Các nhà đầu tư đang bị yếu tố vĩ mô thế giới chi phối mạnh về tâm lý.

Các nhà đầu tư đang bị yếu tố vĩ mô thế giới chi phối mạnh về tâm lý.

Những yếu tố chi phối tâm lý nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thanh khoản không đủ lớn và nhiều diễn biến vĩ mô bất lợi dường như đang chi phối mạnh lên tâm lý của các nhà đầu tư.

Quan sát là chủ đạo

Bắt đầu câu chuyện cùng người phóng viên, chị Hương, một nhà đầu tư cho hay, dù hiện tại không phải là lúc chị thực hiện nhiều việc mua, bán cổ phiếu, nhưng thời gian dành cho việc nắm bắt các thông tin bên ngoài biên giới lại nhiều hơn hẳn giai đoạn trước.

“Thị trường hiện đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố tâm lý, trong đó theo tôi thấy, bối cảnh vĩ mô đang có nhiều tác động đến nhà đầu tư. Nhiều bạn bè của tôi cũng đang chủ yếu quan sát thay vì thực hiện mua bán sôi động như giai đoạn trước”, chị Hương cho biết.

Tương tự, anh Duy, một nhà đầu tư khác cho hay, hiện tại, anh đang chủ động thu hẹp danh mục và gia tăng tỷ trọng tiền/cổ phiếu để bảo toàn vốn. Các mã “xanh” được cân nhắc chốt lời dù tỷ lệ chưa cao.

“'Xanh nhà còn hơn già đồng' là câu nói đặc biệt đúng vào lúc này. Bối cảnh chung không cho phép tôi tham lam hay mộng mơ quá về triển vọng thị trường”, anh Duy cho biết.

Theo ông Đình Chương, Giám đốc DC Stock, nhiều nhà đầu tư đang giữ tâm lý quan sát vì thị trường chưa có xu hướng rõ rệt, mặt khác, do cả nguyên nhân chưa tìm được cổ phiếu có tiềm năng tăng giá. Theo ông Chương, thời kỳ tiền rẻ đã dần qua đi khi các dấu hiệu về lãi suất ngân hàng đều rục rịch tăng. Đây được xem là những nguyên nhân chính dẫn đến thanh khoản thị trường hiện tại sụt giảm.

Trong khi đó, đánh giá về bối cảnh vĩ mô, ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán AIS cho rằng, bối cảnh vĩ mô thế giới hiện đang làm trầm trọng thêm chuỗi cung ứng toàn cầu và gia tăng lạm phát.

“Không có nhà kinh tế nào mong muốn lạm phát tại các nền kinh tế tiên tiến sẽ đạt đến mức cao (hai con số) trong những năm tới. Điều đó thực sự sẽ là điều tồi tệ nhất trong gần 50 năm trở lại đây. Vào ngày 16/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018. Điều này như là một "khởi động mới" cho chu kỳ thắt chặt tiền tệ trong năm 2022 - 2023”, ông Kiên nói và cho biết thêm, giá mọi hàng hóa đang tăng cao từ lúa mì, dầu mỏ, khí đốt, đến than đá, phân bón, niken..., đã đẩy lạm phát leo thang và áp lực này còn có thể cao hơn nữa nếu Nga thực thi một loạt các lệnh trả đũa.

Cùng với đó, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở một số tỉnh của Trung Quốc khi nước này chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 tăng cao mấy ngày gần đây, có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các căng thẳng địa chính trị. Ảnh: Shutterstock.

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các căng thẳng địa chính trị. Ảnh: Shutterstock.

Tuy nhiên, ông Kiên cũng cho rằng, vẫn có lý do cho một sự "lạc quan thận trọng" khi một số nghiên cứu gần đây cho thấy, việc giá dầu tăng cao tác động làm tăng chỉ số lạm phát phi năng lượng là khá hạn chế.

Cụ thể, theo ông Kiên, Goldman Sachs cũng có những tính toán và chỉ ra rằng, giá dầu thô tăng 10% có thể làm tăng thêm 0,003% trong chỉ số CPI của Mỹ trong năm 2022, trong khi chỉ tăng khoảng 0,0003% trong chỉ số lạm phát cơ bản (sau loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng). Điều đó giúp giải thích tại sao kỳ vọng về xu hướng lạm phát dài hạn vẫn không ở mức quá đáng lo. Lạm phát dự báo 05 năm kể từ thời điểm hiện tại đang gần với mục tiêu của Fed là trung bình 2%.

