tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, bên cạnh đó là khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Lực lượng đặc biệt này cung cấp nguồn kiều hối rất lớn cho Việt Nam hàng năm: năm 2011 là 9 tỷ USD; năm 2012 là 10 tỷ USD và năm 2013 dự kiến 11 tỷ USD.
Dù không sống trên đất Việt, nhưng nét đẹp văn hóa “uống nước nhớ nguồn” là nhịp cầu nối liền kiều bào với quê hương. Bên cạnh đó, tình cảm và sự đối xử trọng thị đối với kiều bào của lãnh đạo cấp cao Việt Nam cũng là một động lực để bà con xa quê hướng về đất nước.
Đường lối trước sau như một của Đảng và Nhà nước ta là xem cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Theo đó, trong các cuộc tiếp xúc với kiều bào ở nhiều nước trên thế giới, những câu chuyện chân tình, cùng mong muốn bà con tiếp tục hòa nhập tốt với cuộc sống tại nước sở tại, nhưng không quên hướng về quê hương xứ sở, là thông điệp chung của các lãnh đạo cấp cao Việt Nam.
Theo thông lệ, cứ tới dịp cuối năm, bà con kiều bào lại gửi số tiền dành dụm sau cả năm làm việc tới người thân tại Việt Nam. Trước đây, ngoại tệ được người Việt Nam định cư ở nước ngoài gửi về cho thân nhân trong nước là để gia đình có thêm tiền chi tiêu, sinh sống.
Nhưng nay, “câu chuyện kiều hối” đã khác. Trước hết, đối tượng gửi tiền về nước không còn giới hạn trong những người Việt Nam định cư ở nước ngoài, mà người Việt Nam sống và làm việc ở nước ngoài ngày càng đóng góp dòng kiều hối quan trọng.
Rất nhiều người trong số này sinh sống, làm việc ở nước ngoài hàng chục năm, nhưng vẫn giữ hộ khẩu, quốc tịch Việt Nam. Bên cạnh đó, với những nỗ lực cải tiến môi trường đầu tư, dòng tiền kiều hối chuyển về Việt Nam không chỉ vì mục đích hỗ trợ người thân, gia đình, mà ngày càng hướng nhiều hơn đến các cơ hội sinh lợi. Đầu tư chứng khoán, bất động sản, hoặc góp vốn mở DN sản xuất - kinh doanh… là những lựa chọn hấp dẫn cho dòng vốn ngoại chuyển về Việt Nam.
Chị Nguyễn Hoàng Hương, Việt kiều Úc chia sẻ, kiếm tiền ở nước ngoài dễ hơn ở Việt Nam là một trong những lý do chính chị chọn định cư tại Úc đã 12 năm nay. Nhưng “giữ tiền ở Việt Nam yên tâm hơn để tại nước ngoài”, là lý do khiến chị Hương năm nào cũng chuyển tiền về Việt Nam, nhờ mẹ đẻ và em trai quản lý giúp. “Ngay cả khi không đầu tư sinh lợi, khoản ngoại tệ của tôi gửi tiết kiệm tại Việt Nam có lãi suất cao hơn nhiều khi để tại nước ngoài”, chị Hương nói.
Chọn cách chuyển tiền thông minh
Có 2 cách cơ bản để dòng kiều hối chuyển về Việt Nam, đó là chính thức và không chính thức. Tuy nhiên, chọn cách gửi tiền chính thức qua ngân hàng, qua các công ty kiều hối hoặc qua công ty bưu chính... đang ngày càng được ưa chuộng, bởi tính an toàn cao và chi phí ngày càng thấp, do mức độ cạnh tranh giữa các DN làm dịch vụ này khá lớn.
Giải pháp tốt nhất ở Việt Nam là lựa chọn chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng để tiết kiệm chi phí và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Theo đánh giá của WB, kiều hối chuyển về Việt Nam chịu phí dịch vụ khá thấp so với các nước khác, hiện ở mức 0,05%/món gửi, tối đa 200 USD.
