Theo thống kê cả năm 2018, doanh thu phí nghiệp vụ này chỉ chiếm tỷ trọng 0,02% tổng doanh thu phí bảo hiểm. Nếu tính theo số tiền bồi thường tối đa của cả thị trường thì chỉ có 10 vụ bồi thường cho nghiệp vụ này.
Bảo hiểm người lao động thi công trên công trường là bảo hiểm cho trách nhiệm dân sự của nhà thầu thi công xây dựng đối với người lao động thi công trên công trường.
Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường thuộc trách nhiệm bảo hiểm.
Nhằm bảo vệ nhà thầu thi công, cũng là bảo vệ người lao động, Chính phủ đã quy định đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc tại Nghị định 119/2015/NÐ-CP và được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 329/2016/TT-BTC. Cụ thể, từ ngày 1/3/2017, nhà thầu thi công bắt buộc phải mua bảo hiểm người lao động thi công trên công trường cho người lao động.
Ðối tượng bảo hiểm của loại hình bảo hiểm này là trách nhiệm dân sự của nhà thầu thi công xây dựng đối với người lao động thi công trên công trường theo quy định của pháp luật. Số tiền bảo hiểm tối thiểu trong trường hợp bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường là 100 triệu đồng/người/vụ.
Về số tiền bồi thường, khi người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường thuộc trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả những khoản tiền theo thỏa thuận giữa nhà thầu thi công và người lao động hoặc đại diện hợp pháp của người lao động (trong trường hợp người lao động đã chết), bao gồm phụ cấp nghỉ việc trong thời gian điều trị, chi phí y tế, hoặc trả tiền bảo hiểm theo tỷ lệ thương tật. Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm không vượt quá 100 triệu đồng/người/vụ.
Trường hợp các bên thỏa thuận tăng số tiền bảo hiểm trên mức số tiền bảo hiểm tối thiểu thì số tiền bồi thường bảo hiểm sẽ không vượt quá số tiền bảo hiểm mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Các bên có thể thỏa thuận tách thành 2 phần gồm phần bảo hiểm bắt buộc theo mức phí, số tiền bảo hiểm tối thiểu theo Thông tư 329/2016/TT-BTC và phần bảo hiểm tự nguyện theo thỏa thuận của các bên.
Mặc dù đã trở thành loại hình bảo hiểm bắt buộc và các doanh nghiệp bảo hiểm đều phải triển khai, tuy nhiên, các doanh nghiệp, nhà thầu thi công chưa biết hoặc chưa mặn mà với loại hình bảo hiểm này.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm, năm 2018, doanh thu phí bảo hiểm của loại hình bảo hiểm này trên toàn thị trường chỉ đạt 9,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,02% tổng doanh thu phí bảo hiểm, mức độ tăng trưởng so với năm 2017 là 10%, mức thấp nhất trong các nghiệp vụ bảo hiểm và so với tốc độ tăng trưởng toàn thị trường là 42%.
Mức bồi thường của nghiệp vụ bảo hiểm người lao động thi công trên công trường trong năm 2018 của toàn thị trường là 1,01 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ bồi thường là 10,4%. Nếu lấy tổng số tiền bồi thường bảo hiểm không vượt quá 100 triệu đồng/người/vụ thì cả năm 2018 chỉ có 10 vụ bồi thường cho người lao động.
Thực trạng này diễn ra bởi loại hình bảo hiểm người lao động thi công trên công trường còn khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam. Ðối tượng quan tâm tham gia bảo hiểm chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật và bảo vệ trách nhiệm pháp lý của mình khi thuê người lao động thi công công trình.
“Các doanh nghiệp Việt Nam thậm chí không biết đến loại hình bảo hiểm người lao động thi công trên công trường, cũng như trách nhiệm phải mua bảo hiểm. Có nhà thầu biết nhưng chưa nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của loại hình bảo hiểm bắt buộc này, hoặc cố tình không chấp hành”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ.