Niềm tin chính sách và dẹp loạn tin đồn

Niềm tin chính sách và dẹp loạn tin đồn

0:00 / 0:00
0:00
Cần một tuyên bố thống nhất của nhiều cơ quan liên quan, khẳng định mục tiêu của những vụ điều tra là nhằm làm trong sạch thị trường, nhắm đến các cá nhân thao túng, lừa đảo nhà đầu tư.

“Tâm lý nhiều nhà đầu tư tuần trước còn vững nhưng đến hôm nay thì đã xói mòn nhiều lắm rồi”, một người bạn là nhà đầu tư chứng khoán nhiều năm tâm sự.

Một nhà báo kỳ cựu thì chia sẻ: “Lúc tâm lý mong manh thì chỉ một tin đồn thôi cũng đua nhau bán”.

Có thể nói nổi bật lên ở những câu chuyện này là sự lo lắng, xói mòn niềm tin trong bối cảnh xuất hiện những tin đồn “bắt bớ”. Cho dù, việc cơ quan chức năng xử lý những cá nhân, doanh nghiệp vi phạm pháp luật là điều bình thường để làm trong sạch thị trường, nhưng lúc này, nghe tin đồn, nhiều người vẫn sợ, là bởi niềm tin đã suy yếu.

Vậy điều cần làm ở đây là gì?

Là cần thiết lập lại niềm tin của giới đầu tư chứng khoán vào viễn cảnh một thị trường trong sạch hơn, và dẹp loạn các tin đồn “bắt bớ” - những thông tin không có căn cứ. Vậy, có cách nào để làm được việc này, khi cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra nhiều vụ án?

Trước tiên, là cần một tuyên bố thống nhất của nhiều cơ quan liên quan, khẳng định mục tiêu của những vụ điều tra là nhằm làm trong sạch thị trường, nhắm đến các cá nhân có hành vi thao túng, lừa đảo nhà đầu tư để làm trong sạch thị trường.

Thông điệp chính sách phải rõ ràng và khẳng định những tin đồn chỉ là “nhiễu sóng”, đặc biệt là những doanh nghiệp làm ăn tốt, quản trị công ty tốt cần được tin tưởng. Ước tính sơ bộ của FiinTrade cho thấy, lợi nhuận sau thuế quý I/2022 của 360 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết đang tăng trưởng 103,2% so với cùng kỳ.

Những đợt mất giá mạnh của cổ phiếu vừa qua có thể thấy là do hoạt động bán giải chấp diễn ra đồng thời với yếu tố tâm lý yếu của thị trường trong bối cảnh yếu tố vĩ mô và lợi nhuận được công bố của nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn khả quan.

Điều đó cho thấy chủ yếu vấn đề là tâm lý. Sẽ có những đề xuất “cứu” thị trường ở đâu đó, nhưng người viết cho rằng, rút kinh nghiệm của Trung Quốc, nếu “cứu” không thành công qua những đợt can thiệp của những quỹ đầu tư có liên quan đến Nhà nước, thì niềm tin mong manh còn lại sẽ mất luôn và thị trường còn giảm sâu hơn.

Do đó, không nên mạo hiểm can thiệp vào diễn biến của thị trường mà hãy để thị trường tự điều chỉnh. Điều quan trọng chỉ là cần đưa ra các thông điệp nhất quán và rõ ràng để dập tắt các tin đồn.

Lấy ví dụ, những thông tin về “siết” thị trường trái phiếu, bất động sản, cổ phiếu cần được nói cho rõ. Những kênh vốn quan trọng của nền kinh tế như cổ phiếu, trái phiếu không thể bị “siết”, và các cơ quan Nhà nước chưa bao giờ nói như vậy.

Hoạt động thanh lọc và lấp các lỗ hổng về pháp lý không đồng nghĩa với việc “siết” lại thị trường trái phiếu hay cổ phiếu, mà chỉ là đưa các hoạt động phát hành, công bố thông tin trên thị trường trái phiếu về đúng quỹ đạo phải có, không lỏng lẻo như hiện nay, đồng thời xử lý các vụ thao túng giá cổ phiếu, bán chui để trục lợi trên thị trường cổ phiếu. Những thông điệp này cần được khẳng định lại cho rõ.

Về vấn đề giải quyết tin đồn, thay vì tìm cách đính chính, cần có một sự chủ động cung cấp các thông tin kịp thời hơn nữa và đủ nhanh qua các đơn vị truyền thông chính thống, tránh tình trạng tin đồn đi trước tin thật. Chỉ có như vậy thì mới có thể nhanh chóng dập tắt các tin đồn.

Với một nền kinh tế đang dần gượng dậy sau tác động của dịch Covid-19, Việt Nam có lợi thế về tiến trình hồi phục thể hiện qua những con số tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận mạnh của một số ngành so với cùng kỳ và nhiều nhà đầu tư đã nhận ra điều đó.

Vấn đề quan trọng ở đây là cần phải sớm ổn định tâm lý thị trường và giúp nhà đầu tư nhận ra rằng, khi một cổ phiếu có kết quả kinh doanh và triển vọng ổn định, mức định giá cũng không quá cao, thì về dài hạn vẫn là ổn định. Bán tháo những cổ phiếu đó không phải là lựa chọn tốt, trừ khi đang bị “call margin”.

Tin bài liên quan