Tôi không phải là người cổ hủ, bảo thủ hay bới móc những hoài niệm để sống, ai gặp tôi sẽ biết rõ ngay. Nhưng với tôi, Tết cổ truyền như một sức mạnh, một sức mạnh siêu hình vượt thời gian. Nó không phải là thứ gì cao sang mà gần gũi thân thương hàng ngày, chỉ dừng lại nghĩ, chút thôi, ai cũng cảm nhận được nó ở quanh mình và trong huyết mạch mỗi chúng ta.
Thế là Tết đã đến và tôi nhớ mãi những ngày cuối năm, thời tôi còn cởi trần tắm sông với chúng bạn. Hồi đó, cũng như bao đứa trẻ trong xóm khác, tôi cũng mong chỉ nhanh đến Tết để được đi chơi, được mua quần áo đẹp, dày, dép và được nổ những cái pháo tép lẹt đẹt vui tai. Đặc biệt, là được mẹ hay bà nội mua cho những con tò he chơi tết. Những năm 1997, 1998 quê tôi vẫn nghèo lắm! lại chưa có điện nên đèn hoa kỳ cũng trở thành ký ức khó quên trong tôi.
Tết ở quê tôi bắt đầu từ những người đi xa về quê ăn tết, những lời hỏi thăm đại loại như: thằng Dũng nhà chị năm nay có về không? Con Vân về lâu chưa?... Rồi họ đến nhà những người mới về hỏi thăm chuyện làm ăn, chuyện ngoài địa phương như thế nào.
Vô hình trung, những người xa quê nay trở về lại là tâm điểm của cả xóm đến thăm hỏi. Có những người tha phương cầu thực quá nửa đời người mới về được nơi chôn nhau cắt rốn. Vừa về đến đầu làng thì họ quỵ xuống mà khóc nức nở, người dân thấy mới hay "thằng Thắng nó về bà con ơi"! Nhưng cũng có người không được may mắn như thế.
Rồi đến phiên chợ Xuân. Có lẽ với những đứa trẻ như tôi thời đó, được đi chợ Xuân là thích nhất. Tôi còn nhớ, hồi đó được mẹ và bà nội cho ra chợ, mua quần áo, mà có đủ bộ đâu, được quần thì không áo, hoặc áo không quần, hoặc có quần áo mới nhưng dép rách… Dù có quần, hay áo cũng chỉ mặc ba ngày tết rồi gấp gọn cất vào tủ cho mới và chỉ sự kiện lớn mới mang ra mặc. Nhung có lẽ vui nhất vẫn là những con tò he và pháo tép.
Tôi cứ chăm chú nhìn những nghệ nhân nặn tò he mà có lần lạc giữa chợ. Họ khéo tay lắm, nặn đủ các kiểu từ hoa, quả đến các con vật gần gũi với người nông dân như trâu, bò, lợn, chó, mèo…, nhưng tôi nhớ mãi chuyện con gà tò he. Những con tò he này khi chơi xong thì chúng tôi lại cho vào bếp nướng để ăn và con gà tò he của đứa em gái tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng khổ nỗi, khi chưa kịp thịt gà thì bị tôi vặt mất cái đầu, thế là nó khóc ròng cả một ngày bắt đền con gà đó. Tôi bị mẹ cho ăn đòn roi đến ngày hôm sau mới hết lằn chạch và đứa em gái có con gà khác mới hết giận tôi.
Chuyện những con tò he, những phiên chợ ngày tết, những mong mỏi của trẻ thơ mà cho đến tận bây giờ, khi có con tôi mới hiểu được ý nghĩa, giá trị của nó.
Mâm ngũ quả ngày tết thờ cúng tổ tiên trở thành nét đẹp truyền thống của người dân quê tôi
Người đi chợ tết, người ở nhà dọn dẹp nhà cửa, quét mạng nhện, quét vôi và kẻ chân tường cho khang trang sạch đẹp, dọn bàn thờ tổ tiên cho tươm tất những mong một mùa xuân tươi mới với nhiều may mắm, tài lộc đầy nhà.
Khi họ vừa dọn dẹp xong nhà thì trong làng bắt đầu có tiếng eng éc của những con lợn bị chọc tiết. Cứ 5-7 nhà đụng một con lợn, tùy to hay nhỏ mà chia, mà gọi đụng cho hợp lý. Thịt lợn xong, có nhân, rồi họ gói bánh trưng. Thế là tết đã đến 28 – 29! Anh em chúng tôi với mấy đứa cùng trăng lứa ở xóm có khi thức cả đêm bên nồi bánh trưng vì thấy vui và lấy lửa nổ pháo tép, nướng khoai, ngô vậy thôi, chứ hồi đó chúng tôi chẳng biết gì về về ý nghĩa của nó cả.
Còn một việc quan trọng và ý nghĩa, linh thiêng nhất trong làng tôi những ngày cuối năm mà nhà nào cũng phải làm, năm nào cũng vậy. Đó là làm mâm cơm tất niên rồi ra mộ mời tổ tiên về ăn tết những người quá cố về ăn tết với gia đình.
Lúc đó, tôi chưa biết gì về phong tục này. Bây giờ, tôi cũng mới chỉ hiểu về ý nghĩa của nó, chứ chưa cắt nghĩa và hiểu hết được sức mạnh của nó trong mỗi người, mỗi nhà như thế nào.
Năm nay tôi cũng làm việc linh thiêng này, nhưng với tâm thế khác, hoàn cảnh khác. Tôi không còn là một đứa trẻ mà đã là một trụ côt gia đình, có vợ có con và tôi thấy như tổ tiên tôi vẫn còn sống, tôi trò chuyện như hai người tồn tại bên cạnh, tôi tâm sự với Nội tôi những chuyện trong năm, những dự định năm mới rồi cũng xin, cầu mong nội tôi và tổ tiên phù hộ cho chúng tôi được mạnh khỏe, được ấm no, hạnh phúc. Nó như một sức mạnh siêu hình, không nắm, không cầm, không cắt nghĩa được trong tôi nhưng nó trở thành một sức mạnh giúp tôi vượt qua những khó khăn và hy vọng vào một ngày mai tươi sáng.
Hôm nay, bước trên con đường làng quen thuộc ấy, vẫn phong tục ấy nhưng làng tôi đã thay da đổi thịt về kinh tế, người dân đã có của ăn, của để, trong làng không còn nóc nhà tranh, vách đất nữa mà thay bằng tường gạch, mái ngói đỏ tươi hay đổ bê tông cốt thép. Và có lẽ niềm tin vào sức mạnh, vào truyền thống tốt đẹp của ngày tết cổ truyền, tưởng nhớ tổ tiên mà dân làng tôi có thêm sức mạnh vươn lên trong cuộc sống. Và đến tận bây giờ tôi có hỏi cụ cao niên nhất trong làng năm nay đã 101 tuổi cũng không biết phong tục ngày tết, niềm tin vào thờ cúng tổ tiên có từ bao giờ.
Thằng Giáp, bạn nối khố chăn trâu một thời với tôi hồi nào, giờ nó đã là giám đốc một doanh nghiệp với vài chục công nhân. Năm nay, nó cũng về quê, cũng lên mời tổ tiên về ăn tết như mọi nhà trong làng. Nhưng nó phân vân với tôi là mấy năm trước nó bận công việc nên không về đón tết cùng tổ tiên và nó thấy có lỗi. Chúng tôi cũng bàn về giá trị ngày Tết cổ truyền, phong tục thời cúng tổ tiên theo kiểu riêng của chúng tôi. Nhưng có một điểm chung là ai cũng tin vào sức mạnh của một mùa xuân mới, vào giá trị tốt đẹp truyền thống. Và tôi tin chắc rằng trong bạn, trong tôi đều tồn sức mạnh vô siêu hình đó.
Trong tâm thế và thời cuộc bây giờ, thế hệ chúng tôi ngoài niềm tin vào sức mạnh những giá trị truyền thống tốt đẹp còn tin vào sức mạnh dẫn dắt của Đảng với vai trò to lớn mà lịch sử đã giao cho. Tôi tin rằng, với những sức mạnh tổng hợp đó, dân làng tôi sẽ ngày càng giàu đẹp hơn, bạn tôi sẽ có nhiều giám đốc, nhiều doanh nghiệp hơn và như vậy chúng tôi đã biến niềm tin siêu hình thành sức mạnh vượt thời gian góp nên viên gạch xây dựng quê hương, Đất nước ngày thêm giàu mạnh, thêm những mùa xuân thắng lợi mới cho Đất nước.