Ảnh AFP

Ảnh AFP

Niềm tin trở lại với giới đầu tư

(ĐTCK) Dữ liệu bán lẻ Mỹ và thông tin liên quan đến sáp nhập các hãng ô tô của châu Âu giúp giới đầu tư lấy lại niềm tin trong phiên thứ Tư (21/8) sau khi thận trọng trong phiên trước đó.

Sau khi đảo chiều điều chỉnh nhẹ trong phiên thứ Ba khi nhà đầu tư thận trọng chờ phát biểu của ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào thứ Sáu và biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed được công bố vào thứ Tư, phố Wall đã hồi phục mạnh trở lại trong phiên thứ Tư sau thông tin tích cực về số liệu bán lẻ.

Theo kết quả vừa công bố, nhà bán lẻ Target Corp tăng dự báo lợi nhuận, còn Lowe's Cos Inc có lợi nhuận quý II vượt xa dự báo của giới phân tích. Kết quả khả quan của 2 nhà bán lẻ lớn này cho thấy chi tiêu tiêu dùng của Mỹ vẫn mạnh mẽ và giúp loại bỏ nỗi lo suy thoái kinh tế.

Đà tăng của phố Wall duy trì mạnh trong suốt phiên, dù sau đó Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 7 cho thấy sự chia rẽ của các nhà hoạch định chính sách. Theo đó, trong cuộc họp ngày 30-31/7, một số nhà hoạch định chính sách đưa ra phương án cắt giảm 50 điểm phần trăm, nhưng cuối cùng Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Fed đã quyết định cắt giảm 25 điểm phần trăm vì muốn tránh sự xuất hiện kỳ vọng lãi suất sẽ còn giảm mạnh.

Kết thúc phiên 21/8, chỉ số Dow Jones giảm 240,29 điểm (+0,93%), lên 26.202,73 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,92 điểm (+0,82%), lên 2.924,43 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 71,65 điểm (+0,90%), lên 8.020,21 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu có phiên tăng mạnh lên mức cao nhất 2 tuần khi nỗi lo khủng hoảng chính trị tại Ý được tạm lắng sau phiên lo sợ hôm thứ Ba khi Thủ tướng Ý Giuseppe Conte từ chức.

Ngoài ra, chứng khoán khu vực còn phản ứng tích cực với thông tin Fiat Chrysler và Renault tiếp tục đàm phán sáp nhập. Cùng với đó là kỳ vọng về việc nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.

Kết thúc phiên 21/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 78,97 điểm (+1,11%), lên 7.203,97 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 151,67 điểm (+1,30%), lên 11.802,85 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 90,84 điểm (+1,70%), lên 5.435,48 điểm.

Chứng khoán châu Á ít thay đổi khi giới đầu tư chờ đợi các chính sách cụ thể của các ngân hàng trung ương và kích thích kinh tế của các nền kinh tế lớn. Trong đó, chứng khoán Nhật đảo chiều giảm nhẹ, còn chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông lại đảo chiều tăng nhẹ.

Kết thúc phiên 21/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 58,65 điểm (-0,28%), xuống 20.618,57 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,33 điểm (+0,01%), lên 2.880,33 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 38,50 điểm (+0,15%), lên 26.270,04 điểm.

Giá vàng đi ngang trong phiên thứ Tư khi nhà đầu tư thận trọng chờ biên bản cuộc họp của Fed để dự đoán xem hướng đi tiếp theo của cơ quan hoạch định chính sách như thế nào. Hôm thứ Tư, ông Trump một lần nữa lại chỉ trích Fed khi cho rằng, nếu biết suy nghĩ, Chủ tịch Fed Powell phải cắt giảm lãi suất, nhưng ông nói rằng, không yêu cầu Fed làm điều đó.

Kết thúc phiên 21/8, giá vàng giao ngay giảm 4,6 USD (-0,31%), xuống 1.502,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 không đổi, đứng ở mức 1.515,7 USD/ounce.

Giá dầu thô Mỹ cũng đảo chiều giảm trong phiên thứ Tư khi dữ liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, dù kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm, nhưng kho dự trữ các sản phẩm tinh chế lại tăng. Trong khi đó, giảm bớt nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu lại giúp giá dầu thô Brent tiếp tục duy trì đà tăng.

Kết thúc phiên 21/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,18 USD (-0,32%), lên 55,95 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,37 USD (+0,62%), lên 60,40 USD/thùng.

Tin bài liên quan