PV Drilling là một trong số ít doanh nghiệp viết báo cáo thường niên bằng song ngữ Việt - Anh.

PV Drilling là một trong số ít doanh nghiệp viết báo cáo thường niên bằng song ngữ Việt - Anh.

Những vấn đề trong mẫu báo cáo thường niên của DN Việt Nam

(ĐTCK-online) Theo Thông tư số 38/2007/TT-BTC, việc công bố báo cáo thường niên của các công ty ở Việt Nam được tiến hành theo mẫu CBTT-02. Tuy nhiên, mẫu công bố này đang tồn tại một số vấn đề mà báo cáo thường niên chưa đề cập một cách rõ ràng.

Những phân tích và đánh giá của ban quản trị về hoạt động kinh doanh

Trong mẫu báo cáo thường niên của Việt Nam , tình hình hoạt động kinh doanh được nêu qua báo cáo của HĐQT và báo cáo của ban giám đốc. Các báo cáo này đều cung cấp thông tin về tình hình hoạt động hiện nay và mục tiêu trong tương lai. Tuy nhiên, các báo cáo chỉ dừng ở mức độ "đưa thông tin" hơn là "phân tích, đánh giá". Vì bí mật kinh doanh, việc các công ty ngại "nói rõ, nói thẳng" là điều có thể chấp nhận. Nhưng nói như vậy không có nghĩa ban quản trị lờ đi việc phân tích, đánh giá về hoạt động kinh doanh của công ty cho các cổ đông. Các cổ đông ngoài những thông tin được nêu ra, cần có những phân tích, đánh giá của ban quản trị về tác động của tình hình sốt nóng giá dầu, giá vàng, lạm phát, lãi suất, tỷ giá… đến hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh giá cả hàng hoá gia tăng, giá nguyên liệu đầu vào tăng vọt, các cổ đông cần biết chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ thay đổi như thế nào? Doanh nghiệp sẽ huy động vốn ra sao cho các dự án mới trước tình hình lãi suất cho vay tăng cao và việc tiếp cận vốn từ ngân hàng ngày một thắt chặt? Chủ trương kiểm soát đầu tư công của Chính phủ có tác động đến cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp hay không...?

Ngược lại, những diễn biến trên sẽ mang lại thời cơ cho doanh nghiệp như thế nào? Việc Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, cho phép người nước ngoài sở hữu nhà có tạo nên một phân khúc thị trường mới cho các doanh nghiệp bất động sản? NHNN tháo dỡ trần lãi suất huy động 12%/năm thì khả năng huy động vốn của các ngân hàng thương mại thay đổi như thế nào, lãi suất cho vay thay đổi ra sao…? Với mỗi ngành nghề kinh doanh, cần có những phân tích về cơ hội của doanh nghiệp trước diễn biến của thị trường tiền tệ, thị trường hàng hoá và thị trường vốn.

Rủi ro kinh doanh là điều mà các báo cáo ít đề cập. Phân tích những rủi ro gặp phải trong kinh doanh sẽ giúp công chúng có cái nhìn rõ ràng hơn về những thách thức trong tương lai. Khả năng xuất hiện những sản phẩm mới đe dọa đến sự tồn tại sản phẩm của doanh nghiệp; tình hình lạm phát có khiến người tiêu dùng giảm nhu cầu đối với sản phẩm hay không...? Đối với các công ty địa ốc, thông tin về việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ tác động như thế nào đến doanh nghiệp, trần tín dụng ngân hàng sẽ khiến lợi nhuận trong năm nay suy giảm như thế nào...?

Những sự kiện pháp lý như các vụ kiện chống bán phá giá trong các doanh nghiệp xuất khẩu hay những cáo buộc vi phạm bản quyền... thường dễ bị một số người lợi dụng để tung tin đồn thất thiệt nhằm làm thay đổi giá cổ phiếu. Do đó, cần thông tin về những vấn đề này cho cổ đông nắm rõ.

 

Bảng báo cáo vốn cổ phần của cổ đông

Theo Luật Chứng khoán, có 3 loại báo cáo tài chính mà công ty công bố cho đại chúng là: bảng kết quả hoạt động kinh doanh, bảng cân đối kế toán, bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ và kèm theo đó là báo cáo thuyết minh tài chính. Tuy nhiên, bảng báo cáo vốn cổ phần của cổ đông chưa được nêu ra trong luật định. Thay vào đó, các doanh nghiệp thường đưa ra một báo cáo khá ngắn gọn về thay đổi vốn cổ phần. Ở Mỹ, các báo cáo thường niên phải công bố đầy đủ 4 loại báo cáo tài chính trên.

Bảng báo cáo vốn cổ phần rất quan trọng với cổ đông, vì nó cung cấp thông tin, nguyên nhân gây ra những biến động của các tài khoản trong vốn cổ phần. Vốn cổ phần tăng lên, giảm xuống là do phát hành, do sự gia tăng của lợi nhuận giữ lại hay do việc mua lại cổ phiếu. Thay đổi trong thu nhập giữ lại là rất quan trọng vì nó thể hiện sự liên kết giữa bảng báo cáo thu nhập và bảng cân đối kế toán. Vì cổ tức thường được chi trả từ lợi nhuận giữ lại nên số dư của tài khoản này cho thấy giới hạn trên đối với khoản chi trả cổ tức.

Ở Việt Nam , chúng tôi muốn nhấn mạnh đến báo cáo này vì sự thiếu sót của bảng báo cáo đó có thể dẫn đến những thiệt hại cho cổ đông. Trong báo cáo vốn cổ phần của Mỹ, các thành phần trong bảng này gồm: vốn cổ phần thường, vốn thặng dư, thu nhập giữ lại, lãi (lỗ) tích lũy từ các hoạt động khác (AOCI) và cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, ở Việt Nam , bên cạnh một số tài khoản tương tự như trên còn xuất hiện các quỹ như: quỹ phúc lợi và khen thưởng, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu. Các quỹ này tuy nằm trên bảng cân đối kế toán thuộc về phần nguồn vốn chủ sở hữu, song lại được sử dụng cho các mục đích khác không dành cho cổ đông. Ví dụ, quỹ dự phòng tài chính được sử dụng để bù đắp những tổn thất tài chính quá lớn hoặc những tổn thất không được hạch toán vào chi phí chịu thuế như phạt vi phạm hợp đồng, phạt lãi vay..., quỹ này thường được các nhà quản lý sử dụng nhằm che đậy những yếu kém trong việc điều hành. Do đó, phân tích báo cáo này có thể giúp cho đại chúng hiểu rõ hơn về tình hình kinh doanh thực sự của doanh nghiệp.

 

Định lượng và quản trị rủi ro tài chính

Thời gian qua, diễn biến của lãi suất, giá các nguyên liệu đầu vào, giá dầu, vàng, tỷ giá rất phức tạp. Những biến động này tác động rất lớn đến doanh thu và lợi nhuận của công ty, nhưng hầu như các báo cáo thường niên của các doanh nghiệp Việt Nam không hề cung cấp những thông tin mang tính định lượng cho công chúng. Việc tiến hành quản trị rủi ro tài chính lại càng không được đề cập đến. Điều này có thể được lý giải bởi sự thờ ơ của nhiều nhà đầu tư đến hoạt động quản trị rủi ro tài chính của doanh nghiệp.

 

Những giao dịch liên quan đến cổ phiếu của công ty

Các thông tin về giao dịch cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài, của cổ đông chiến lược, của ban quản trị công ty thường được công bố ra bên ngoài trước khi diễn ra. Tuy nhiên, khi kết thúc năm tài chính, đại chúng cần có thông tin tổng hợp về những hoạt động đó. Giao dịch của các thành viên ban quản trị được nhiều nhà đầu tư chú ý vì nó chứa đựng thông tin dự báo về giá cổ phiếu. Trong thời gian vừa qua, có xuất hiện tin đồn xung quanh việc bán cổ phiếu của các thành viên HĐQT và ban kiểm soát. Thay vì giải thích, chúng ta nên thể hiện trong báo cáo để công bố rộng rãi ra công chúng.

 

Kế hoạch tài chính tương lai

Các công ty tại Việt Nam đều công bố kế hoạch tài chính trong năm kế tiếp, ít công ty nào công bố kế hoạch 5 năm tiếp theo. Do vậy, các nhà phân tích, nhà đầu tư chưa đủ cơ sở để nhìn xa hơn về tương lai của doanh nghiệp. Những kế hoạch tài chính là những mục tiêu định lượng rõ ràng về sự phát triển của doanh nghiệp. Các mô hình định giá tính toán giá trị nội tại của cổ phiếu mà công chúng sử dụng rất cần những thông tin định lượng như thế. Vì vậy, việc công bố những kế hoạch tài chính tương lai của doanh nghiệp là hết sức cần thiết.

Những vấn đề trên cho thấy, báo cáo thường niên ở Việt Nam cần phải có những đổi mới nhằm phù hợp với sự phát triển của TTCK và nhu cầu thông tin của đại chúng. Hiện nhiều doanh nghiệp đang hướng đến niêm yết trên TTCK quốc tế, do vậy các báo cáo thường niên Việt Nam nên hướng đến các chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh những báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam , các báo cáo thường niên phải được thiết lập theo các chuẩn mực kế toán khác nhau (như chuẩn mực kế toán quốc tế IAS hay GAAP của Mỹ...) và ngôn ngữ tiếng Anh cho các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng.