Tăng vốn, giữ vững hiệu quả hoạt động, cổ tức dẫn đầu
Gần 700 cổ đông trong tổng số hơn 10.000 người đang sở hữu cổ phiếu MB đã có mặt tại ĐHCĐ Ngân hàng ngày 21/4/2015 để cùng chia sẻ về thành quả, mục tiêu và thảo luận những định hướng lớn cho các bước tiến của MB năm 2015. Không ít câu hỏi đã được các cổ đông MB - nhiều người trong đó đã gắn bó hàng chục năm với Ngân hàng, đặt ra tại Đại hội, để nhìn nhận sâu hơn, rõ nét hơn những gì MB đã và sắp thực hiện.
Câu hỏi được đặt ra đầu tiên với Ban lãnh đạo Ngân hàng là kế hoạch tăng vốn. Năm 2014, MB cũng đã đặt ra kế hoạch tăng vốn nhưng thực hiện chưa trọn vẹn, vậy vì sao MB đặt kế hoạch tăng vốn đến 16.000 tỷ đồng năm 2015 và MB sẽ làm cách nào để thực hiện kế hoạch này? Đáp lại thắc mắc của cổ đông, lãnh đạo MB chia sẻ, năm 2014, việc tìm kiếm đối tác chiến lược không thuận lợi nên việc tăng vốn đã không hoàn thành. Bước sang năm 2015, MB đặt mục tiêu tăng vốn lên 16.000 tỷ đồng vì nhiều lý do. Thứ nhất, MB định vị mình trong TOP 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam, nên việc tăng vốn để tăng năng lực tài chính, xứng tầm TOP 5 là tất yếu. Thứ hai, việc tăng vốn sẽ giúp MB nâng cao khả năng kiểm soát rủi ro, tham gia vào các lĩnh vực khác như tài chính tiêu dùng, bảo hiểm nhân thọ; nâng cao khả năng đầu tư, tăng cường củng cố quan hệ với cổ đông lớn, đối tác lớn. Liên quan đến quyền lợi thiết thực nhất, cổ đông đặt câu hỏi, quan điểm của Ngân hàng về việc chia sẻ lợi ích cho cổ đông như thế nào trong bối cảnh kinh tế quốc tế và Việt Nam, dù có sự khởi sắc, nhưng vẫn chưa qua được giai đoạn khó khăn? Lãnh đạo MB khẳng định, chính sách cổ tức là vấn đề được quan tâm hàng đầu của Ngân hàng. MB luôn tuân thủ nguyên tắc hài hòa giữa giữa thu nhập và quyền lợi cổ đông, trên cơ sở phải tuân thủ việc phân loại nợ để trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Thực tế, năm 2014, chi phí rủi ro tín dụng khiến nhiều ngân hàng không chia cổ tức cho cổ đông, trong số 12 ngân hàng có trụ sở tại TP. HCM thì có 7 ngân hàng không chia cổ tức, đồng thời nhiều ngân hàng phải giảm cổ tức do lợi nhuận không đạt như kỳ vọng. Vì vậy, việc chi trả cổ tức tỷ lệ 10% của MB là nằm trong nhóm những ngân hàng có mức chi trả cổ tức cao nhất hiện nay.
Liên quan đến kế hoạch chào bán cổ phiếu để tăng vốn, cổ đông đặt vấn đề là nếu MB chiết giảm 25% giá bán cho cổ đông chiến lược trong nước, thì mức giá bán cho cổ đông trong nước sẽ nằm trong khoảng 10.000 - 10.500 đồng/CP, còn nếu bán ra cho cổ đông nước ngoài với mức giá bằng giá trị sổ sách thì MB có thể thu được số tiền chênh lệch cao hơn khoảng 1.000 tỷ đồng, tại sao MB không chọn cách này? Câu hỏi này đặt ra trong bối cảnh trên TTCK, nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những quỹ đầu tư lớn như Dragon Capital đánh giá thị giá cổ phiếu MB hiện khá thấp và nhiều quỹ có mong muốn đầu tư lớn, nhưng MB lại chỉ mở room ngoại ở mức 10%, phần còn lại chờ bán cho cổ đông chiến lược.
Chia sẻ với cổ đông, lãnh đạo Ngân hàng cho biết, thực tế, những lợi ích từ cổ đông trong nước đối với MB không chỉ tính trên giá bán. Đơn cử, cổ đông chiến lược của MB là Tập đoàn Viettel, số lượng khách hàng mới của MB đã tăng thêm 2 triệu nhờ việc hợp tác này, trong khi sau 20 năm phát triển, MB cũng chỉ đạt ở mức 2 triệu khách hàng.
Về việc mở room để nới rộng không gian đầu tư cho khối ngoại, mục tiêu của MB vẫn là tìm được cổ đông chiến lược nước ngoài nắm giữ từ 15 - 20% vốn. Cổ đông chiến lược mà MB tìm kiếm là những tổ chức có năng lực tài chính mạnh, có khả năng tăng cường năng lực quản trị và sự phát triển bền vững của Ngân hàng, đồng thời đảm bảo góp sức cho sự phát triển an toàn của MB. Hiện MB vẫn đang tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài theo những tiêu chí đã đặt ra, nên nếu mở thêm room cho các nhà đầu tư tài chính trên thị trường thì room cho nhà đầu tư chiến lược sẽ giảm xuống.
Sợi dây gắn kết người MB
Về mục tiêu năm 2015, mục tiêu cốt lõi mà Ban lãnh đạo Ngân hàng đặt ra là hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch 2015 đã đề ra, hoàn thành mục tiêu chiến lược 2011 - 2015 và giữ vững vị trí TOP 5 trong hệ thống các ngân hàng thương mại. Theo đó, về kinh doanh, MB sẽ phát triển kinh doanh toàn diện, có chiều sâu theo từng phân khúc khách hàng mục tiêu, đẩy mạnh phát triển sản phẩm, đồng thời chuyển dịch sáng tạo, khác biệt và đột phá năng lực kinh doanh bán lẻ. Một trong những mục tiêu MB đặt ra năm 2015 là sẽ phát triển thêm 3 triệu khách hàng mới, dựa trên các sản phẩm ngân hàng điện tử, theo sự hợp tác với cổ đông chiến lược Viettel.
Về nhân sự, MB sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế quản trị nhân sự tiên tiến, thực hành chương trình quản trị thành tích, quản trị nhân tài, xây dựng cơ chế đãi ngộ gắn với hiệu quả kinh doanh, năng suất lao động.
Với 6.939 cán bộ nhân viên và 224 điểm giao dịch có mặt tại 50 tỉnh, thành và 2 chi nhánh quốc tế tại Lào, Campuchia, so với nhiều ngân hàng, MB không bằng về lượng nhân sự, không bằng về điểm giao dịch, nhưng năm 2014 là năm thứ 3 liên tiếp, Ngân hàng đứng đầu khối ngân hàng TMCP về chỉ tiêu lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh. Ngoài việc xác định một chiến lược kinh doanh hiệu quả, văn hóa doanh nghiệp chính là sợi dây bền chặt, gắn kết MB, giúp MB phát huy các giá trị cốt lõi của một ngân hàng thương mại bên cạnh uy tín quân đội.
Là doanh nghiệp niêm yết, MB luôn ý thức duy trì và nâng cao tính hiệu quả, minh bạch trong công tác quản trị, đảm bảo quyền lợi chính đáng và bình đẳng của các cổ đông.
“Ở MB, chúng ta tự hào có một đội ngũ lãnh đạo, cán bộ nhân viên đoàn kết, thống nhất, một cơ cấu cổ đông vững mạnh và không có lợi ích nhóm trong ngân hàng”, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch MB, ông Lê Hữu Đức khẳng định.
“MB cần phát huy nội lực để vươn lên” Nguyễn Kim Anh Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Năm 2014, nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, số lượng các doanh nghiệp phải giải thể, phá sản, không trả được nợ, nhưng MB vẫn hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận cao nhất khối ngân hàng TMCP, giữ vững uy tín, vị thế của mình trên thương trường và tuân thủ tốt các quy định hoạt động của Ngân hàng Nhà nước. Trên nền tảng này, năm 2015, tôi hy vọng MB sẽ phát huy những kết quả đạt được, nội lực hiện có để tiếp tục vững bước, giữ vững vai trò tiên phong trong hệ thống ngân hàng. Trong năm 2015, NHNN mong rằng, cùng với nhiệm vụ kinh doanh, MB sẽ tái cơ cấu mạnh mẽ theo chiến lược chung của ngành ngân hàng, tăng cường công tác quản trị để chuẩn bị cho việc gia nhập thị trường tài chính quốc tế. Bên cạnh đó, MB cần triển khai tốt chương trình tín dụng theo ngành và tăng hiệu quả kiểm soát nội bộ, xây dựng mô hình quản trị rủi ro hiện đại, phục vụ tốt hoạt động kinh doanh của Ngân hàng. Tôi tin rằng, với sự đoàn kết, nhất trí cao trong Ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên MB, Ngân hàng sẽ chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, hoàn thành các mục tiêu năm, cũng như mục tiêu chiến lược đề ra. |
MB xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp Trong định hướng chiến lược của mình, MB dự kiến sẽ đầu tư thay đổi mô hình ngân hàng bán lẻ, nhằm tăng năng lực cạnh tranh; tích cực triển khai lĩnh vực kinh doanh mới gồm bảo hiểm nhân thọ và tài chính tiêu dùng; triển khai bán chéo mạnh hơn với cổ đông chiến lược Viettel và qua kênh phân phối là các công ty con. Trong năm 2015, MB khẩn trương hoàn thành các sáng kiến chiến lược cốt lõi, đồng thời xây dựng Chiến lược 2016-2020 với tầm nhìn 2030. Về nhân sự, MB xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, mỗi nhân sự có lộ trình nghề nghiệp rõ ràng, được tham gia đào tạo liên tục, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng. Năng lực làm việc của mỗi nhân sự được đánh giá trên bộ KPI gắn với từng chức danh. Những nhân sự có triển vọng sẽ được đánh giá, đưa vào TOP 500, TOP 100, TOP 50 để tập trung đào tạo và phát triển nhân tài. |