“Cùng với đó, trong nhiều thập kỷ qua, các ngân hàng trung ương thường tránh việc thắt chặt quá mức trong các chính sách tiền tệ mỗi khi đối mặt với việc giá dầu thô tăng cao. Giá năng lượng tăng cao có thể đóng vai trò là lực cản đối với tiêu dùng, đó đang là một mối quan tâm đặc biệt với châu Âu. Nhưng với lãi suất thực tế âm nhiều năm ở cả Mỹ và châu Âu thì các ngân hàng trung ương vẫn còn không gian đủ lớn trong chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát trong những năm tới đây, bất kể điều gì xảy ra với giá cả trên thị trường hàng hóa”, ông Kiên nhận định.

Nhận diện lĩnh vực tiềm năng

Nhìn nhận về tâm lý nhà đầu tư, ông Bùi Nguyên Khoa, Phó trưởng phòng Phân tích Nghiên cứu Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết, hiện nay, nhà đầu tư có nền tảng kiến thức, mức độ tiếp cận thông tin tốt hơn trước chính vì vậy ngoài việc theo dõi tình hình trong nước, các nhà đầu tư cũng đã chú trọng đến các yếu tố thế giới.

Theo ông Khoa, các ngân hàng trung ương một số nước trên thế giới đang bước vào giai đoạn chuyển pha chính sách tiền tệ nên nhà đầu tư sẽ mang tâm lý thận trọng hơn trước khi giải ngân. Trong một thị trường chưa rõ xu hướng và sự phân hóa khá mạnh hiện tại, hoạt động giao dịch nhanh theo các phương pháp khác nhau đều có thể sử dụng dựa trên khẩu vị rủi ro và khả năng quản trị danh mục của mỗi nhà đầu tư.

Theo ông Khoa, các nhà đầu tư hiện có thể quan tâm đến một số nhóm ngành hưởng lợi từ chương trình đầu tư công và gói phục hồi kinh tế như ngành vật liệu xây dựng (thép, xi măng, đá, cát, nhựa, nhựa đường); ngành thi công (gồm các doanh nghiệp thực hiện xây dựng hạ tầng, điện, xây dựng thương mại, ETC, giao thông thông minh); ngành bất động sản (các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản dân cư, bất động sản khu công nghiệp).

Ngoài ra, một số nhóm ngành ngành hưởng lợi từ xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine như dầu khí, phân bón, thép (tôn), logistics, hay các ngành hưởng lợi từ phục hồi kinh tế như ngân hàng, bán lẻ, xuất khẩu cũng có thể cân nhắc.

Trong khi đó, theo ông Đình Chương, Giám đốc DC Stock, 2 năm thời kỳ tiền rẻ vừa qua cũng là 2 năm bùng nổ với thị trường chứng khoán, nên đa phần các cổ phiếu đều đã tăng khá nhiều và không còn rẻ. Năm nay sẽ là năm của việc tái định giá các doanh nghiệp tốt, tức nhà đầu tư cần chọn cổ phiếu vì giá trị tương lai vẫn còn rẻ.

“Trong giai đoạn hiện tại, những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành có tiềm năng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục hồi sau đại dịch là những cổ phiếu được ưu tiên hơn. Cụ thể như nhóm đầu tư công, trong gần 2 năm qua, mặc dù cụm từ “đầu tư công” được nhắc đến nhiều, nhưng kết quả kinh doanh của nhóm này vẫn chưa mấy khởi sắc. Tuy nhiên, năm 2022, dịch bệnh được kiểm soát, các công trình đầu tư công được khởi công mạnh mẽ trở lại, kết quả hoạt động kinh doanh sẽ được cải thiện nhiều”, ông Chương nói.

Ngoài nhóm đầu tư công, theo ông Chương, nhóm xuất khẩu như thuỷ sản, dệt may vẫn là động lực chính. Tuy nhiên, hầu hết các nhóm cổ phiếu này đều không còn rẻ ở thời điểm hiện tại, nên nhà đầu tư cần chắt lọc từng cổ phiếu trong từng nhóm ngành để đầu tư vì sự phân hoá trong năm nay sẽ rất lớn.

Tin bài liên quan