Đó là về phía người gửi. Về phía nhận, mức phí rút ngoại tệ mà các ngân hàng thu dao động quanh mức 0,15%. Theo con đường phi chính thức, phí dịch vụ thu người gửi tiền khoảng 1,5%/tổng số tiền chuyển, với khoản chuyển trên 10.000 USD và 2% nếu chuyển từ 1.000 USD đến 7.000 USD. Còn người nhận chỉ phải trả thêm tiền “xăng xe” cho người mang tiền đến tận nhà người thân.
Để khích lệ dòng kiều hối năm nay, kể từ ngày 11/12/2013, Chính phủ Việt Nam quy định, người thụ hưởng có thể nhận bằng tiền VND hoặc bằng ngoại tệ theo yêu cầu và không phải đóng thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về.
Chính phủ quy định, người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài được chuyển ngoại tệ từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua các tổ chức tín dụng được phép; thông qua các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính bưu chính quốc tế và cá nhân mang theo người vào Việt Nam. Người thụ hưởng có thể bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng được phép, chuyển khoản vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ cá nhân và được sử dụng theo các quy định hiện hành.
Với quy định mới trên, nhiều chuyên gia dự báo, từ nửa cuối tháng 12/2013, dòng kiều hối sẽ chảy mạnh vào Việt Nam để hưởng chính sách ưu đãi miễn thuế thu nhập. Hàng loạt tổ chức tín dụng, các DN cung cấp dịch vụ tài chính quốc tế đang “vào cuộc đua” cung cấp các dịch vụ chuyển tiền, với hy vọng sẽ là “bà đỡ” cho dòng kiều hối dồi dào hơn vào Việt Nam.
Có nhiều sự lựa chọn tổ chức trung gian làm dịch vụ chuyển tiền, nhưng sự vượt trội về dịch vụ chỉ thấy ở một số ngân hàng lớn. Chẳng hạn, tại MB, dịch vụ MB Mobile Money trong chương trình “Niềm vui nhân đôi” đang được ngân hàng này cung ứng với rất nhiều quà tặng, áp dụng từ nay đến hết ngày 31/12/2013.
Hấp dẫn bằng quà tặng tiền mặt, dịch vụ của MB đặc biệt hữu ích khi cho phép người chuyển tiền ở tất cả mọi nơi trên thế giới thông qua các đại lý Western Union chuyển tiền về Việt Nam, đồng thời giúp người nhận tiền từ nước ngoài chuyển về quản lý tiền suốt 24/7 bằng điện thoại di động.
Người nhận tiền tại Việt Nam chỉ cần đăng ký số thuê bao điện thoại di động Viettel cho dịch vụ chuyển tiền kiều hối qua MB Mobile Money và cung cấp số điện thoại đó cho gia đình và bạn bè ở nước ngoài, ngoài ra không phải trả bất kỳ khoản phí nào khi đến nhận tiền. MB căn cứ vào số điện thoại di động để ghi có số tiền vào tài khoản thanh toán của người nhận mở tại MB.
Từ ngày 1/1- 28/2/2014, MB sẽ tổ chức chương trình khuyến mại tặng quà “Nhận tiền người thân, đón quà MB”. Theo đó, khi khách hàng đến nhận tiền của người thân từ nước ngoài chuyển về sẽ được nhận ngay quà tặng có giá trị tại các quầy giao dịch MB.
Đây là chương nhằm tri ân những khách hàng đang sử dụng các dịch vụ nhận tiền của người thân chuyển từ nước ngoài về Việt Nam qua MB. Mỗi khách hàng khi đến tham dự chương trình đều nhận được quà tặng với tổng số quà là 6.000 chiếc thẻ điện thoại, trị giá mỗi thẻ lên đến 150.000 đồng.
Nhiều DN như Công ty Kiều hối Đông Á, Sacombank… đã chia sẻ tín hiệu khả quan từ dòng kiều hối năm nay, nhưng cuộc đua mới chỉ bắt đầu và kết quả vượt trội sẽ đến với những DN cung ứng dịch tốt nhất cho kiều bào chuyển tiền về nước năm nay.