Niềm tin kinh doanh đã trở lại, nhưng các doanh nghiệp gửi gắm “nhiều điều kiện”

0:00 / 0:00
0:00
Sự trở lại của niềm tin kinh doanh đã được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhưng đó là niềm tin cần được vun đắp.
Các doanh nghiệp kỳ vọng, cầu thị trường xuất khẩu sẽ hồi phục rõ ràng hơn vào cuối năm 2024

Các doanh nghiệp kỳ vọng, cầu thị trường xuất khẩu sẽ hồi phục rõ ràng hơn vào cuối năm 2024

Niềm tin bắt đầu quay trở lại...

Thông tin này về sự trở lại của niềm tin kinh doanh đã được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

“Khảo sát của chúng tôi cho thấy, so với những kết quả phải nói dùng từ là “khá u ám” ở thời điểm đánh giá giữa năm 2023, thì những cái số liệu của đợt đánh giá cuối năm 2023 đã có bước cải thiện rõ rệt. Các doanh nghiệp đánh giá tích cực và rất tích cực về bối cảnh kinh doanh cuối năm 2023 và bối cảnh kinh doanh năm 2024 đã tăng lên một cách tương đối. Đặc biệt, những khía cạnh liên quan đến sức khỏe nội tại của doanh nghiệp cũng được ghi nhận ở mức độ tươi sáng hơn”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.

Cụ thể, số doanh nghiệp đánh giá tích cực/rất tích cực về triển vọng kinh tế vĩ mô 12 tháng tới tăng hơn 3 lần so với 6 tháng trước. Số doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô cũng tăng 2-2,5 lần. Một trong những tác nhận thúc đẩy niềm tin này, theo khảo sát của Ban IV, đến từ những chuyển dịch tích cực từ kinh tế vĩ mô, hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và hoạt động của chính quyền địa phương.

Dù vậy, bà Thủy cũng nhìn nhận, khó khăn của doanh nghiệp vẫn đang rất lớn. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tiêu cực, dù đã giảm từ 80% xuống còn 60%, nhưng vẫn là con số cao. Vẫn có tới 11,8% doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, 12,2% doanh nghiệp tính tới phương án tạm dừng, 48,4% dự kiến giảm quy mô.

Trong số các doanh nghiệp dự kiến tiếp tục hoạt động, thì có tới trên 58% đã phải chuẩn bị phương án giảm quy mô lao động...

Đặc biệt, vẫn có tới 70% doanh nghiệp đánh giá chưa cao hiệu quả của chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, dù có cải thiện so với năm ngoái.

“Đây là lý do để chúng tôi muốn gửi thông điệp rằng, niềm tin đã quay trở lại, nhưng rất cần những động thái từ Trung ương cho đến chính quyền địa phương để nuôi dưỡng và vun đắp niềm tin ấy, doanh nghiệp mới có cơ hội phục hồi mạnh mẽ hơn”, bà Thủy chia sẻ thông tin.

... nhưng cần thêm các điều kiện hậu thuẫn

Không chỉ báo cáo của Ban IV, các báo cáo, đánh giá của nhiều hiệp hội doanh nghiệp, như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest)... đều có chung đánh giá không mấy khả quan về tình hình thị trường năm 2024.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Vasep cho biết, dù có nhiều điểm tựa, nhưng khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành thủy sản rất lớn, do cung vẫn đang lớn hơn cầu. “Nhiều khả năng tình hình này kéo dài đến giữa năm 2024”, ông Nam cho biết.

Rõ ràng, việc đoán định các diễn biến tiếp theo của thị trường trong năm 2024 là bài toán khó với tất cả doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu. Trong hàng loạt dự báo gần đây từ các tổ chức quốc tế cũng như chuyên gia trong nước đều nhấn mạnh, các vấn đề liên quan đến xung đột chính trị tiếp tục ảnh hưởng đến sức mua của các thị trường. Thậm chí, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng thư ký Viforest còn nhắc đến “hội chứng sợ chi tiêu” của những người tiêu dùng.

