Tháng 4/2014, trực tiếp GS. TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội thảo hợp tác với HOSE làm bật vai trò của thị trường vốn trong tái cấu trúc nền kinh tế; tháng 4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn đầu Đoàn công tác xúc tiến đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam... Nhà tư vấn nổi tiếng thế giới Marc Faber - đến Việt Nam vào tháng 6/2014 để chia sẻ tầm nhìn, niềm tin vào tương lai dài hạn của thị trường này.
Khẳng định vai trò của TTCK, thị trường vốn
Trên quan điểm vĩ mô, GS.TS Vương Đình Huệ chia sẻ, mục tiêu phát triển thị trường vốn đến năm 2020 là xây dựng thị trường vốn Việt Nam đa dạng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn và đầu tư của mọi đối tượng trong nền kinh tế, tương đương thị trường của các nước trong khu vực.
Mục tiêu cụ thể là từng bước đưa thị trường vốn trở thành bộ phận cấu thành của thị trường tài chính, đảm bảo tính công khai, minh bạch, duy trì trật tự, an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư để Việt Nam từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập thị trường tài chính quốc tế.
Vậy thị trường vốn ở Việt Nam đang phát triển như thế nào? Thị trường vốn gồm 2 bộ phận cấu thành là thị trường tín dụng trung, dài hạn và TTCK.
Trước năm 2000, Việt Nam chưa có hình thái TTCK, thị trường vốn hoàn toàn dựa vào thị trường tín dụng. Sau gần 15 năm mở cửa TTCK, Việt Nam đã có một thị trường với quy mô vốn hóa trên 55 tỷ USD, trở thành kênh huy động vốn dài hạn cho nhiều chủ thể trong nền kinh tế.
Cùng với thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu chính phủ tại Việt Nam cũng phát triển mạnh mẽ, với quy mô hiện khoảng 700.000 tỷ đồng. Quy mô thị trường TPCP đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 23%/năm trong 5 năm qua, được đánh giá có mức tăng trưởng dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á cũng như khu vực ASEAN + 3.
So với các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia…, TTCK Việt Nam có quy mô chưa “thấm vào đâu”, nhưng so với chính mình, TTCK Việt Nam đã có những kết quả không thể phủ nhận. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến nay, TTCK Việt Nam đã giúp nền kinh tế huy động được trên 1 triệu tỷ đồng từ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Dòng tiền này đã giúp Nhà nước chủ động nguồn ngân sách trong các hoạt động đầu tư, giúp nhiều DN lớn mạnh về quy mô, mở rộng hoạt động và trở thành những tên tuổi lớn trong nền kinh tế. Một giá trị căn bản khác mà TTCK mang lại cho nền kinh tế là tạo dựng văn hóa kinh doanh minh bạch, mà bắt đầu từ DN niêm yết, đến DN đại chúng, đến cả DN nhà nước đang thực hiện những nỗ lực minh bạch trong hoạt động kinh doanh của mình.
Tại các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, TTCK được coi là “phong vũ biểu”, là thước đo sức khỏe của các DN và của nền kinh tế. Ở Việt Nam, với quy mô và số lượng DN niêm yết như hiện nay, của TTCK có thể chưa đạt đến vị thế “phong vũ biểu” của nền kinh tế, nhưng vai trò của TTCK đã ngày càng được nhận diện rõ nét.
TTCK không chỉ có chức năng tạo kênh huy động vốn, kênh đầu tư, mà còn là thị trường không thể thiếu nhằm thực thi và thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có tái cấu trúc đầu tư công, tái cơ cấu DNNN và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Vì thế, thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển là chủ trương nhất quán của Chính phủ khi vai trò, vị thế của thị trường này ngày càng được khẳng định rõ nét hơn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (thứ hai từ trái qua) đã mang đến nhà đầu Nhật Bản thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam
Niềm tin vào triển vọng dài hạn
Tháng 4/2014, hàng trăm nhà đầu tư Nhật Bản đã đến dự để trực tiếp nghe thông điệp của Việt Nam về tiến trình cổ phần hóa DNNN và phát triển TTCK. Nhiều cuộc tiếp xúc giữa các DN Việt Nam và nhà đầu tư tiềm năng tại Nhật đã diễn ra ngay trong khuôn khổ Diễn đàn để tìm kiếm cơ hội hợp tác phù hợp. Nhà đầu tư Nhật vốn rất thận trọng, nhưng hoạt động xúc tiến đầu tư do Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì đã đem đến những thông điệp mạnh mẽ và ấn tượng về nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, thông điệp về sự sẵn sàng mời gọi dòng vốn ngoại vào Việt Nam.
Trao đổi với nhà đầu tư Nhật Bản, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ, Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh cải cách DNNN, đặc biệt chú trọng cổ phần hóa và gắn với niêm yết. Các vấn đề pháp lý, chính sách nhằm đẩy mạnh tiến trình này đã và sẽ được hoàn tất thông qua các nghị định, nghị quyết của Chính phủ. Để thu hút dòng vốn ngoại, Việt Nam đã cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của các ngân hàng nước ngoài tại các ngân hàng cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bao gồm cả ngân hàng không quá 65%. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam đang có triển vọng tăng trưởng tích cực, đặc biệt TTCK Việt Nam trở thành điểm đến đáng quan tâm của dòng vốn, khi tăng 22% năm 2013 và xu hướng tăng tiếp tục duy trì trong năm 2014. Kinh tế Việt Nam năm 2015 được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục đà hồi phục, với cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đây là yếu tố nền tảng để nhà đầu tư đặt niềm tin vào triển vọng tăng trưởng của TTCK Việt Nam.
Ở vị thế của nhà tư vấn nổi tiếng thế giới, trong Diễn đàn đầu tư Việt Nam do Báo Đầu tư và đối tác tổ chức hồi tháng 6/2014, TS. Marc Faber khẳng định, Việt Nam là thị trường có triển vọng nhất trong 10 năm tới. TS. Marc Faber cho rằng, các yếu tố cơ bản của nền kinh tế và giá cổ phiếu Việt Nam đang rất tốt. Tín dụng tại Việt Nam sau một thời gian tăng nóng đã bước vào xu hướng giảm và diễn biến này là “phù hợp và lành mạnh”. Về triển vọng của kinh tế Việt Nam, Marc Faber nhận định cơ hội và tiềm năng đầu tư vào chứng khoán Việt Nam vẫn là số 1, nhất là khi Chính phủ Việt Nam đang hành động mạnh mẽ để tái cấu trúc nền kinh tế, đẩy nhanh cổ phần hoá và thúc đẩy DN tư nhân phát triển.
Hút dòng vốn lớn để khớp nối cung cầu
Điều kiện chủ quan đã có khi Chính phủ quyết tâm thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa hàng trăm DNNN để tạo động lực mới cho sự phát triển. Điều kiện khách quan cũng đang dần hội tụ khi cùng với sự nỗ lực của Việt Nam, sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước và quốc tế ngày càng lớn dần. Tuy nhiên, con đường hút dòng vốn lớn vào quá trình cải cách DNNN, thúc đẩy TTCK phát triển vẫn cần được khơi rộng hơn nữa, mới có thể biến sự quan tâm thành hoạt động đầu tư thực thụ tại Việt Nam.
Trong việc thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư, ngoài nỗ lực liên tục của ngành chứng khoán, Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gắn hoạt động IPO DNNN với TTCK được nhà đầu tư đánh giá là quyết sách đột phá, giúp nhà đầu tư tăng niềm tin vào sự minh bạch của các đợt bán vốn và tăng khả năng đầu tư khi nhìn thấy rõ lộ trình lên sàn của DN. Có hiệu lực từ 1/11/2014, Quyết định 51 đã tạo thêm một động lực mới thúc đẩy dòng chảy vốn vào DN, vào TTCK nhiều hơn trong mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế.
Với các nhà đầu tư nước ngoài, thông điệp nới rộng tỷ lệ đầu tư trên TTCK vẫn đang là điểm chờ đợi của nhà đầu tư ngoại. Có nhiều cách để nới rộng không gian đầu tư cho vốn ngoại như việc nâng hạng thị trường, cho phép áp dụng công cụ cổ phiếu không có quyền biểu quyết…, nhưng những ý tưởng này vẫn chưa được triển khai trên thực tế.
Dòng vốn ngoại, nếu được khơi rộng hơn, sẽ không chỉ tăng sức hấp dẫn của kênh đầu tư tại Việt Nam, mà còn kích thích dòng chảy của vốn nội, tạo nên động lực đầu tư mới, biến triển vọng tích cực của thị trường vốn Việt Nam thành hiện thực. Trên con đường biến triển vọng thành hiện thực, cách làm nào để khơi rộng vốn ngoại vào DN một cách an toàn, lành mạnh, là bài toán lớn tiếp theo sau giai đoạn “tạo cung và kích cầu” mà Chính phủ và các lãnh đạo ngành nỗ lực thực hiện.
Tỷ suất lợi nhuận của khối CTCK tăng dần Năm 2013, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và nền kinh tế Việt Nam chưa thực sự khởi sắc, 70% số CTCK ghi nhận lợi nhuận âm, nhưng sang năm 2014, bức tranh hoạt động của các CTCK đã khác hẳn khi 9 tháng đầu năm nay, 78% CTCK kinh doanh có lãi, với mức lãi tăng dần. Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán đã cho biết như vậy và cho rằng, khối CTCK không chỉ sáng dần về hiệu quả hoạt động, mà điều đáng mừng hơn cả là khối công ty này đã tuân thủ các quy định pháp lý chặt chẽ nhằm hoạt động minh bạch, an toàn. Sự trưởng thành của khối CTCK là một trong những yếu tố căn bản để TTCK Việt Nam hoạt động lành mạnh, hiệu quả về dài hạn. Thống kê của nhà quản lý cho biết, 9 tháng đầu năm nay, khối CTCK đạt dược 2.828 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước. ROE bình quân của các CTCK năm 2013 đạt 5,81% và 9 tháng đầu năm 2014 đạt 7,10%. |