Không có gì đáng ngạc nhiên khi Amazon đang tạo dựng cho mình hình tượng về một doanh nghiệp với bước tiến thần tốc. Liệu đây có trở thành công ty Mỹ đầu tiên đạt giá trị 1.000 tỷ USD, khi con số hiện tại là 777,8 tỷ USD? Liệu có điều gì ngăn được đà tiến bước của gã khổng lồ này?
Theo các chuyên gia kinh tế, sức mạnh của Amazon vẫn có những điểm yếu và đây không hẳn là kẻ không thể bị đánh bại.
Mối lo độc quyền
Amazon không phải là doanh nghiệp độc quyền dựa theo định nghĩa của giới chức. Cụ thể, “độc quyền xuất hiện khi một thực thể nắm quyền kiểm soát toàn bộ nguồn cung hàng hóa hoặc dịch vụ trong một khu vực hoặc một thị trường nhất định”.
Thực tế, công ty này tuy lớn, nhưng chỉ nắm 5% toàn bộ thị trường bán lẻ tại Mỹ và 1% trên toàn cầu, theo Jodi Seth, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Amazon. Mục tiêu tới năm 2020, Công ty sẽ nâng thị phần lên 10% toàn bộ mảng bán lẻ tại Mỹ.
Dù Amazon có nắm tới 10% thị phần cũng chưa gióng lên hồi chuông cảnh báo với chính quyền, bởi để giới chức vào cuộc xem xét có sự xuất hiện của độc quyền hay không, doanh nghiệp phải nắm giữ lớn hơn 50% thị phần. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các quan chức liên bang không thể làm gì với sự bành trướng của Amazon?
Với luật pháp hiện tại, Amazon đang an toàn với vấn đề “độc quyền”, nhưng Quốc hội Mỹ hiện đang xem xét việc thực thi luật mới, trong đó các yếu tố cấu thành nên “độc quyền” sẽ được nhìn dưới góc độ khắt khe hơn.
Chưa kể, Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những người luôn lớn tiếng nhất trong việc chỉ trích Amazon, mà vấn đề lớn nhất đó là sức mạnh hạn chế khả năng gia nhập thị trường của các doanh nghiệp khác.
Kể từ năm 2013 tới nay, Amazon đã thành lập 5 công ty tại các lĩnh vực dịch vụ web, logistic, bán lẻ, giải trí, khoa học sức khỏe và đời sống, tạo nên sức mạnh tập thể mà khó có doanh nghiệp nào khác có thể đối đầu, nhưng nhà cầm quyền thì có thể.
Kẻ thù chung
Với sức mạnh lớn của mình, Amazon biến thành kể thù chung của các doanh nghiệp bán lẻ và công nghệ khác. Mới đây, Walmart và Microsoft đã công bố chiến lược hợp tác về vấn đề phát triển công nghệ để cải thiện mảng kinh doanh của Walmart, từ hệ thống phân phối cho tới trải nghiệm khách hàng.
Hiện tại, Walmart đang sở hữu 5.353 cửa hàng bán lẻ riêng tại Mỹ, 90% người dân Mỹ sống trong khu vực 10 dặm mà trung tâm là một cửa hàng Walmart. Với hệ thống cơ sở này, điều mà Công ty cần cải thiện hơn nữa là năng lực bán hàng online đáp ứng nhu cầu của khách hàng và chiến lược thu hút người dùng mới. Việc kết hợp với Microsoft vì vậy trở thành bước đi đáng kỳ vọng, khiến Walmart duy trì vị trí đối thủ đáng gờm nhất của Amazon.
Chưa kể, các chuyên gia kinh tế đang lưu ý tới khả năng, Facebook và Google sẽ nhảy vào lĩnh vực bán lẻ. Các công ty công nghệ khổng lồ này đang sở hữu những tiềm lực rất lớn, bao gồm giá trị thị trường hàng trăm tỷ USD, nắm trong tay lượng dữ liệu khách hàng khổng lồ và thương hiệu được nhận diện trên toàn cầu.
Điểm yếu thực phẩm tươi sống
Với nhận thức ngày càng cao về sức khỏe và sự thay đổi thói quen của người dùng, các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc tạo ra hệ sinh thái thực phẩm sạch và protein lành mạnh sẽ là vấn đề mà các nhà bán lẻ cần phải chú trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững. Trong khi đó, đây đang là điểm yếu của Amazon, nhất là khi so với các đối thủ trong ngành như Kroger và Walmart.
Thực tế, Marc Lore, Chủ tịch và CEO bộ phận thương mại điện tử của Walmart là người hiểu rõ nhất tầm quan trọng của yếu tố này và tin tưởng rằng, Walmart có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh bằng việc cung cấp thực phẩm tươi sống tại cửa hàng và dịch vụ chuyển đồ ăn hiệu quả.