“Chúng tôi hy vọng tình hình thị trường sẽ tốt hơn từ quý ba trở đi. Cùng với sự hỗ trợ của các giải pháp mà Chính phủ đang thực hiện, khó khăn của ngành gỗ sẽ đỡ hơn phần nào”, ông Hoài đặt niềm tin vào việc thực thi các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong Nghị quyết 02/2024/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vừa được Chính phủ ban hành.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cũng đặt kỳ vọng vào Nghị quyết 02 và Nghị quyết 01 của Chính phủ, mà theo kế hoạch được phân giao, các bộ, ngành địa phương sẽ phải hoàn tất chương trình, kế hoạch hành động và báo cáo trước ngày 20/1/2024 tới đây.

“Chúng tôi rất cần thủ tục hành chính thuận lợi, để thúc đẩy nhanh các kế hoạch đầu tư mở rộng trong năm nay”, ông Việt cho biết.

Vì các doanh nghiệp đều xác định, trong cơ chế thị trường, những can thiệp, hỗ trợ về chính sách có tác động ở mức độ nhất định, vì doanh nghiệp đang phụ thuộc vào thị trường và người tiêu dùng.

Đây là lý do các doanh nghiệp đều cho rằng, họ đang nỗ lực rất lớn, rất cố gắng cải thiện năng lực, nỗ lực đáp ứng các yêu cầu của bạn hàng, đối tác. Nhưng chính trong lúc này, sự chủ động, kịp thời tạo thuận lợi, hỗ trợ cho doanh nghiệp từ phía chính quyền các cấp là rất quan trọng.

Dư địa để kích cầu đầu tư tư nhân

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia đã nhắc đến đề xuất “kích cầu đầu tư tư nhân” khi bàn tới những khó khăn, thách thức mà khu vực này đang đối mặt.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lực lý giải, đang có cơ sở cho đề xuất này, khi có những điểm tích cực trong cơ hội đầu tư – kinh doanh năm 2024.

“Một số luật mới quan trọng đã và sẽ được Quốc hội thông qua, trong đó đặc biệt là Luật Đất đai, Luật các tổ chức tín dụng đang được bàn đến trong kỳ họp bất thường lần thứ năm của Quốc hội XV sẽ tạo nền tảng cho các thị trường liên quan đến đất đai, xây dựng bất động sản, tài chính ngân hàng… phát triển an toàn hơn lành mạnh hơn trong thời gian tới. Cùng với đó, một số cơ chế chính sách ban hành trong năm 2023 tiếp tục được thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Chính sách tiền tệ thì cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế, để doanh nghiệp và người dân an toàn hơn về mặt tài chính và có động lực để đầu tư và phát triển”, ông Lực phân tích.

Trước đó, tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên (Vietnam Economic Scenarios) lần thứ 16 với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới” VnEconomy và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức, ông Lực cũng đã nhắc đề xuất này trong bối cảnh vị thế của Việt Nam tăng lên nhờ kết quả rất tích cực của công tác ngoại giao kinh tế và hội nhập quốc tế, nhất là việc nâng cấp quan hệ với nhiều đối tác chiến lược quan trọng; sự manh nha của làn sóng FDI lần thứ tư vào Việt Nam...

“Chúng tôi đã báo cáo với Chính phủ, tăng trưởng vốn đầu tư tư nhân năm 2023 rất thấp, với khoảng 2,7%. Chúng tôi cho rằng, tỷ lệ này cần đạt khoảng 6-7%”, ông Lực đề xuất.

Đây cũng là đề xuất của ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI với quan điểm, Quốc hội và Chính phủ chú trọng giải bài toán làm sao cho doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn.

“Tôi không thích từ “tháo gỡ khó khăn”, vì tháo gỡ khó khăn là chúng ta cứ chạy theo những khó khăn và vai trò chủ động, dẫn dắt của Nhà nước giảm đi rất nhiều”, ông Tuấn nêu quan điểm và cho rằng, chúng ta hãy từ “tháo gỡ khó khăn” chuyển sang “tạo thuận lợi”.

Theo ông Tuấn, đây là cách tiếp cận tốt hơn, thể hiện rõ vai trò sẵn sàng trong việc tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có lẽ là điều cần phải làm ở nhiều cấp.

"Đây chính là chìa khóa để lấy lại niềm tin, cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường kinh doanh nhanh nhất, chủ động nhất", ông Tuấn chia sẻ quan điểm.

Tin bài liên quan