Sự hồi phục của thị trường chứng khoán vừa qua chính là sự hồi phục về niềm tin của nhà đầu tư

Sự hồi phục của thị trường chứng khoán vừa qua chính là sự hồi phục về niềm tin của nhà đầu tư

Niềm tin trên thị trường chứng khoán đã trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo các chuyên gia, niềm tin trên thị trường chứng khoán cần được củng cố, qua đó gia tăng sức hút các dòng vốn chảy vào thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động được nguồn vốn trung và dài hạn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS)

Thị trường chứng khoán luôn là kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế. Kinh tế thị trường càng phát triển thì vai trò dẫn vốn của thị trường này càng lớn. Trong giai đoạn dịch Covid-19, cung - cầu về vốn hạn chế, nhưng thị trường chứng khoán vẫn bứt phá, số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới đạt trên 7% dân số, vượt mục tiêu đề ra cho năm 2025 là 5%.

Khoảng 1 năm qua, thị trường chứng khoán suy giảm do các yếu tố trong và ngoài nước như lạm phát và lãi suất cao, nguy cơ suy thoái kinh tế… Chính phủ đã nhận diện rõ những rủi ro của nền kinh tế nên bằng nhiều chính sách quyết liệt đã nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bao gồm giải tỏa nỗi lo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thực thi giãn nợ, giảm lãi suất, giảm thuế giá trị gia tăng, đẩy mạnh đầu tư công…

Nếu so sánh chung, Việt Nam đang đối phó với khủng hoảng sau đại dịch tốt hơn nhiều nước trên thế giới, khi không ít nền kinh tế đang rơi vào tình trạng mất phương hướng. Nhờ đó, thị trường chứng khoán dần khởi sắc, điểm số và thanh khoản tăng lên, thu hút nhà đầu tư.

SHS đánh giá, VN-Index đã tạo đáy trung hạn ở vùng giá quanh 900 điểm hồi cuối năm 2022. Hiện tại, chỉ số đã hồi phục lên trên 1.100 điểm. Trong trung hạn và dài hạn, thị trường chứng khoán có nhiều tiềm năng tăng trưởng, ngày càng trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định pháp luật nói chung, pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán nói riêng, phát triển vì mình, vì cộng đồng, vì nhà đầu tư, khi đó sẽ phát triển bền vững.

Vai trò trung gian của các công ty chứng khoán cũng rất quan trọng trong việc lấy lại niềm tin cho thị trường. Bản thân SHS trong vai trò một nhà tư vấn cũng phải đáp ứng yêu cầu của hai bộ phận bên bán và bên mua. Sứ mệnh của công ty chứng khoán trung gian trong việc tạo ra sản phẩm không chỉ cổ phiếu, trái phiếu tốt, chất lượng cho thị trường, mà còn là người đứng ở giữa nên cần bảo vệ cả bên mua và bên bán. Khi làm như vậy, thị trường sẽ minh bạch, ổn định hơn.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC)

Dòng vốn nước ngoài đến từ định chế tài chính và cá nhân. Định chế tài chính là nhà đầu tư dài hạn, dòng vốn bao giờ cũng gắn với chính sách vĩ mô và chất lượng hàng hoá trên thị trường chứng khoán. Với sự kiểm soát kỹ lưỡng, chất lượng hàng hoá dần được nâng cao. Tuy nhiên, dòng vốn từ các cá nhân đang gia tăng tỷ trọng, số lượng tài khoản của các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều. Nếu như chính sách từ đăng ký tài khoản đến chuyển tiền ngày càng thuận lợi và tự do hoá thì chắc chắn sẽ thu hút vốn ngoại nhiều hơn. Dòng vốn nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng gia tăng và có vai trò đặc biệt quan trọng trên thị trường chứng khoán.

Trước đó, nhất là giai đoạn quý IV/2022, niềm tin của nhà đầu tư suy giảm, do yếu tố khách quan nhưng cũng một phần đến từ một số chính sách liên quan đến tín dụng bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất, cũng như chính sách về cho vay giao dịch ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán (cắt giảm margin đột ngột và thời gian dành cho khách hàng bổ sung tài sản đảm bảo rất ngắn). Do đó, các chính sách cần hướng đến việc củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.

Về thị trường bất động sản, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp nên dù thị trường này vẫn gặp không ít khó khăn nhưng đang mở ra hướng mới cho doanh nghiệp. Kinh Bắc có may mắn là đất khu công nghiệp cho thuê với giá cao, có nơi tăng 50 - 100% mà đầu tư nước ngoài vẫn thuê, chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp công nghệ cao.

Tôi cho rằng, trong ngành bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp vẫn hoạt động tốt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội sẽ ổn định và có triển vọng sáng. Bởi lẽ, với mục tiêu của Chính phủ là có 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 thì tổng vốn đầu tư rất lớn, mỗi năm vài tỷ USD, tạo ra một kênh kích cầu và tháo gỡ khó khăn cho thị trường chung.

Ông Nguyễn Vũ Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán VNDIRECT

Trong năm 2022, với những biến động từ vĩ mô bên ngoài, chúng ta phải đón nhận mà không làm chủ được, ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin của nhà đầu tư, như một “điểm gãy” đáng tiếc.

Những tháng đầu năm 2023, các nút thắt trên thị trường dần được tháo gỡ, đặc biệt liên quan đến yếu tố cơ bản của doanh nghiệp về mặt chính sách, pháp lý, bên cạnh đó là các quyết định hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã kích thích dòng vốn quay trở lại.

Tuy nhiên, sự quay trở lại của nhà đầu tư cá nhân là chủ yếu. Chúng ta vẫn cần có những biện pháp để thu hút các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài cả trong ngắn và dài hạn. Niềm tin thị trường đến từ nhiều yếu tố, không chỉ đơn thuần đến từ chính sách, môi trường kinh doanh, hay nội tại doanh nghiệp. Để lấy lại niềm tin cho thị trường, chúng ta cần một chính sách nhất quán, mạch lạc, rõ ràng.

Vai trò kiến tạo của cơ quan quản lý ở giai đoạn hiện nay rất quan trọng trong việc cải thiện chất lượng doanh nghiệp trên thị trường để đón dòng vốn ngoại vào Việt Nam. Với thị trường vốn, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tập trung vào việc tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn. Trong đó, trái phiếu vẫn sẽ là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp, dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi sai lầm từ một vài cá thể. Đối với kênh huy động qua phát hành cổ phiếu, sự phục hồi của thị trường chứng khoán trong giai đoạn vừa qua sẽ giúp doanh nghiệp bớt khó khăn hơn trong việc huy động vốn cổ phần. Nhưng tốc độ cũng như sự hồi phục bền vững của thị trường phụ thuộc vào sự kiến tạo từ phía cơ quan quản lý cũng như các thành viên tham gia thị trường. Sau giai đoạn này, chúng ta có thể tự tin về sự hồi phục nhanh của thị trường chứng khoán.

Ông Trần Huy Doãn, Giám đốc Thị trường phái sinh, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS)

Thị trường chứng khoán đã trải qua nhiều biến động, một phần do những biến động nhanh và không thể dự đoán từ yếu tố chính trị và kinh tế thế giới, một phần do những sự kiện không thuận lợi từ nội tại trong nước. Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường chứng khoán trong một vài tháng trở lại đây cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư đang dần ổn định, với kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế. Từ nay đến cuối năm 2023, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ giúp cải thiện dòng vốn kích cầu kinh tế, nhưng vẫn cần thêm thời gian để nền kinh tế thực sự khởi sắc, bởi nguy và cơ trong giai đoạn hiện tại đan xen.

Bên cạnh thị trường chứng khoán cơ sở, thị trường phái sinh là mảnh ghép cần thiết, giúp thị trường chung trở nên lành mạnh và đa dạng, phục vụ đa mục tiêu cho các lớp nhà đầu tư khác nhau trên thị trường. Nhìn lại giai đoạn vừa qua, nhà đầu tư chịu ảnh hưởng bởi “dư chấn” từ dịch Covid-19, xung đột, khủng hoảng tại một số nơi trên thế giới…, tạo nên một bức tranh xám màu với nền kinh tế, thị trường chứng khoán. Trong bối cảnh thị trường cơ sở có những diễn biến không thuận lợi, phái sinh chính là một hệ sản phẩm cho phép nhà đầu tư đảm bảo cân bằng rủi ro danh mục đầu tư, bảo vệ tỷ suất lợi nhuận.

Tin bài liên quan