Người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đang đặt niềm tin vào bộ máy lãnh đạo mới của đất nước.

Người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đang đặt niềm tin vào bộ máy lãnh đạo mới của đất nước.

Niềm tin vào bộ máy lãnh đạo mới của đất nước

0:00 / 0:00
0:00
Hôm nay (5/4/2021), tân Chủ tịch nước và tân Thủ tướng Chính phủ sẽ tuyên thệ nhậm chức sau khi Quốc hội có chủ tịch mới vào tuần trước. Ngay tiếp sau, Chính phủ sẽ được kiện toàn.

Đây là bước kiện toàn nhân sự quan trọng để khởi động thực hiện các mục tiêu đầy khát vọng của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Phải nhắc lại những mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định. Đó là đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Tầm nhìn xa hơn, đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Riêng giai đoạn 2021-2025, các chỉ tiêu phát triển kinh tế được xác định là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD. Đóng góp của Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%.

Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%. Kinh tế số đạt khoảng 20% GDP...

Có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới với định hướng phát triển bền vững hơn, bao trùm hơn và yêu cầu thay đổi thực sự về chất lượng, về đẳng cấp so với giai đoạn trước.

Để đạt được các mục tiêu này, định hướng phát triển đất nước đã được xác định dựa vào sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, dựa nhiều hơn vào đổi mới - sáng tạo, tận dụng được các thành quả của khoa học - công nghệ, đặc biệt là thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0... Đặc biệt, vai trò của người dân, gồm cả việc tham gia có hiệu quả và thụ hưởng thành quả từ quá trình phát triển này được nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ngay trong năm đầu tiên của giai đoạn này, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn không chỉ bởi tác động tiêu cực từ Covid-19, đòi hỏi bộ máy lãnh đạo mới phải vào cuộc nhanh chóng, đầy trách nhiệm.

Trong các phiên thảo luận của kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV về công tác nhiệm kỳ 2016-2020, bên cạnh những thành quả của một nhiệm kỳ thành công, nhiều tồn tại cố hữu của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết. Đó là cải thiện chất lượng thể chế, chất lượng hạ tầng cơ sở, chất lượng nguồn nhân lực vẫn đang là bài toán khó; năng lực chống chịu của nền kinh tế trước những biến động lớn vẫn phụ thuộc nhiều vào dư địa của các chính sách hỗ trợ của Chính phủ; mô hình tăng trưởng vẫn chưa thực sự đổi mới theo hướng dựa vào công nghệ với tư duy chấp nhận rủi ro, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo... Trong khi đó, kinh tế thế giới tiếp tục đương đầu với xung đột địa chính trị, về kinh tế, thiên tai, tác động trực tiếp tới các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, là khu vực FDI, hoạt động xuất - nhập khẩu và cả sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân trong nước...

Nhưng các đại biểu Quốc hội cũng nhắc đến niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào định hướng phát triển đất nước.

Niềm tin này được hun đúc, lan tỏa nhờ nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, trong các chính sách, thái độ ứng xử với khu vực kinh tế tư nhân, trong cách điều hành kinh tế kiên định, giữ tăng trưởng dựa trên ổn định kinh tế vĩ mô...

Chính niềm tin này là cơ sở quan trọng để kinh tế Việt Nam có mặt trong số ít nền kinh tế giữ được tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020, có được thành quả lớn trong phòng chống Covid-19... Đây cũng là cơ sở, động lực cho việc thực thi các mục tiêu phát triển đất nước thời gian tới.

Người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đang đặt niềm tin vào bộ máy lãnh đạo mới của đất nước.

Tin bài liên quan