Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Cho đến thời điểm này, gần 2 tháng sau khi thực hiện Luật Đầu tư, những vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư vẫn chưa hết, thưa ông?
Khó khăn lớn nhất và dễ thấy nhất là do Luật Đầu tư đã thay đổi cơ bản về quy trình, thủ tục thực hiện dự án đầu tư, nên cơ quan đăng ký đầu tư còn lúng túng trong thực hiện.
Đơn cử như quy định bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư với các dự án trong nước, tưởng như sẽ không phát sinh vấn đề gì, nhưng thực tế đòi hỏi giải pháp, công cụ cho các dự án đang triển khai, trong giai đoạn chuyển tiếp. Hay với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, thời gian cho thủ tục này chỉ còn 15 ngày, thay vì 45 ngày trước đó, tạo sức ép lớn lên cơ quan đăng ký đầu tư. Thời gian qua có tình trạng trì hoãn xử lý hồ sơ dự án đầu tư tiếp nhận trước ngày 1/7/2015.
Cũng có lý do từ việc chưa nắm rõ các quy định mới của chính nhà đầu tư, doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ tăng cường phổ biến, tuyên truyền, tập huấn các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư... Khi mọi người cùng chung cách hiểu, thì những lúng túng này sẽ được giải tỏa.
Còn có nguyên do từ việc chưa công bố Danh mục điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Sự chậm trễ này chắc cũng ảnh hưởng đến việc xem xét các điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài?
Điều đầu tiên tôi muốn nhấn mạnh, đó là các quy định về điều kiện đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài đang có trong các văn bản pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết đều đang có hiệu lực và là căn cứ trực tiếp để thực hiện các thủ tục đầu tư.
Khi danh mục điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài được công bố, việc tiếp cận điều kiện đầu tư của nhà đầu tư minh bạch hơn, cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở tham chiếu thuận lợi hơn trong thực thi pháp luật, nhưng không có nghĩa là không có thì mọi việc liên quan đến đăng ký đầu tư bị dừng lại. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Công văn 5122/BKHĐT-PC hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư hướng dẫn về nội dung này.
Còn về danh mục, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi dự thảo Danh mục này cho các bộ, ngành để lấy ý kiến. Phải thừa nhận, công việc này gặp nhiều khó khăn do các điều ước quốc tế về đầu tư có cách tiếp cận khác nhau về ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, có cam kết theo cách chọn bỏ, có cam kết theo phương pháp chọn cho. Một số ngành, phân ngành dịch vụ mà Việt Nam chưa cam kết trong WTO, nhưng pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài...
Ngoài ra, vẫn có một số khó khăn như trong số 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, có 16 ngành, nghề chưa có quy định cụ thể về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Đặc biệt, một số bộ vẫn đang tiếp tục soạn thảo, ban hành các thông tư có quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư, chẳng hạn Thông tư 25/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp; dự thảo Thông tư của Bộ Xây dựng quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản...
Nghĩa là vẫn còn sự không thống nhất giữa quy định của Luật Đầu tư với quy định của các luật có liên quan về trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư, thưa ông?
Điều này đòi hỏi việc rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định hiện hành để đảm bảo tính thống nhất trong quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư phải được thực hiện theo đúng tinh thần của Luật Đầu tư. Các bộ, ngành sẽ phải cùng vào cuộc để hoàn thành các công việc này trong tháng 12/2015.
Có thể nhắc tới một số quy định phải sửa đổi nhanh như yêu cầu phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại Điều 25, Luật Bảo vệ môi trường là không khả thi, dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư khi dự án không được chấp thuận vì những lý do không liên quan đến môi trường hoặc thay đổi địa điểm thực hiện dự án.
Hay như việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện theo quy định tại khoản 1, Điều 52, Luật Đất đai dẫn đến việc nhà đầu tư mất thời gian dài chờ cơ quan nhà nước lập, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất...